Hà Nội

Nhớ Trường Sa

20-06-2020 17:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Tháng Tư năm 2019, sau 10 năm, lần thứ 2 tôi được ra Trường Sa với tư cách phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống. Cuộc đời của người làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi. Có những chuyến đi sẽ đọng lại trong ta những kỷ niệm không bao giờ quên. Với tôi, 2 lần được ra Trường Sa là những kỷ niệm như thế.

 

Tôi nhớ không khí chộn rộn của buổi chiều trên cầu cảng Cam Ranh khi chúng tôi nhận thẻ và bước chân lên tàu Trường Sa 571. Hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị khác nhau, hầu như chưa từng quen biết, vậy mà gặp nhau là tay bắt mặt mừng, râm ran trò chuyện, thăm hỏi.

Tự hào đến biển đảo quê hương

Dù đã được ra Trường Sa lần thứ hai, tôi nhớ cảm giác hồi hộp xen lẫn tự hào mỗi lần được đặt chân lên đảo. Cánh nhà báo bao giờ cũng được ưu tiên lên đảo đầu tiên và trở lại tàu sau cùng. Nhớ hình ảnh các chiến sĩ hải quân đứng xếp hàng dưới trời nắng như đổ lửa, vẫn rạng rỡ nụ cười để đón chúng tôi. Nhớ và yêu lính Trường Sa nên hơn 10 cán bộ phóng viên của các báo đài TP. Hà Nội, báo Sức khỏe&Đời sống, báo Hải quân, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động như được vẫy vùng giữa các đề tài.

Phóng viên tác nghiệp trên Nhà giàn DK1.

Phóng viên tác nghiệp trên Nhà giàn DK1.

Ai cũng tranh thủ từng phút trên đảo để được phỏng vấn nhiều hơn, chụp được nhiều ảnh hơn. Biển đảo quê hương, giữa trùng dương luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà báo trong lao động báo chí.

Với mỗi nhà báo được đến với Trường Sa là một trải nghiệm thú vị mà ở đó chúng ta sẽ được bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm với nghề. Dù mệt mỏi với những con sóng, nhưng khi tàu đến gần các điểm đảo, chúng tôi bỏ quên cái nắng rát da, háo hức như được về đến nhà được gặp người thân, xa bao ngày mới gặp lại.

Do hải trình phải trải qua nhiều đảo chìm, đảo nổi nên thời gian mỗi lần tàu vào thăm các đảo thường rất ngắn, với đảo chìm chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, còn đảo nổi thì nhiều thời gian hơn một chút. Nhờ được trang bị đôi dép quai hậu của quân đội nên đội nhà báo chúng tôi khi được đặt chân lên đảo là ra sức chạy và chạy.

Chạy để chụp được nhiều ảnh nhất. Chạy để phỏng vấn nhanh nhất, tìm được nhân vật “độc” và “lạ” nhất có thể. Cường độ làm việc luôn được đẩy lên cao nhất, không có thời gian dành cho nghỉ ngơi vì mỗi phút giây trên đảo đều rất đáng quý, không dễ có lại được.

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống với Đại úy Đinh Thế Hiển, y sĩ đảo Đá Nam.

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống với Đại úy Đinh Thế Hiển, y sĩ đảo Đá Nam.

Yêu thương và thân thiện

Mỗi lần được viết về Trường Sa trong tôi lại nhớ ánh mắt trong veo, tiếng cười đùa rộn rã của các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa Lớn. Các em - những công dân tương lai của đảo là minh chứng cho sức sống mãnh liệt nơi đầu sóng, ngọn gió, là sự tiếp nối của các thế hệ người Việt luôn kiên trung, bất khuất bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Chạy đua với thời gian để có tấm hình đẹp nhất.

Chạy đua với thời gian để có tấm hình đẹp nhất.

Ðất liền gửi trọn niềm tin vào những người lính đảo. Ðể rồi, cứ một ngày biển đảo yên bình cũng là một ngày trong những người lính đong đầy thêm nỗi nhớ. Ở Trường Sa, không chỉ có nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ngày đêm lao động sản xuất, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà còn có lớp lớp bao thế hệ ngư dân kiên cường bám biển, cùng phối hợp chặt chẽ thực hiện hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng. Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ở đây đang ngày càng thêm vững chắc.

Đến Trường Sa, ai cũng thấy một không gian, một tình cảm ấm nồng như ở quê mình, như ở nhà mình. Yêu thương và thân thuộc!

Nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa.

Nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa.

Một người anh đã hỏi, nếu có dịp:  Em còn muốn ra Trường Sa nữa không? Dạ thưa, em vẫn mong được đến Trường Sa, để được yêu biển quê hương, được trân quý tình cảm ấm nồng như ở nhà mình. Yêu thương và thân thuộc!


Anh Tuệ
Ý kiến của bạn