Hà Nội

Nhớ Trịnh giữa thời “Cô Vít”

07-04-2020 16:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu như những năm trước, vào ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các chương trình ca nhạc, triển lãm diễn ra ở nhiều nơi thì năm nay, ngày giỗ Trịnh được nghệ sĩ tổ chức qua...

mạng vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Âm nhạc nhớ Trịnh

Mọi năm, vào ngày giỗ nhạc sĩ họ Trịnh, ngôi nhà Trịnh Công Sơn ở 47C Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) thường có đông đảo các nghệ sĩ và người hâm mộ, các chương trình, hoạt động tri ân, tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài danh của Việt Nam diễn ra. Nhưng năm nay, do dịch bệnh COVID-19, ngôi nhà này đóng cửa, không thể đón người hâm mộ viếng thăm cố nhạc sĩ và diễn ra các hoạt động âm nhạc để nhớ về tác giả ca khúc Nối vòng tay lớn.

Dịch bệnh COVID-19 làm “giãn cách xã hội” ở hiện thực đời sống nhưng trên không gian mạng, mọi người vẫn kết nối với nhau, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trực tuyến vẫn diễn ra sôi nổi. Ngày giỗ Trịnh năm nay cũng vậy, âm nhạc của ông và những gì thuộc về Trịnh vẫn diễn ra trên không gian mạng, tạo được sự lan tỏa với cộng đồng cũng như những ai yêu nhạc Trịnh. Nổi bật trong số này phải kể đến ca sĩ Đức Tuấn và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn tổ chức show mini trực tuyến Tôi ơi đừng tuyệt vọng tại phòng khách số nhà 47 Phạm Ngọc Thạch. Tại show mini trực tuyến này, Đức Tuấn đã thể hiện nhiều ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như Chiếc lá thu phai, Thành phố mùa xuân, Em còn nhớ hay em đã quên, Đường xa vạn dặm, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Đóa hoa vô thường, Dã tràng ca, Ta thấy gì đêm nay...

Những ca khúc của Trịnh vang lên qua tiếng hát của Đức Tuấn như đưa công chúng vào miền âm nhạc lắng đọng giữa mùa COVID-19. Nam ca sĩ hát “chay” (không micro), sử dụng nhạc beat có sẵn thay vì nhờ người đàn để đảm bảo nguyên tắc về cách ly xã hội an toàn thời dịch. “Nhạc Trịnh đôi khi chỉ cần hát không nhạc bởi giai điệu, ca từ của ông vốn đã quá đẹp”, Đức Tuấn chia sẻ. Ca sĩ chủ yếu chọn các bản phối acoustic để phù hợp với chất lượng âm thanh qua show trực tuyến. Hàng ngàn khán giả đã theo dõi show mini trực tuyến đêm nhạc tưởng nhớ ngày mất Trịnh Công Sơn của Đức Tuấn, làm sống lại những ca khúc lấm bụi thời gian nhưng đã trở nên thân quen với bao người Việt trong và ngoài nước.

Bức tranh “Trịnh Công Sơn và Dao Ánh” trong triển lãm Lời thiên thu gọi.

Bức tranh “Trịnh Công Sơn và Dao Ánh” trong triển lãm Lời thiên thu gọi.

Triển lãm công nghệ ảo

Để tránh tụ tập nơi đông người phòng ngừa COVID-19, ngày giỗ Trịnh năm nay, các triển lãm đều không thể diễn ra như mọi khi. Nhưng thay vào đó, khán giả được đắm chìm trong không gian triển lãm thực tế ảo Lời thiên thu gọi về Trịnh Công Sơn với các bức tranh do họa sĩ Lê Sa Long thực hiện. Triển lãm giới thiệu 32 bức tranh trong 3 phòng trưng bày, điểm qua những dấu ấn âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh.

Các tác phẩm trong triển lãm Lời thiên thu gọi được trưng bày và giới thiệu trên trang Duyên dáng Việt Nam (www.duyendangvietnam.net.vn) đến hết tháng 4/2020. Đây là triển lãm có phương thức thưởng lãm nghệ thuật sử dụng công nghệ VR 360 tiên tiến trên thế giới đến nay mới có một số đơn vị ở châu Á đưa vào để giới thiệu các triển lãm hội họa, nhiếp ảnh đương thời. Đến với 3 phòng tranh của triển lãm, người dân sẽ thấy một không gian nổi bật về Trịnh. Phòng trưng bày “Không gian âm nhạc” là những hình ảnh nhạc sĩ độc thoại với nội tâm, những vùng đất ông gắn bó, những thời kỳ ông đã trải qua làm nên những ca khúc bất hủ như: Biển nhớ, Người con gái Việt Nam da vàng, Còn mãi tìm nhau...

Phòng trưng bày “Cảm xúc” lại đưa mọi người lắng lại cảm xúc với những bức tranh về sự đồng điệu trong âm nhạc giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly hay những bức vẽ ca sĩ Thanh Thúy, Dao Ánh - người yêu thời thanh xuân của nhạc sĩ. Triển lãm cũng giới thiệu bức tranh Diễm xưa và bức tranh gắn với một người phụ nữ Nhật Michiko - người phụ nữ duy nhất suýt thành vợ nhạc sĩ họ Trịnh. Cũng ở phòng trưng bày “Cảm xúc”, bức tranh về 3 danh nhân văn hóa Việt Nam thân thiết với Trịnh gồm nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Nguyễn Tuân cũng được trưng bày.

Điểm nhấn của triển lãm thực tế ảo tưởng nhớ Trịnh lần này là phòng trưng bày Lời thiên thu gọi, kết nối hình ảnh những người đã và đang trình bày những ca khúc nhạc Trịnh đến khán thính giả thể hiện những phong cách trình bày nhạc Trịnh đa dạng khác nhau, thuộc nhiều thế hệ, tầng lớp khác nhau. Nơi đó là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh trong gia đình nhạc sĩ hay những người em trong nhóm Du ca hát những ca khúc Da vàng bất hủ, có saxophone Trần Mạnh Tuấn, có những diva nhạc Việt: Hồng Nhung, Quang Dũng, Trần Thu Hà... Có những ca sĩ trẻ biến tấu nhạc Trịnh thành phong cách mới đương đại: Hà Lê, Bùi Lan Hương, có cặp đôi trẻ Hoàng Trang - Nguyễn Đông xuất thân từ hội quán Tao Ngộ hát nhạc Trịnh khi tuổi đời chỉ mười mấy, đôi mươi và có cả người bán vé số cơ nhỡ... tự gảy đàn hát nhạc Trịnh trong quán cà phê vắng.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn