Nỗi băn khoăn, buồn vui sướng khổ trong mỗi con người không hẳn chỉ là hạnh phúc hay tai họa ập đến mà sâu xa hơn là cắt nghĩa được vì sao nó đến. Cái "vì sao?" cắt nghĩa được ấy nó nhân lên hạnh phúc, nhân lên nỗi đau không chỉ cho người trong cuộc mà quan trọng hơn, để những người xung quanh, để cuộc sống này chắt chiu thêm hạnh phúc và xóa đi nhưng nỗi đau. Mới thôi đã hơn chục năm rồi kể từ ngày đi thực tế ở Nông trường sông Hậu, khi cảm giác chung của tất cả thành viên trong đoàn về nông trường là "CNXH đã thành công ở đây"! Vậy mà lúc này, vị giám đốc xưa đã khuất, con gái ông kế nghiệp phải ra tòa. Sao lại thế nhỉ? Nông trường sông Hậu trong nỗi nhớ với niềm cảm phục của chúng tôi ngày ấy nay còn không và điều gì khiến người nữ anh hùng, người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002 phải ra tòa?
1. Cuối thế kỷ trước, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức chuyến đi thực tế tại Nông trường sông Hậu với gần hai chục người trong đó có NSND Phạm Thị Thành, nhà viết kịch Hoài Giao, Lê Quý Hiền, Chu Lai, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, nhà báo Trần Định... Khỏi nói thêm về nông trường vì báo chí lúc đó ca ngợi nhiều quá rồi và cơ quan quản lý nghệ thuật cũng vì thế mới tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đến thực tế tại mô hình hay nhất nước những mong có được những tác phẩm xứng tầm thời đại.
Đọc báo, nghe kể cũng chỉ là khái niệm để mà "biết thế" nhưng có đến tận nơi mới thấy "giật mình". Cả một vùng bãi hoang sình lầy thành một nông trường khang trang như lúc này mới thấy quả sức người thật vĩ đại. Công đó là của hàng ngàn người nhưng trước hết không thể quên người đứng đầu là ông Trần Ngọc Hoằng. Ngỡ vị giám đốc phải oai phong thế nào nhưng chúng tôi thật bất ngờ khi đó chỉ là ông già đi chân đất như một lão nông thực sự. Ngay phút đầu, khoảng cách chủ khách không còn khi ông tự lên kế hoạch luôn:
- Anh em từ ngoài Bắc vào, đến đây giờ cũng sắp trưa rồi. Nước ở kia, có nhà vệ sinh, phòng tắm giải quyết đi cho đỡ mệt. Chốc nữa ta ăn trưa và nói chuyện. Chiều các anh chị hỏi gì thì hỏi rồi sau đó ưng đến đâu có các em các cháu chở xe (máy) đi!
Giản dị vậy thôi mà thân tình. Sau hơn một tiếng nghỉ ngơi, bách bộ dọc mương, hỏi người này người nọ trên đường, anh em trong đoàn chả ai bảo ai cứ bỗng tự phát mà gọi ông giám đốc là "bác Năm" như cán bộ, bà con nông trường vẫn gọi. Đến bữa ăn trưa, tiếp khách chẳng thấy ban bệ gì ngoài bác Năm. Một anh tác giả trẻ sốt ruột mong có tài liệu, tư liệu đem về và bác Năm trả lời:
- Chỉ tài liệu thôi thì gửi ra Hà Nội cũng được mắc chi phải vào tận đây... Anh em cứ đi chỗ này chỗ kia hỏi han cho có hứng... rồi cần gì chúng tôi đưa.
Chao ôi, không sáng tác mà ông giám đốc quá hiểu nghề cầm bút. Tác phẩm sinh ra đâu phải từ những báo cáo mà bắt đầu từ những người, những chuyện ta gặp để bật lên nhận biết và cảm xúc trong chính ta. Mấy ông nghệ sĩ nhìn nhau gật gù. Cuối bữa ăn, chị Ba Sương, Phó giám đốc tự bưng khay đồ ăn tráng miệng vào:
- Món này là tôi tự tay làm đấy...
- Ăn đi! Ngoài Hà Nội không có món này đâu! - bác Năm cười.
Những giờ đầu đến với Nông trường sông Hậu là như thế.
2. Không biết Nông trường sông Hậu có phải vì quá nổi tiếng nên có quá nhiều khách đến không mà vì thế họ có đầy "kinh nghiệm" chủ động đáp ứng nhu cầu của những người tìm đến một cách rất hiệu quả và tiết kiệm. Buổi chiều giới thiệu về nông trường do đồng chí Phó giám đốc Trần Ngọc Sương đảm trách. Cũng không có phòng này bộ phận kia với những tập báo cáo thành tích, chị Ba chỉ kể về sự hình thành, những khó khăn từ ngày đầu khai phá cho đến hôm nay cũng như kế hoạch, có cả "mơ ước" sẽ thực hiện trong tương lai. Những chuyện kể từ gan ruột vị Phó giám đốc khiến anh em văn nghệ sĩ tìm ngay được điều mình cần là những chi tiết sinh động có thể khơi gợi trong sáng tác. Đi thực tế gặp những "ca" thế này sướng lắm. Không mất thời gian lại có được những điều cần biết. Cụ thể hơn, chị lôi ra mấy chiếc băng hình và bật máy:
- Để tôi mời các bác các anh chị quay về chút chút ngày xưa qua mấy tấm băng này để hiểu thêm về nông trường.
Những cuốn băng quay rất nghiệp dư chắc anh em trong nông trường tự quay lấy nhưng cũng giúp chúng tôi "đi thực tế quá khứ" khá hữu hiệu. Điều lạ là bà Phó giám đốc khi nhắc đến thủ trưởng của mình cứ một điều "Ba tôi", hai điều "Ba tôi" không giống như cơ quan tiếp khách mà như gia đình tiếp bạn đến chơi. Trong ánh mắt và lời nói ấy là tất cả sự tự hào về người cha và người như thế làm sao có lúc lại có thể phản bội lý tưởng của cha mình vì bất cứ lý do nào. Trong lời nói và ánh mắt ấy chứa cả khát vọng phát triển sự nghiệp của cha gây dựng, có cả niềm yêu máu thịt với bà con nông trường và có cả chút niềm kiêu hãnh cần thiết.
Trong những cuốn băng ghi hình chúng tôi xem hồi đó có đoạn ấn tượng nhất mà anh em trong đoàn cảm thấy "lạ" khiến sau đó cứ bàn với nhau mãi. Đó là đoạn Giám đốc nông trường tiếp một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Xung quanh ngồi nghiêm túc, bút giấy sẵn sàng, ghi chép đầy đủ. Riêng ông giám đốc tất nhiên là không comlê cà vạt đã đành mà bộ cánh vẫn đóng vào như một lão nông. Nghe lãnh đạo cao cấp nói, ông cứ gật gật như nghe bạn. Đến đoạn lúc kết thúc, ông giám đốc cũng chẳng đứng lên nói lời thưa gửi, cảm ơn, hứa hẹn như ta vẫn gặp mà ông vẫn ngồi rồi quàng tay qua vai vị lãnh đạo cao cấp: "Trời ơi ! Anh nói trúng ý tôi quá thôi!". Nghe kể chuyện này có thể người kỹ tính bảo ông "hỗn", coi thường cấp trên nhưng xem băng mới thấy ra tính cách của người anh hùng chân đất. Đảng và dân là một thì tại sao lãnh đạo cao cấp của Đảng với ông giám đốc nông trường lại không thể là bạn của nhau được nhỉ. Anh em thấy lạ vì hình như lâu nay chỉ thấy cấp dưới nói trúng ý cấp trên và mong được trúng ý cấp trên trên chứ mấy khi cấp dưới lại khen cấp trên nói trúng ý mình! Dường như tình yêu người, yêu việc choán hết trong ông giám đốc khiến ông chỉ chú ý nội dung trong lời người đối thoại dù đó là ai mà quên mất khoảng cách dưới trên, quên phải thế nào trước lãnh đạo. Và người như thế thì nghe một bác nông dân bình thường nói chắc chắn cũng chẳng bao giờ tỏ ra quan cách, hách dịch!
Thu hoạch xoài ở Nông trường Sông Hậu. |
3. Cánh viết kịch chúng tôi thích đi tìm mâu thuẫn vì kịch mà không có xung đột là vứt. Có lần đi thực tế chúng tôi được ban giám đốc cơ quan nọ tiếp đón rất thịnh tình nhưng định tạt vào đâu cũng có người thân tín của giám đốc đi kèm. Giở bản thành tích thấy toàn con số đáng nể và cũng muốn tìm thêm những số phận, những chi tiết sinh động để đắp vào kịch bản của mình. Thế nhưng gặp người bình thường trong đơn vị ấy họ cứ tranh tránh mình, thậm chí là một ánh mắt như dè bỉu coi thường. Đến vào toa lét mà cũng có hai người "bình thường" vô tình vào theo và họ nói bâng quơ với nhau: "Lại thêm một ông nhà văn nói láo, nhà báo nói phét". Thế là hết muốn sáng tác dù tư liệu báo cáo có đầy. Linh cảm của người cầm bút cho hay những báo cáo, tư liệu là cần nhưng cần hơn lại là đằng sau những tư liệu, báo cáo ấy bởi đó là những số phận, những con người, là niềm yêu và nỗi bực có thật mà không báo cáo tư liệu nào có được. Thế mới cần đi thực tế chăng.
Tôi và nhà báo Trần Định tách đoàn ra rủ nhau đi tít vào sâu nông trường. Không ai biết mình là nhà văn nhà báo nhá. Chúng tôi sà vào một bến đỗ chỗ thuyền cập chở gạo đi. Bà con đang nghỉ giải lao. Những lời hỏi thăm, những câu chuyện bâng quơ và biết đâu ở cái chốn xa tít này có thể tìm thấy những mâu thuẫn giữa lòng người với các bản báo cáo. Thế nhưng tuyệt nhiên không. Ai cũng "bác Năm , cô Ba" với tất cả lòng biết ơn và cảm phục. Một ông trung niên nối tỉnh queo:
- Tôi nông dân một cục chẳng biết XHCN là gì nhưng ở đây mình được coi trọng, con cái đi học không mất tiền, đứa nào giỏi, đi học xa còn được cấp thêm. Mần ăn đủ sống lại để dành được kha khá... thì chắc đấy là CNXH rồi còn gì.
Bà con kể nhiều chuyện khoán thành ra mình được làm chủ chính mình. Nó còn là lẽ công bằng, đánh giá nhau bằng kết quả lao động chứ không ù xọe cào bằng trong những cuộc họp đánh giá nhau. Riêng chuyện các thầy cô giáo ở đây có lẽ là lạ nhất nước. Nơi khác phải đi học thêm còn ở đây trò kém, thầy cô tự nguyện đến từng nhà dạy ngoài giờ miễn phí. Các thầy cô ở đây có trách nhiệm, có tinh thần hơn những nơi khác chăng? Những người nông dân ở đây họ hiểu những chuyện ấy rất cụ thể hơn những khái niệm rất nhiều:
- Tôi chẳng biết tinh thần với trách nhiệm to nhỏ dài ngắn cỡ nào chớ học trò kém bị trên về kiểm tra chỉ ra thì "bác Năm", "cô Ba" không có thưởng. Nhiều trò kém quá thì đề nghị chuyển đi nơi khác...
- Ủa, đây là vùng sâu vùng xa mà sao thầy cô cũng ham về vậy?
- Là vì ngoài lương còn có thưởng lớn hơn lương nhiều. Ngoài ra rau cỏ trong vườn trồng được khỏi mua. Các thầy cô còn được khoán trồng, chăm sóc bạch đàn khi bán cây được chia tỷ lệ... Vùng sâu xa thế này chớ sâu xa nữa mà đời sống khỏe thì ai cũng tìm đến thôi...
Chuyện này ra chuyện kia, thôi thì đủ thứ chuyện nói sau lưng lãnh đạo nông trường. Từ chuyện nhà nào có ông chồng hay xỉn, bà nào rủ rê đánh bài ăn tiền dù cho vui đều bị bác Năm gọi lên cự cho một trận đến chuyện anh này chị kia có bố mẹ già ở quê ngoài kia đang ốm cũng được "cô Ba" gọi lên hỏi cần giúp thứ gì. Nghe bà con "nói sau lưng" lãnh đạo nông trường với tất cả sự hãnh diện mà chúng tôi thầm "ghen" với bác Năm Hoằng, chị Ba Sương. Phần lớn nói sau lưng là nói xấu chớ mấy ai nói những lời có cánh. Lại nhớ cố tác giả Lưu Quang Vũ trong một vở kịch, ông cho rằng cõi âm có không thì không ai biết nhưng cõi nhớ thì có thật. Có người sống mà như chết vì chẳng ai muốn nhắc đến. Có người chết rồi nhưng vẫn sống mãi trong cõi nhớ của bè bạn và những người xung quanh. Vậy thì "bác Năm, cô Ba" ở đây có phải là những người hạnh phúc nhất không khi họ vẫn đang làm việc, vẫn đang cống hiến nhưng đã có một cõi nhớ trong lòng mọi người...?
Lê Quý Hiền