Những quy định trong cuộc sống thường không theo kịp thực tế và chính khoảng cách giữa nhận thức và hành động lại là một thử thách, trở thành thước đo tinh thần làm chủ như một phẩm chất cán bộ trong công việc. Động lực để người Anh hùng tỏa sáng chính là niềm tin vào Đảng, vào tập thể và tin vào chính mình với một khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ. Thế nhưng liệu cái đúng hôm qua có trở nên lạc lõng giữa hiện tại ...
4. Cuộc sống có bao nhiêu anh hùng và ta đã gặp được bao nhiêu anh hùng? Đó là niềm tự hào nhưng cần hơn niềm tự hào ấy là khao khát được biết về con đường trở thành anh hùng để cuộc sống này có thêm những anh hùng.
Còn nhớ, một tối trong Nông trường sông Hậu tôi được bác Năm và chị Ba tiếp riêng. Cái buổi tối ấy không chỉ là tìm hiểu thực tế mà cảm nhận trong tôi còn có thêm những hiểu biết và tâm tư của cha con người anh hùng. Tôi hỏi:
- Có được nông trường như thế này từ vùng đất hoang hóa sình lầy chắc chắn không đơn giản. Vậy khó khăn và thuận lợi lớn nhất của bác?
- Mình ham làm, không tư túi cá nhân thì được bà con đồng tình và làm gì cũng được. Thuận lợi quá đi chớ. Nhưng khó khăn... Nhiều khi mình tính vầy nhưng mắc cơ chế, quy định...
- Đấy là nét riêng trong sự phát triển của ta chăng, thưa bác?
- Đâu cũng vầy thôi à. Xem phim Mỹ thấy bên họ mấy thằng làm ác vẫn cứ nhởn nhơ vì thiếu chứng cứ luật không đụng được. Thế là có cha FBI tức quá, bỏ hết súng, thẻ, bộ đồ cảnh sát uýnh nhau với nó...
Ông giám đốc cười móm mém. Cái ví dụ lạ hoắc ấy lại mang một triết lý nhân sinh là nhân viên công vụ, công chức hay ai thì cũng phải có trái tim con người dành cho con người, cho cái đẹp. Làm gì thì cũng hướng đến con người để gìn giữ phần lương thiện và cũng phải biết phẫn nộ với cái bất cập để chỉnh sửa nó. Đã có chuyện mùa màng gieo sạ giống má phải theo ngày nhưng xăng dầu chưa về kịp. Chờ xăng dầu về thì lỡ vụ, mùa màng thất bát mà ra chợ đen mua xăng dầu về tuy cứu được thời vụ nhưng đi tù như chơi vì "tiêu thụ đồ bất minh không rõ nguồn gốc", "tiếp tay cho gian thương, lũng đoạn thị trường"...
Bác Năm cười:
- Mình tính cái nào lợi cho dân cho tập thể thì làm chớ lo làm trái chắc không có dám làm gì hết trọi. Quan trọng là mình có được thanh thản sau mỗi quyết định không...
- Vậy chị Ba có bao giờ sợ làm trái ?- Tôi hỏi.
- Sợ chớ! Sợ để không phải ân hận vì làm sai với hiểu biết và lương tâm mình. Nhưng nếu có lợi cho tập thể sao không làm miễn là đừng vì cá nhân. Các chú các anh (cấp trên) đều là người cộng sản thực sự sao không biết mục đích của cha con tôi.
Niềm tin vào Đảng, vào cấp trên của chị Ba Sương phải chăng đó là sức mạnh để sau này kế nghiệp cha, chị vẫn tiếp tục phát triển nông trường đi lên để trở thành Anh hùng, thành Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002, thành đại biểu Quốc hội. Dân viết như tôi đâu rành về kinh doanh nhưng chị nói rất giản dị dễ hiểu, đại để:
- Đảng mình kêu gọi phát huy tinh thần làm chủ thì mình phải làm chủ thật sự. Mà làm chủ thì phải chủ động chớ không có được chờ cấp trên làm thay nghĩ hộ. Đó là một kiểu làm thuê mà đã làm thuê thì chỉ rình ăn bớt của chủ thôi.
- Vậy chuyện kinh doanh này?
Ngày mùa ở Nông trường sông Hậu. |
- Kinh doanh ở đâu cũng thế phải có đồng chịu đồng trả. Kinh doanh có cơ hội, bỏ qua dễ mất nên thấy tập thể có lời là sáp vô luôn. Ví dụ ai đó tính chạy xe ôm thấy cái xe rẻ là vay mượn mua luôn chớ chờ bố mẹ phân tích xét duyệt cấp tiền chắc... suốt đời "biết thế!". Nợ đấy nhưng tiền nợ vẫn nằm trong tài sản của mình buộc mình phải khai thác từ tài sản ấy để trả nợ...
- Quá đúng! Như tôi mua xe máy chẳng hạn. Vay thì có để đi và trả được chứ đợi có đủ tiền mới đi tậu xe chắc không bao giờ tậu được! - Tôi liên hệ ngay với bản thân.
- Kinh doanh sản xuất cũng vầy thôi. Quốc gia nợ nhiều nhất là nước Mỹ đó. Đừng có nợ để tiêu xài phung phí là được.
- Nhưng gia đình, cá nhân thì được chứ cơ quan, tập thể...
- Mình làm chủ chớ đâu làm thuê. Làm cho tập thể, cho bà con chớ đâu làm vì những quy định. Mà cái lợi mình thấy thì các chú các anh trên cũng thấy đâu có ngại...
Tôi băn khoăn chuyện hồi chiều nghe bà con nói về thưởng và tích lũy mới quay sang hỏi bác Năm:
- Bác ơi, nghe nói thưởng đây lớn lắm, rồi nông trường lo đến từng hoàn cảnh mỗi người ở đây, vậy kinh phí lấy từ nguồn nào?
- Kinh tế thì sổ sách phải đàng hoàng nhưng có những khoản chi bị bó lắm ví dụ như thầy cô giáo dạy có lương vậy lấy đâu ra mà thưởng. Tui họp anh em lại lập ra quỹ công đoàn như quỹ 3 lợi ích ngoài Bắc đó. Qũy ở đây là những khoản làm ngoài kế hoạch như trồng bạch đàn dọc các kênh mương chẳng hạn. Tiền đó thưởng cho thầy cô, bà con. Rủi ai có gia đình khó khăn mình trợ giúp họ mới yên tâm làm việc chớ quy định nào cho chi giúp thân nhân cán bộ bệnh nặng, học trò giỏi phải đi học xa đâu...Vấn đề là công đoàn quản lý quỹ cũng phải minh bạch rõ ràng. Không có cá nhân tơ túi là được.
Quỹ công đoàn do bác Năm gợi ý lập từ những khoản "kế hoạch 3" đã thực sự hút người về kể cả thầy cô giáo chẳng ngại vùng sâu vùng xa, kể cả những người lính quê tận ngoài Bắc đánh giặc xong rồi buông súng ở lại xây dựng nông trường thành quê hương thứ hai của mình. Đấy là cái tình, tính thực tế của người lãnh đạo hướng đến cuộc sống người dân trước hết. Đấy có phải là "quỹ đen" hay nói như ngôn ngữ pháp luật là "lập quỹ trái phép" không nhỉ.
Trong đội ngũ nông dân ở lại với đất này còn có cả những cán bộ vốn là "người chế độ cũ", thậm chí có cả những người có quá khứ tì vết. Hỏi bác Năm có lơ là chủ quan, ông cười:
- Giúp được ai thì giúp vì họ là đồng bào của mình. Con hổ, con trăn mình thấy nó ở đâu rồi thì đâu có ngại. Ngại là ngại mấy người bên ngoài là đồng chí của mình nhưng bên trong thoái hóa thì phá mới ghê!
5. Mới thôi đã hơn chục năm rồi. Tôi còn "nợ" Nông trường sông Hậu một tác phẩm viết về họ hay "nợ" chính cuộc sống này. Trước những hình tượng lớn, những con người đẹp mà tác phẩm viết ra không xứng với tầm của họ là một sự áy náy. Thế rồi trăn trở, rồi suy ngẫm về tác phẩm và thời gian cứ trôi đi. Tính quay lại Nông trường sông Hậu một lần nữa để hâm nóng cảm xúc sau lớp bụi thời gian thì biết tin chị Ba Sương bị khởi tố, bị tòa sơ thẩm tuyên án cùng một số đồng sự.
Tôi không phải người nhìn ai đó ra tòa là người nổi tiếng hoặc có quá trình cống hiến lại chưa tiền án tiền sự thì thương cảm và mong tòa giảm lượng hình. Lại cũng chẳng nghĩ như một số người thương cảm cho gia đình bị can sợ họ buồn nếu gia đình ấy là gia đình nổi tiếng có nhiều đóng góp cho xã hội. Công là công và tội là tội. Thế mới đúng là luật.
Biết tin chị Ba Sương ra tòa tôi không bình luận vì mình ở ngoài này, chị ở trong ấy, hồ sơ vụ việc thế nào đâu có rành. Thế nhưng buồn. Nỗi buồn không phải vì người một lần gặp mặt, vì một người mình khâm phục phải ra tòa mà đấy là nỗi nhớ tiếc về một điển hình tiên tiến là Nông trường sông Hậu nay còn như xưa không. Đứng trước người anh hùng tôi từng muốn tìm hiểu con đường trở thành anh hùng của họ và giờ lại trăn trở về cái lý do, cái động cơ khiến người anh hùng phải ra tòa. Đọc báo thấy nói ở đấy "lập quỹ trái phép" vậy thì cái quỹ công đoàn do bác Năm chủ trương hồi ấy đúng hay sai? Sao ngày ấy vẫn quỹ đó khiến nông trường rạng rỡ đi lên, thu hút người tài về vậy mà giờ là một cái tội. Anh hùng Trần Ngọc Hoằng đã mất được bà con nông trường dựng tượng nhưng nếu ông còn sống liệu lúc này có phải ra tòa?
Con gái ông, Anh hùng Trần Ngọc Sương với 28 năm lăn lộn với nông trường kế nghiệp cha chỉ vì muốn giữ và phát triển cái ước vọng của người khai hoang lập nông trường lẽ nào trong vài năm có thể phản bội lại lý tưởng, phản bội lại niềm yêu và lẽ sống trong chính mình? Tại sao và tại sao?
Ra tòa tất nhiên là vì nghi có tội (khi tòa chưa tuyên án và bản án chưa có hiệu lực) nhưng bất cứ tội nào cũng đều có động cơ của nó. Thế thì trong có mấy năm so với 28 năm cống hiến mê mải ấy, những công trạng được Đảng và Nhà nước công nhận ấy lý do nào làm chị ba Sương thành một người khác phải ra tòa vì có "tội trạng". Ham việc đến mức quên cả lấy chồng và gia đình chị là nông trường thế thì vì động cơ gì? Hay chị là người phụ nữ bất tài nhưng thích khâu oai nên lấy tiền của nông trường đem rải để đánh bóng tên tuổi của mình? Càng không phải vì người đàn bà không chồng con này chỉ có một lẽ sống là theo đuổi sự nghiệp của cha, lấy nông trường là nhà và căn cơ từng đồng vì sự ăn nên làm ra của nông trường. Anh hùng Năm Hoằng ra đi không có gì để lại cho con ngoài tình yêu nông trường và người con gái hiếu thảo tài năng kia nguyện đi theo con đường của cha suốt bao năm có lẽ nào chỉ vài năm lại thành con người khác?
Tôi từng nhận ra sức mạnh để ông Năm Hoằng và chị Ba Sương trở thành Anh hùng đó là niềm tin vào Đảng, vào tập thể, tin vào chính mình với một khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ nhưng hôm nay người nữ anh hùng ấy phải ra tòa vì phạm tội nếu có thì vì động cơ gì khiến tôi không thể cắt nghĩa nổi và trong cảm nhận, dường như có điều gì đó không cắt nghĩa nổi. Nhất là nỗi đau nếu mất đi hình ảnh một nông trường từng là điển hình tiên tiến, là tấm gương cho cả nước về phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới với câu hỏi "không biết còn như xưa?".
Hy vọng vụ án này là một bài học đắt giá đối với các nhà quản lý. Bởi vì, từ anh hùng trở thành tội phạm là một khoảng cách ngắn, nếu không tỉnh táo...
Lê Quý Hiền