(SKDS)- Tôi được biết ông kể từ khi về Bệnh viện TW Quân đội 108 công tác năm 1985. Không được học chuyên môn của ông ngày nào, nhưng bằng cả tấm lòng, tôi xin được viết về ông như một người thầy – người đặt nền móng cho chuyên ngành vi phẫu thuật tạo hình Việt Nam.
Ông là cố thiếu tướng, GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan. Con đường trở thành bác sĩ của ông thật gian nan vất vả. Năm 1946, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Y, như bao thanh niên cùng thế hệ, ông tham gia kháng chiến với nhiệm vụ tự vệ chiến đấu kiêm cứu thương. Tới năm 1947, ông tiếp tục đi học
Trường Y kháng chiến tại Tuyên Quang. Vừa đi học, vừa đi phục vụ chiến dịch khắp các chiến trường từ Trung du đến Điện Biên Phủ, sau 4 năm học tập, do điều kiện chiến tranh nên nhà trường không tổ chức thi bác sĩ được nên ông đành nhận tấm bằng y sĩ cao cấp. Mãi tới năm 1955, sau Hiệp định Giơnevơ, ông thi đỗ bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên của trường ở Bộ môn Giải phẫu.
GS.TS. Nguyễn Huy Phan và TS. Craig Merrell (Mỹ) trong một ca phẫu thuật tại Viện Quân y 108. |
Đã từng đi chiến trường, chứng kiến nhiều cảnh thương binh bị đau đớn về thể xác, sốc về tinh thần vì khuôn mặt bị biến dạng, chân tay không còn nguyên vẹn do bom đạn, ông mong mỏi làm sao có thể tạo hình lại cho họ. Mùa thu năm 1955, ông vui mừng vì cơ hội thực hiện ước mơ đã đến khi ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô với đề tài “Phẫu thuật tạo hình vùng cổ mặt”. Trong suốt 4 năm nghiên cứu và học tập tại Viện Chấn thương chỉnh hình và Viện Phẫu thuật thẩm mỹ Matxcơva, ông đã hoàn thành xuất sắc đề tài “Điều trị phẫu thuật các khối u máu vùng hàm mặt” và trở thành tiến sĩ y học đầu tiên của Việt Nam (ngày đó gọi là phó tiến sĩ).
Khi về nước, hoài bão về chuyên ngành vi phẫu - tạo hình được ông tiếp tục dày công nghiên cứu. Và tới năm 1980, ca vi phẫu thuật mạch máu - thần kinh được áp dụng trong lâm sàng lần đầu tiên tại Việt Nam do kíp bác sĩ mà ông là người đứng đầu của Bệnh viện Quân y 108 thực hiện. Sau đó, đề tài cấp nhà nước “Ứng dụng vi phẫu thuật trong ngoại khoa” do ông đề xuất từ năm 1980 tới 1985 đã được nghiên cứu thành công.
Năm 1986, ông tiếp tục nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Ứng dụng và phát triển vi phẫu thuật” với mục tiêu chính là cải tiến một bước kỹ thuật chế tạo kim chỉ vi phẫu có sử dụng tới kỹ thuật laser để khoan kim luồn chỉ. Cơ khí hóa dây chuyền sản xuất loại kim chỉ vi phẫu có chỉ dán không cần tới kỹ thuật laser như cách các nước đang làm. Hoàn tất khâu chế tạo thiết bị moniter theo dõi nhiệt độ và lưu thông máu trong các vạt tổ chức ghép có nối các mạch máu nuôi dưỡng… Sau 8 năm triển khai nghiên cứu, các mục tiêu đề ra ban đầu đã được thực hiện tương đối toàn diện và đạt kết quả tốt với chất lượng cao. Các thiết bị, bộ dụng cụ trong ngành vi phẫu mà ông nghiên cứu đã được tặng Huy chương Vàng trong
Triển lãm thành tựu kinh tế Quốc dân năm 1988 và được Trung tâm Kiểm nghiệm thiết bị Y tế Hà Lan đánh giá cao. Từ các nghiên cứu và ứng dụng thành công này, ngày 25/3/1991, Bộ môn Phẫu thuật tạo hình đã được thành lập tại Trường đại học Y Hà Nội và GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan là Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên…
… Mê mải nghiên cứu, mê mải đóng góp công sức cho y học nước nhà mà ông lại quên đi sức khỏe của chính mình. Một ngày cuối hè năm 1997, vẫn như thường lệ, ông đi làm trên chiếc xe quen thuộc tới bệnh viện… Ông biết mình bị bệnh nhưng giấu gia đình và đồng nghiệp, bè bạn. Suốt những ngày biết mình mắc bệnh, ông đã không thể ăn, chỉ dùng coca thay thế, sức khỏe của ông giảm sút trầm trọng.
BS. NGUYỄN CẢNH PHÚC