Năm 1987, là học viên lớp Chuyên khoa cấp I Mắt khóa 3, lần đầu tiên tôi được biết thầy. Lúc ấy, thầy là Trưởng khoa Mắt hột - Giác mạc. Ai đã học ở khoa đều biết sự nghiêm khắc, chỉn chu của thầy. Bị (hay được) thầy mắng là chuyện thường ngày, không chỉ với các học viên mà cả đối với các bác sĩ, nhân viên trong khoa. Tất cả cũng chỉ vì công việc, vì bệnh nhân. Cho nên bị mắng mà không thấy giận, sợ mà vẫn không thấy xa cách. Chúng tôi còn nhiều lần chứng kiến thầy tranh luận gay gắt với các chuyên gia nước ngoài bằng tiếng Pháp điêu luyện của mình. Nhưng sau đó hai bên lại bắt tay vui vẻ và đến buổi thuyết trình của chuyên gia, thầy lại là người chuyển ngữ vô cùng hoàn hảo.
Đến khi học nghiên cứu sinh, làm đề tài luận án về chấn thương mắt trong nông nghiệp, tôi lại có dịp được gần thầy. Tuy không phải người hướng dẫn nhưng thầy tự nhận trách nhiệm giúp đỡ và đã giúp đỡ tôi hết sức nhiệt tình. Mỗi lần gặp thầy tôi đều được sự chỉ giáo vừa ân cần vừa nghiêm khắc của thầy. Có khi đang nói rất hăng, thầy bỗng ngừng lại nhìn tôi, ái ngại: "Sao cậu có vẻ căng thẳng, lo lắng quá mức như vậy? Tôi nói thế nhưng cậu cứ yên tâm đi, rồi cậu cũng vượt qua được cả thôi mà". Và tôi biết, nhiều nghiên cứu sinh làm đề tài ở các lĩnh vực khác vẫn nhận được sự chỉ bảo tận tình, chu đáo của thầy như thế. Có lẽ khóa nghiên cứu sinh 14 chúng tôi đã quấy quả thầy nhiều lắm. Sau này, khi đã nghỉ hưu, vào sống tại TP. Hồ Chí Minh, nhận được tin cả khóa đều đã bảo vệ thành công luận án, thầy viết thư ra hoan hỉ: "Đây là một sự yên tâm rất lớn, "hạ gục" nỗi lo của mình từ nhiều năm nay (ôi cái khóa 14!)".
Dịp còn ở Hà Nội, đôi lần, tôi mời được thầy ra quán gần Viện Mắt uống bia. Thầy hút thuốc nhiều nhưng uống kém lắm, ăn lại càng ít hơn. Hai thầy trò có khi chỉ uống bia với mỗi đĩa nộm ngó sen hoặc ít khô bò xé. Những lúc như thế, thầy nói nhiều chuyện, kể cả quãng đời thầy đã trải qua. Chuyện thầy tham gia các hoạt động của Việt kiều tại Pháp, mang bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi của đạo diễn người Nga Roman Karmen đi chiếu ở các nước như thế nào. Chuyện thầy không đồng ý với những nội dung có liên quan đến thầy mà ông Bùi Tín đã viết trong hồi ký... Nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện về chuyên môn, học thuật. Thầy lo lắng cho công tác thanh toán bệnh mắt hột đang phát sinh những khó khăn mới. Thầy phàn nàn tình trạng thuật ngữ nhãn khoa không thống nhất hiện nay... Tất cả toát lên một nỗi niềm đau đáu với khoa học, với ngành, với nghề.
Có lẽ vì thế, năm 2002, thầy lại từ miền Nam bay ra, tham gia Chương trình phòng chống bệnh mắt hột do Bộ Y tế và Viện Mắt tổ chức, về tận Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để tập huấn công tác điều tra. Thầy nói với mọi người (trong số đó có nhiều học trò cũ của thầy): "Từ những năm 1960, tôi cũng trèo đèo, lội suối đến tận các làng bản để làm công tác phòng chống mắt hột như anh chị em bây giờ. Nhưng có lẽ đây là lần cuối cùng tôi tham gia cùng anh chị em...". Thấy mọi người có vẻ bùi ngùi, thầy lại cười lớn và lái câu chuyện vào công việc.
Từ khi nghỉ hưu, thầy viết thư cho tôi nhiều lần. Tôi cũng đã đến thăm thầy tại nhà riêng. Nhận tin thầy ra đi, tôi cứ ân hận mãi vì mấy dịp vào miền Nam công tác, không qua thăm thầy được. Bây giờ thì không còn cơ hội nữa.
Trước mặt tôi là những lá thư của thầy. Trong những lá thư có một bài thơ hiếm hoi thầy viết nhan đề Tự biếm:
Không phải "gia" mà chẳng phải "sư"
Mải lo trồng cấy, ngại... "vô tư"
Những mong lớp trẻ giàu thực chất
Đừng ham danh chức, chớ danh hư.
Muốn cho thầy vui, tôi đã viết bài thơ họa lại, gửi ngay cho thầy. Ôi, tất cả bây giờ chỉ còn là kỷ niệm.
Thầy Tân ơi! Thấm thoắt đã gần 3 năm rồi. Công sức vun trồng của thầy, của các thế hệ đi trước đang cho những mùa trái ngọt, hoa thơm. Thầy đã thanh thản ra đi, thầy hãy mỉm cười nơi chín suối, thầy nhé!
PGS.TS. HOÀNG NĂNG TRỌNG (Bộ môn Mắt - Trường Đại học Y Thái Bình)