Nhớ Tết xưa và món quà quê cả đời không quên

19-01-2017 13:23 | Y tế
google news

SKĐS - Thời gian trôi như nước chảy, chẳng mấy mà Tết lại ào về với cái rộn ràng, tíu tít, bận bịu hối hả của mọi người.

Trẻ trung thì rộn ràng mải mê sắm Tết với bao ý tưởng sao cho cái Tết năm này hơn hẳn Tết năm qua, nên tất bật là phải rồi, nhưng người cao tuổi lại thèm và nhớ về thời xa xưa vì hoài niệm. Cái thời bao cấp ấy mà, bao nhiêu là khó khăn, Tết lúc nào cũng đầy lo toan, vất vả ngược xuôi nhưng lại rất đằm thắm, mặn mà.

Cái thời xa xửa xa xưa ấy, cách đây những 40 - 50 năm về trước, việc chuẩn bị Tết bắt đầu rất sớm. Gia đình tôi cũng như bao gia đình thời kỳ ấy, tầm tháng 9, tháng 10 âm lịch là bắt đầu lo sắm Tết, cho nên khi đi công tác ở miền ngược thế nào cũng kiếm cân măng khô, túi mộc nhĩ tai mèo, sang lắm thì xâu nấm hương thơm nhức mũi, lúc mấy bò lạc, khi dóng giang để chẻ lạt buộc bánh chưng. Hàng đêm, vợ chồng thủ thỉ lên kế hoạch thăm Tết, tứ phụ song thân, họ hàng, bên nội, bên ngoại thế nào, có gói bánh chưng hay lại nhờ hàng xóm, rồi lo may cho thằng cu Tý với con Cún con bộ quần áo mới mặc Tết để rồi thấy chúng xúng xa xúng xính mà sướng cả con mắt, đôi khi bôi bẩn mà chẳng chịu thay giặt.

Tôi làm nghề y, có cơ hội giúp đỡ người khác lúc ốm đau bệnh tật nên nhiều người bệnh dù đã ra viện nhưng vẫn trân trọng, quý mến nên đến Tết thường nhớ đến bác sĩ và biếu tôi hộp mứt Tết, cân gạo nếp, đôi con gà, cân khoai tây, su hào... Tuy nhiên, điều đáng quý nhất không phải ở giá trị kinh tế của món quà mà chính là tấm lòng biết nhớ đến nhau cùng sẻ chia trong nghèo đói làm cho Tết thêm ấm áp, ý nghĩa hơn. Trong tất cả những món quà tôi lại khắc khoải nhớ về một kỷ niệm trong mùa hè với một bệnh nhân tên Liên cùng món quà “chẳng giống ai” vào thời điểm cũng “chẳng giống ai” nhưng đã đi cùng với tôi suốt trong những năm tháng qua.

Chuyện là vào một buổi trưa cách đây hơn 20 năm, tôi vừa ăn cơm xong, đang thiu thiu nghỉ trưa trong phòng thì có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa và thấy chị Liên với khuôn mặt rất khó diễn tả, vừa thiếu tự tin, vừa sợ sệt, vừa chân thành với một tay cầm chai bia đã mở nắp cùng một nửa chiếc bánh đa Kế. Chị vào viện vì bị u xơ tử cung đã có biến chứng được chỉ định phẫu thuật. Thăm khám cho chị trước mổ, tôi nói rõ về tình trạng và cách thức mổ là sẽ bảo tồn tử cung ở mức tối đa để chị có cơ hội “đi bước nữa” và có đời sống tình dục bình thường nhưng chị cứ khăng khăng yêu cầu cắt toàn bộ tử cung bởi vì chồng bỏ, chị ở vậy nuôi con cho nên chị chẳng cần đến “cái của nợ” đó để làm gì. Có lẽ vì lo lắng cho cuộc phẫu thuật mà chị đến gặp tôi và tiện thể mọi người đang ăn trưa nên đem bia và bánh mời tôi. Tự nhiên tôi thấy ái ngại cho chị và lại sợ mọi người nghĩ bệnh nhân tranh thủ buổi trưa đến “hối lộ” bác sĩ nên đã từ chối thẳng thừng chứ không có ý gì khác. Ngày phẫu thuật, tôi mổ cho chị theo đúng chỉ định, cắt bán phần và giữ lại cổ tử cung, các đường khâu tôi cũng nắn nót cho đẹp vì đối với tôi mỗi cuộc mổ là một tác phẩm nghệ thuật. Ca mổ của chị thành công tốt đẹp, mấy hôm sau chị được xuất viện và không đến khám lại theo hẹn nhưng tôi hoàn toàn yên tâm và hài lòng vì đã làm theo đúng cách mình nghĩ và tốt nhất cho bệnh nhân.

Nhiều năm trôi qua, nhiều sự kiện diễn ra trong cuộc đời nhưng mỗi lần nhớ đến chị tôi lại thấy khuôn mặt tự ái, tự ti, tủi thân, trách cứ và đôi mắt ầng ậc nước. Tôi cứ dằn vặt tự vấn sao lúc đó lại cứng nhắc vậy khiến chị tủi thân và nghĩ rằng có lẽ quà của mình không xứng đáng với bác sĩ. Nhưng thực ra không phải như vậy đâu chị Liên ạ, tôi rất trân trọng tấm lòng của chị, một tấm lòng quê chân thật. Bởi vậy tôi mong chị thông cảm và hãy nhớ rằng có một thầy thuốc cảm ơn chị vì đã giúp anh ấy tìm được cách hành xử hợp tình hợp lý hơn để động viên, an ủi người bệnh.

Người Việt mình là vậy đấy, lúc nào cũng luôn chân thật, tình cảm nhưng nhiều khi vụng về khi thể hiện tấm lòng biết ơn của mình và cũng lại có những người thầy thuốc “vụng về” trước tấm lòng của bệnh nhân để rồi hơn 20 năm sau vẫn luôn có cảm giác áy náy mỗi khi nhớ về những món “quà quê” trong hay ngoài Tết. Đấy, mùa Xuân đang về và quà quê lại đến với mọi người với tấm chân tình mộc mạc đáng trân trọng và nâng niu.


GS. Vương Tiến Hòa
Ý kiến của bạn
Tags: