Sóc Trăng có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cùng với người Kinh và người gốc Hoa. 34 năm sau giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer. Nhiều dự án y tế cộng đồng đã triển khai có hiệu quả, được đồng bào tích cực hưởng ứng, trong đó phải kể đến Dự án hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này đã triển khai thí điểm tại huyện Vĩnh Châu từ nhiều năm trước về việc hỗ trợ cho người cận nghèo ở xã Vĩnh Hiệp và thị trấn Vĩnh Châu tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Huy động sức dân
Huyện Vĩnh Châu là huyện có cả ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống và làm ăn, trong đó người Khmer chiếm hơn 52 % dân số toàn huyện. Vì thế, trình độ dân trí không đều, nhận thức của người dân còn hạn chế và lạc hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn phổ biến. Ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao. Do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Nhận thức rõ đặc điểm tình hình địa phương, ngay từ đầu năm, Sở Y tế Sóc Trăng đã chỉ đạo quyết liệt y tế Vĩnh Châu chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, sát với tình hình địa bàn. Toàn huyện có 127 ca mắc sốt xuất huyết giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; 100% xã triển khai 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng; 100% ổ dịch nhỏ được xử lý theo đúng quy định.
Y tế khám, chữa trị bệnh cho bà con người Khmer. |
Y sĩ Trần Thu Thảo - Trưởng khoa Phòng chống bệnh xã hội - Tổ trưởng Tổ lao huyện Vĩnh Châu bổ sung: “Người dân hiểu biết về bệnh lao còn hạn chế, kinh tế gặp khó khăn. Lực lượng cộng tác viên phải đưa kiến thức về bệnh lao cho người dân bằng cách tuyên truyền nhóm nhỏ, bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực”.
Sức khỏe là gốc để giàu
Hơn 8 năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ở 6 ấp của xã Lai Hòa rất vui khi trạm y tế tại ấp Prêy Chóp B được thành lập. Đây là trạm y tế do Đồn biên phòng 650 và Phòng y tế huyện Vĩnh Châu phối hợp thành lập lấy tên là “Trạm quân dân y kết hợp”. Trạm y tế này vừa có nhiệm vụ điều trị bệnh cho cán bộ chiến sĩ trong Đồn vừa làm dịch vụ khám bệnh cho người dân trong xã, nhưng đối với đồng bào Khmer nghèo thì được chữa bệnh miễn phí. Chị Lý Thị Hoàng, một bệnh nhân ở xã Lai Hòa thường xuyên đến khám bệnh tại trạm y tế cho biết: “Tôi nhức đầu và nhức cổ, tôi uống thuốc nam không hết. Tôi đi theo thầy đốt, đốt hoài cũng không hết. Nay đến Trạm quân y được các em cho thuốc uống thấy đỡ rồi. Khám xong các anh em còn dặn 1 tuần sau tái khám. Có lần tôi quên đi khám, các em còn nhắc tôi đến khám nữa”. Chị Thạch Thị Hoa, một bệnh nhân nghèo nói: “Nhà tôi nghèo đến đây khám bệnh lần nào cũng không lấy tiền. Khi khám bệnh xong, bác sĩ còn dặn 1 tuần sau tái khám để nhận thuốc mới về uống. Nhờ vậy, tôi mới có sức khỏe để đi ruộng. Năm rùi, nhà tôi trúng mùa lúa, nên đã sắm sanh nhiều tiện nghi trong nhà. Tôi ơn các thầy thuốc lắm!”. Trạm Quân dân y kết hợp là mô hình đầu tiên được Bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng thành lập thí điểm, mô hình này sẽ được nhân rộng và phát triển ra nhiều địa bàn khác trong tỉnh .
Bài và ảnh: Hoàng Liên Phương