Nhớ Tết trên bản Nậm Khao

17-02-2018 15:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Trên bước đường khởi nghiệp, chúng ta luôn ghi nhớ kỷ niệm về những năm tháng đầu đời, để lại trong tâm trí ấn tượng không bao giờ mờ phai.

Với chúng tôi, Tết năm ấy đến giờ vẫn còn đọng lại những ấn tượng sâu sắc, xin được sẻ chia cùng bạn đọc quý mến nhân những ngày Tết Mậu Tuất 2018.

Đội Y tế lưu động 3H chúng tôi (Hùng, Hiệp, Hương) là ba chàng trai trẻ đang độ tuổi 19, đôi mươi hăm hở lên đường, hướng về mảnh đất xa xôi miền cực Tây của Tổ quốc - châu Mường Tè, tỉnh Lai Châu - vào cuối năm 1960. Tôi quê Nam Định. Hiệp quê Thái Bình, còn Hương, chàng trai 19 tuổi, dân tộc Mường ở châu Phù Yên, Sơn La. Cả ba chúng tôi đều mới tốt nghiệp từ trường y sĩ, y tá, tuổi nghề còn non nớt, nhưng luôn mang trong mình dòng máu nóng hổi của tuổi trẻ 3 sẵn sàng, ai nấy đều vui vẻ đón nhận những trải nghiệm mới mẻ của cuộc sống, để mỗi ngày thêm trưởng thành.

Bộ đội biên phòng Lai Châu phối hợp với y tế cơ sở tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Duẩn Hoa

Bộ đội biên phòng Lai Châu phối hợp với y tế cơ sở tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Duẩn Hoa

Sau chặng đường dài hiểm trở vượt qua hai đèo Pha Đin và đèo Cla Vô gần 200 cây số từ Thuận Châu (là thủ phủ Khu tự trị Thái Mèo hồi đó) lăn lóc trong thùng xe tải của Quốc doanh Dược phẩm, chúng tôi dừng chân ở Bệnh xá châu Mường Lay ít ngày, rồi khoác ba lô đi bộ với những túi thuốc men, vượt đèo Mường Mô cao sừng sững đến Mường Bum - châu lỵ châu Mường Tè - vào một buổi chiều muộn, trong sự chào đón đầy tình cảm thân thương của các anh chị đồng nghiệp nơi đây. Thật cảm động, khi các anh chị y tá, y công lớn tuổi người bản địa chủ động gỡ chiếc ba lô trên vai mỗi người, lấy ra và sắp xếp những bộ áo quần, tài liệu còn đẫm mồ hôi, rồi mang ba lô dính đầy phân con lừa (dấu tích còn sót lại trên đường, vì mỗi khi quá mệt, chúng tôi cứ để nguyên ba lô trên vai, nằm lăn ra vệ đường đầy cỏ tranh và phân của đàn lừa, để nghỉ cho lại sức) đem ra suối giặt. Nhìn thấy chúng tôi phong phanh với chiếc áo len mỏng cộc tay, khó chịu nổi cái rét buốt nơi rừng thẳm núi đá; các anh, chị đã vui vẻ nhường lại những chiếc áo bông, mũ bông (là tiêu chuẩn được cấp phát định kỳ 2 năm), làm cho chúng tôi thấy ấm áp, trong lòng rộn lên cảm xúc và lòng biết ơn chân thành. Lên gặp chào và báo cáo công việc với anh Thái, Bí thư Châu ủy quê Thái Bình, lại được gặp anh Kiệm người Hưng Yên, Đại úy - Chỉ huy trưởng Châu đội (nay là Ban chỉ huy Quân sự huyện). Các anh siết chặt tay chúng tôi rồi quàng vai mỗi người với tình cảm thân thiết, gần gũi. Sau lời hỏi thăm và chúc mừng đầy tình thân ái, các anh đồng ý với kế hoạch công tác của đội chúng tôi, không quên dặn dò nhiều điều...

Sau gần một tháng ổn định công việc ở trạm xá của châu, Bí thư Thái cùng anh Kiệm đồng ý với đợt công tác lên biên giới Mường Nhé của chúng tôi, với nhiệm vụ phòng chữa bệnh lưu động và khám tuyền nghĩa vụ quân sự. Các anh cử 2 đồng chí (1 là bộ đội, 1 là công an vũ trang là người bản địa), cùng đi với đội, với nhiệm vụ vừa để bảo vệ, vừa phiên dịch cho đội - vì vốn tiếng dân tộc của chúng tôi khi đó quá ít ỏi. Chúng tôi tỏ ý ngại phiền, thì hai anh đã giải thích rằng trước đó ít tháng, Đội Y tế lưu động châu Sìn Hồ đã bị bọn phỉ phục kích, bắn chết anh y tá cướp đi túi thuốc; chưa kể, các loại thú dữ như hổ, lợn rừng, gấu, trăn, rắn độc... có thể tấn công con người bất kể lúc nào trên đường...). Trước ngày lên đường, tôi bất ngờ và xúc động khi anh Kiệm sang thăm, trao cho chiếc áo đại quân còn thơm mới với lời dặn, rằng: “Khi đi, cậu nhớ mặc áo này vào, rồi dùng 2 tay rẽ rừng cây lau sậy, để tìm lối mòn mà đi, tránh lá lau sắc lẹm cứa vào mặt. Chắc đến khi trở về, hai ống tay áo này sẽ rách bươm đấy!”. Nghẹn ngào cầm tấm áo anh trao, tôi nói lời cảm ơn, trước lúc lên đường...

Để đến được biên giới Mường Nhé, chúng tôi phải vượt qua dòng sông Đà bằng thuyền độc mộc đến bản Nậm Khao. Sông Đà nơi thượng nguồn lòng hẹp chảy giữa hai vách núi dốc cao nên dòng nước chảy xiết, dù đã vào mùa khô. 5 người chúng tôi phải chia làm 3 tốp lần lượt vượt sông. Bà con cùng các anh ở Trạm Khí tượng Thủy văn ở đây niềm nở đón chúng tôi. Chúng tôi chia nhau đến nghỉ nhờ ở nhà ông Trưởng bản, hoặc ở nhà bà con và cùng ở với các anh Trạm Khí tượng Thủy văn. Ông Trưởng bản cùng bà con và các anh ở Trạm Khí tượng Thủy văn đều khuyên chúng tôi nên dừng lại ở bản Nậm Khao ít ngày, lấy sức vượt đèo Tà Tổng dốc đá thẳng đứng trên đường lên biên giới Mường Nhé.

Ông Giang, người địa phương độ tuổi chừng hơn 40 tuổi, là bộ đội phục viên, từng tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Lai Châu trước đây, được bà con tín nhiệm cử làm Trưởng bản. Thông thạo tiếng Kinh, ông coi chúng tôi như những đứa em nhỏ trong gia đình, nên tâm sự cởi mở. Ông than phiền, là vợ ông bị ốm liên miên, không có thuốc chữa, nên phải mời thầy cúng đến nhà, mà bệnh không thuyên giảm. Chúng tôi xin phép ông được thăm khám sức khỏe cho bà. Sau khi biết rõ bà đang bị sốt rét cơn, ăn uống không ngon miệng, người gầy sút. Chúng tôi đã đưa thuốc cho bà dùng, sau ít ngày, cơn sốt lui dần rồi dứt hẳn. Các con nấu cháo và luộc trứng gà tươi cho mẹ ăn, bà mừng lắm, cảm thấy người tươi tỉnh, vui khỏe hơn mấy ngày trước. Nhìn thấy mấy cháu nhỏ da xanh xao, bụng ỏng, chân tay lem luốc, chúng tôi rửa mặt và chân tay các cháu sạch sẽ rồi cho các cháu uống thuốc tẩy giun. Ngay sớm hôm sau, các cháu đi ngoài phân đầy những con giun đũa, có con còn đang ngọ nguậy làm cho mọi người vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ, khi được giải thích là trứng giun ở trong đất, nước bẩn đã đột nhập qua ăn uống, sinh nở trong ruột tàn phá sức khỏe các bé. Qua những điều mắt thấy tai nghe như thế, chúng tôi cùng ông Trưởng bản, bà con và các anh ở Trạm Khí tượng Thủy văn quây quần tại nhà ông, trao đổi thân tình về sức khỏe, để nhận ra rằng sốt rét và bệnh do giun gây ra, cùng cái giá rét ẩm lạnh... là những nguyên nhân gây bệnh đối với con người. Để có sức khỏe, cần tìm cách giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt của từng gia đình. Trước hết, cùng nhau phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh, đốt rác rưởi, hun khói để diệt muỗi, cố gắng bỏ thói quen uống nước lã, ăn thực phẩm được nấu chín, mặc áo quần đủ ấm, xây đắp hố xí 2 ngăn hợp vệ sinh; trồng các loại cây củ, rau thơm làm gia vị và thuốc để phòng, chữa bệnh thông thường như gừng, sả, nghệ, riềng, tía tô, tỏi, hành... Tìm kiếm và sử dụng thảo mộc trong rừng có tác dụng chữa bệnh và cách đánh gió chữa chứng cảm mạo. Về lâu dài, cần thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn bà con có thói quen nằm màn khi ngủ phòng tránh muỗi đốt, cố gắng rời chuồng gia súc như chuồng trâu, chồng lợn... ra xa nhà vì đó là nơi muỗi sốt rét sinh sôi gây bệnh sốt rét. Đồng thời cùng nhau làm chuồng, trại vững chắc kín gió để nuôi nhốt gia súc, đào hố ủ phân và cung cấp phân bón cho cây trồng; hàng ngày kiểm tra, giữ gìn sạch sẽ nguồn nước sinh hoạt (được dẫn từ khe núi đá bằng các ống bương ghép nối tiếp đưa nước về bản). Trưởng bản cùng bà con cắt cử người thay nhau canh gác đêm ngày (được trang bị súng kíp tự tạo), nhằm giữ gìn an ninh cho dân bản. Quy ước với nhau tín hiệu báo động bằng cách gõ kẻng, mõ hoặc gõ vang đồ dùng kim loại có sẵn trong nhà khi có dấu hiệu thú rừng thường mò về đêm rình vồ bắt gia súc để xua đuổi chúng, đem lại sự yên tâm cho mọi người... Ông Trưởng bản vui vẻ và đồng tình với những ý kiến đề xuất của đội chúng tôi cùng các anh ở Trạm Khí tượng Thủy văn đã đưa ra. Ông phân công các bà, các chị, các nam, nữ thanh niên và các cháu từng phần việc cụ thể từ làm vệ sinh thôn bản, lên nương sản xuất, chăm nuôi gia súc, lên rừng tìm kiếm lâm sản, củi đốt, cây lá có tác dụng chữa bệnh, ra sông kiếm tôm cua cá,... cùng chúng tôi bắt tay vào việc, tạo nên không khí hoạt động hào hứng nhộn nhịp. Các anh ở Trạm Khí tượng Thủy văn mang những tên đầy ý nghĩa: Minh, Chiến, Thắng tâm sự với chúng tôi là các anh đều quê ở miền đồng bằng Bắc Bộ, chưa lập gia đình riêng. Hỏi ra mới biết công việc của các anh rất vất vả: Cả trạm chỉ có 3 người, hàng ngày cắt cử mỗi người trực 8 giờ liền để theo dõi và ghi chép chính xác tỉ mỉ tình hình thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, đo mức nước trên dòng sông Đà, vận tốc dòng chảy, lượng nước mưa, cùng những biến động khác về khí tượng, thủy văn... Các anh đưa chúng tôi xem những cuốn sách dày cộp và được đóng gáy cẩn thận ghi chép tỉ mỉ, đều đặn các số liệu quan trắc khí tượng thủy văn liên tục qua nhiều năm tháng (theo khung thời gian từng giờ, ngày, tháng, năm), rồi cử người mang về nộp cho trung tâm để lưu trữ, tổng hợp và phân tích những số liệu khoa học quý giá đó, kết hợp với kết quả khảo sát của ngành địa chất nhằm phục vụ Nhà nước ta trong việc hoạch định chiến lược trị thủy sông Đà. Ba anh tâm sự là do tính chất công việc, nên phải sau nhiều năm mới thay phiên nhau nghỉ phép về thăm gia đình. Gặp khi có ai bị ốm đau, thì người còn lại phải làm thay gấp đôi thời gian, thậm chí 24/24 giờ mỗi ngày. Để duy trì và cải thiện cuộc sống, các anh đã trồng rau, ngô, khoai, sắn, nuôi gà, đánh cá để góp phần cải thiện bữa ăn, các anh còn phân công nhau dạy các em học chữ và giúp đỡ bà con địa phương nhiều việc nên được dân bản quý trọng đùm bọc. Sinh hoạt văn hóa, nghe tin thời sự, văn nghệ đều trông vào chiếc đài bán dẫn chạy pin, còn báo chí hiếm có mà đọc vì đường xa cách trở, nhất là vào mùa mưa... Chúng tôi trở nên gắn bó thân tình như anh em ruột thịt khi cùng chia nhau đọc những bức thư gia đình gửi tới, thắm đậm tình yêu thương, nhung nhớ... Chúng tôi thay phiên nhau đến ngủ đêm để giao lưu, chia sẻ tâm tình hoặc đi cùng các anh ra bờ sông khi tác nghiệp. Thật thấm thía và cảm kích biết bao về sự hy sinh âm thầm mà các anh đã trải qua! Đó là những tấm gương sáng, những bài học đầu đời sâu sắc quý giá mà chúng tôi thu nhận được không có trên sách vở khi học với tấm lòng quý trọng và biết ơn chân thành.

Tết cổ truyền của người La Hủ ở Lai Châu.

Tết cổ truyền của người La Hủ ở Lai Châu.

Sau hơn hai tuần lễ lao động sôi nổi, bộ mặt của bản Nậm Khao đã có những đổi thay đáng mừng. Ông Trưởng bản nói với chúng tôi: “Tháng này các dân tộc ở đây đón Tết, tôi đã bàn và được bà con thống nhất tổ chức đón Tết sớm hơn thường lệ, để mừng cho sự đổi mới của bản Nậm Khao và cũng dành thời gian để Đội Y tế lưu động chúng tôi đi công tác tiếp lên biên giới Mường Nhé”. Chúng tôi rất cảm động về tình cảm của ông cùng bà con nơi đây đã dành cho.Việc chuẩn bị đón Tết đã được giao cho mọi người trong bản. Không khí vui tươi đến với mọi người. Cây nêu với vòng ném còn đã dựng lên. Nhiều đoạn nứa dài được cắt gọt đều chằn chặn chuẩn bị cho điệu múa sạp quen thuộc. Những khúc gỗ khô được xếp thành khóm để nổi lửa đón Tết, đặt giữa sân rộng.

Các bà, mẹ gói những chiếc bánh tày được bọc bằng lá dong, hoặc lá chuối xanh mướt. Thịt lợn, thịt gà, cá tôm tươi được làm nhiều món, các chị nấu canh cải xanh tươi cùng với nấm hương - sản phẩm nổi tiếng của Mường Tè - thơm dịu, ngọt ngào hấp dẫn. Trên gương mặt mọi người bừng nở những nụ cười rạng rỡ. Những cành hoa mai, hoa ban còn đọng giọt sương được các chị, các cháu hái về tỏa hương đậm đà hương sắc ngày xuân. Các bà, mẹ, chị, các thiếu nữ, các cháu vận những bộ váy áo sặc sỡ, các chàng trai khoác trên mình tấm áo thổ cẩm nhiều sắc màu. Mọi người tề tựu đông đủ, yên lặng dành những giây phút tưởng nhớ đến tiên tổ, tiếp theo đó, mời các bậc cao niên, các cháu bé dùng bữa đón xuân, rồi chia sẻ những chén rượu được chưng cất từ ngô, sắn, cùng nhau chúc mừng trong bầu không khí nồng ấm chân tình. Tiếng khèn, tiếng sáo trúc, tiếng hát dìu dặt cất lên từ trái tim mỗi người, vọng vang cả miền núi xa thẳm. Ai cũng thấy lòng mình ngập tràn niềm vui, không còn ngăn cách về ngôn ngữ, sắc tộc, tuổi tác bởi trong ánh mắt mỗi người như mang tiếng nói ấm lòng. Chúng tôi tay nắm tay nhịp nhàng cùng nhau múa sạp, rồi nhảy vòng quanh khóm lửa hồng, hát vang bài ca Qua miền Tây Bắc, trong đó có câu: “Qua miền Tây Bắc mây ngút ngàn trùng xa. Núi cao, vực sâu ta quyết tâm vượt qua...”.

Phút giây đón xuân sao mà thiêng liêng, gần gũi và xúc động đến rưng rưng!

Ngày Tết tại bản Nậm Khao năm ấy đã cách xa nay ngót 60 mùa xuân nhưng còn đọng lại trong tâm trí chúng tôi đầy ăm ắp kỷ niệm đẹp đẽ, ngập tràn tình cảm sâu đậm của thuở thanh xuân lập nghiệp, nơi tình người thanh khiết, chân tình!

Nậm Khao giờ đây đã xây bức đập bê tông bề thế, vững chắc ngăn dòng sông Đà ở nơi bậc thang cao nhất và tạo lập nên hồ chứa nước rộng lớn, xây dựng thành công Nhà máy Thủy điện Lai Châu hùng vĩ.

Thủy điện Lai Châu đứng thứ 3 về công suất thiết kế và điện năng hòa vào mạng lưới điện quốc gia (1.200Mw, 4,6 tỷKw/giờ), chỉ đứng sau Thủy điện Hòa Bình (1.920Mw, 8,16 tỷ Kw/giờ) và Thủy điện Sơn la (2.400Mw, 10,2 tỷ Kw/giờ). Đó là những nhà máy thủy điện hàng đầu Đông Nam Á, đều được xây dựng và hoàn thành công trình vượt thời hạn nhiều năm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh của nước ta.

Công trình Thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ gắn tấm biển vàng cao quý mang dòng chữ: “Công trình Chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII”.

Xin được thiết tha gửi gắm tấm lòng biết ơn sâu xa, lời chúc sức khỏe cùng tình cảm chân thành tới nhân dân bản Nậm Khao, các anh ở Trạm Khí tượng Thủy văn năm xưa - những người yêu nước cao quý và tự hào - luôn còn sống mãi với thời gian, với đất Việt yêu quý, đến với mùa xuân Mậu Tuất 2018 tươi đẹp và những mùa xuân tương lai tươi sáng của dân tộc.

Nậm Khao, Lai Châu cuối năm 1960,

Hà Nội, đầu xuân Mậu Tuất 2018.


BS. Lâm Đức Hùng
Ý kiến của bạn