Dần dần tôi nhận thấy, không chỉ mình tôi mà các bạn sinh viên khác, rồi nhiều thế hệ sinh viên khác đều tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ thầy Bách - một người thầy tài năng, một nhân cách lớn, lúc nào cũng đau đáu nỗi lo cho ngành y, cho các thầy và trò của Trường Y Hà Nội.
PGS. Tôn Thất Bách lúc sinh thời.
Tôi bắt đầu đọc về thầy, về các thầy lớn của Trường Y và cả về lịch sử của Trường Y Hà Nội qua những bài báo, qua những quyển sách về lịch sử của trường. Những cuốn sách như Tôn Thất Tùng - Cuộc đời và sự nghiệp; Hồ Đắc Di - Cuộc đời và sự nghiệp... để hiểu hơn về thầy, về trường, về ngành. Chuyện về thầy tham gia mổ tim, mổ gan, vào Sài Gòn tham gia ghép tạng, rồi chuyện thầy Bách 3 lần mổ tim cho Huấn luyện viên, võ sư Đoàn Đình Long cũng là một người bạn của thầy... dễ dàng được tìm thấy qua báo chí.
Năm Y3, được đi học Ngoại ở Bệnh viện Việt Đức, những buổi giao ban do thầy Bách chủ trì (lúc đó thầy là Phó Giám đốc bệnh viện) thì không lúc nào chán và buồn ngủ. Nội trú báo cáo giao ban rất sợ thầy vì thầy thường “truy” tới nơi tới chốn, nào là lâm sàng thế nào, chẩn đoán trước mổ thế nào, chẩn đoán sau mổ ra sau. Có lần thầy vặn một anh nội trú: Bây giờ phải dùng tiếng Việt đi, không dùng từ Hán - Việt nữa. Vùng dưới sườn thì gọi là vùng dưới sườn, sao cứ phải gọi là hạ sườn? Nhưng lúc nào cũng là một phong cách rất “ngoại khoa”, sôi nổi, dứt khoát. Tôi nhớ có lần thấy thầy, sau giao ban, đi từ Hội trường về Khoa Cấp cứu bụng (khoa 7-8, nơi thầy kiêm trưởng khoa), một tay đút túi quần, một tay cầm điếu thuốc, thỉnh thoảng hít hơi dài. Sau này mới biết thầy cũng hay hút thuốc, uống rượu cũng “khủng”, nhất là rượu nút lá chuối (rượu cuốc lủi).
Thầy Bách lúc nào cũng bận rộn - Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Bộ môn Ngoại, Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Cấp cứu bụng, rồi Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhưng lúc nào thầy cũng dành sự quan tâm của mình đến các thầy cô giáo và sinh viên, học viên trường y, từ đời sống của cán bộ công nhân viên cho đến chất lượng giảng dạy cho sinh viên, học viên. Có lần đi ngang qua phòng khám của trường, thấy thầy ngồi trầm ngâm cùng mấy bác sĩ của phòng khám. Một điều trớ trêu là nhân lực của trường thì rất mạnh nhưng không thể hình thành một bệnh viện thực hành riêng của trường được, tất cả bởi hai chữ cơ chế. Điều này thì Hà Nội bị thua Sài Gòn một chặng dài.
Năm 2004, khi tôi Y5, còn nhớ hôm đó là ngày 26/3, Hội trường lớn rất đông sinh viên vì đang tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, bỗng cả hội trường xôn xao vì có tin thầy Bách mất khi đang đi công tác trên Lào Cai. Khi đó thầy mới thôi làm Hiệu trưởng để về Bệnh viện Việt Đức làm Giám đốc Bệnh viện.
Ngày đưa thầy đi, có rất đông các thế hệ sinh viên, học viên Trường Y đến tiễn biệt thầy. Có lẽ không ai ngăn nổi những giọt nước mắt, cứ thế lã chã rơi, vì tiếc thương một người thầy, một nhân cách lớn. Tuy không được tiếp xúc với thầy nhiều, nhưng thầy luôn là tấm gương sáng để tôi cũng như nhiều thế hệ sinh viên Trường Y khác cố gắng phấn đấu và yêu nghề hơn.