Trò chuyện cùng nữ nhà văn Lady Borton
Hữu Ngọc (H.N):
- Chị là người Mỹ hiếm hoi có mặt ở cả miền Nam, miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh Mỹ - Việt. Chị hoạt động nhân đạo và viết về Việt Nam và Hồ Chí Minh khá nhiều. Chị đi lại như con thoi giữa Mỹ và Việt Nam. Vậy chị đã ăn mấy cái Tết ở Việt Nam?
Lady Borton (L.B) cười:
- Quả là tôi không đếm được, nhiều Tết quá!..
- Thế Tết nào gây ấn tượng nhất đối với chị?
(suy nghĩ một lúc):
- Có lẽ là Tết con rắn, 1989, cách đây đến hai chục năm. Khuya mùng 4 Tết, tối như mực. Lúc đó Hà Nội chưa phải là Hà Nội bây giờ. Chưa có làn sóng tràn ngập người và đầu tư phương Tây, chưa có đầy tràn khách sạn, hàng ăn, quán nhậu, hàng tạp hóa, chưa có điện thoại dễ dàng khắp thành phố, chưa có cả đèn giao thông ở ngã tư, phố ít đèn, chưa có xe máy, xe buýt, xe taxi… Lúc đó Hà Nội là một tỉnh nhỏ thanh bình, chưa là thành phố hiện đại ồn ào như bây giờ.
- Chị nói mùng 4 Tết ở Hà Nội. Vậy 3 ngày đầu chị đi đâu?
- Tôi ăn Tết ở một gia đình nông dân Ninh Bình. Hồi đó, có lẽ tôi là người nước ngoài duy nhất được ở nhà người dân thường. Tôi phải mất mấy tháng trời mới xin được phép. Ngày nay thì quá dễ dàng.
Ở Ninh Bình về ngày mùng 4, tôi thuê một căn phòng hạng bét ở Khách sạn Thống Nhất - Métropole tít tầng 3 ít khách vãng lai, chỉ có tôi và lũ chuột. Hồi đó Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chưa chạy nên ít đèn lắm! Phòng tôi chỉ có một ngọn đèn ánh sáng vàng yếu ớt. Từ hành lang nhìn ra cửa sổ, sương mù phủ trên phố tối om.
- Không khí Tết gì mà bi đát thế ?
- Bỗng tôi nghe có tiếng khẽ gõ cửa. Hồi ấy, ngay cả “công chúa” Việt Nam cũng không được phép đến gặp ai ở phòng riêng khách sạn. Tôi mở cửa phòng, một nhân viên khách sạn báo cho tôi là có người đang đợi dưới nhà. Tôi vừa xuống đến cuối cầu thang thì đã có tiếng gọi “Lady! Lady! Đi ăn Tết với bọn mình đi!”.
Thì ra là hai cô bạn trẻ chị em Xuân và Lan. Ra khỏi khách sạn, tôi chẳng thấy chiếc xe ôtô nào đón. Chỉ có hai chiếc xe đạp dựa vào vỉa hè. Trước đó 2 năm, tôi xin phép mãi mới được đi xe đạp trong phố. Hồi ấy xe cộ Hà Nội còn vắng, vậy mà ai cũng sợ tôi bị tai nạn giao thông. Rồi tôi đạp xe rất nhiều, nhưng chưa bao giờ dám ngồi sau yên cho người khác đèo, vì chân tôi dài lêu nghêu, người lại nặng. Lan thấy tôi ngần ngừ liền kêu lên: “Lady, ngồi sau yên đi! Mình khỏe lắm, yên chí!”.
Lên xe rồi, chẳng biết sẽ đi đâu! Các bạn Việt Nam dẫn tôi đi thường không nói trước, có lẽ quen như thời kháng chiến giữ bí mật lộ trình! Tối khuya đó, tôi ngồi sau yên xe tê cả chân, lưng thì mỏi, sốt ruột quá. Phố xá vắng tanh, lâu lâu mới nghe tiếng xè xè của một chiếc xe đạp đi ngược chiều.
-Mãi rồi hành trình ấy cũng phải chấm dứt chứ?
- Vâng, hai bạn đỗ xe, dẫn tôi qua một cái ngõ, đến một cái sân, trèo cầu thang vào một căn phòng. Phòng nhỏ, ánh sáng lờ mờ, chỉ có một chiếc giường trải chiếu, một giá sách gáy sờn, tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Tôi được mời ngồi xuống một chiếc ghế đẩu cạnh chiếc bàn con kèm thêm 3 ghế đẩu nữa. Cô Xuân giới thiệu tôi với chồng là anh Bằng giáo viên. Anh rửa mấy chiếc chén nhỏ, rót chè, niềm nở mời tôi uống và ăn mứt quất. Anh cười to: “Mừng chị đến ăn Tết với chúng tôi!”.
-Chắc đó mới là khúc dạo đầu?
- Đúng! Cô Xuân bảo em Lan: “Hãy đem dưa hấu trong Nam ra thết khách đi !”
- Dưa hấu là đặc sản Tết trong Nam, quý lắm!
- Hồi đó cả nước nghèo, công chức ít người có tiền vào Nam chơi. Xuân đi công tác về nên đem dưa ra kịp ăn Tết. Bỗng Xuân và Lan cùng đi ra. Trong phòng chỉ còn tôi và Bằng. Tôi cảm thấy lúng túng vì thời ấy, người Việt cấm được tiếp khách nước ngoài một mình.
Mấy hôm trước tôi đã phá rào khi được đi phép cùng Xuân về quê và ngủ chung giường với Xuân theo tục lệ Việt Nam. Anh Bằng bập bẹ nói tiếng Anh với tôi, tiếng Anh tự học qua đài. Chẳng mấy chốc, Xuân và Lan trở về, mang một khay dưa đỏ rất đẹp. Và trong đêm miền Bắc lạnh lẽo, chúng tôi ăn dưa ấm nắng phương Nam.
-Hẳn chị nhớ tới những ngày ở miền Nam chăm sóc những nạn nhân chiến tranh cụt chân cụt tay?
- Nghĩ lại miền Nam buồn và thương. Đêm Tết ấy ở miền Bắc, lại mủi lòng khi cắn miếng dưa đỏ và miếng mứt quất, những của hiếm và sang vào thời buổi khan hiếm ấy. Hương vị ngọt ngào đượm chút chua xót khi nhìn thấy căn phòng xơ xác tối tăm, thấy các bạn hồ hởi mừng tuổi mình. Lúc chia tay, Xuân đưa tôi một gói mứt quất làm quà Tết gửi biếu cha tôi ở Mỹ. Hai vợ chồng Bằng tiễn tôi đi bộ về khách sạn, đi tắt rất nhanh.
- Hai chục năm qua, hẳn chị có dịp ăn nhiều cái Tết sang trọng hơn ở Việt Nam?
- Nhưng Tết 1989 vẫn là cái Tết đẹp nhất đối với tôi vào thời chưa “mở cửa”, tôi có cái thú ranh mãnh của người nước ngoài được “phá rào” đến với người dân thường. Nhất là được hưởng Tết theo đúng tinh thần truyền thống Việt Nam: Tết của tình gia đình, của tình người mở rộng. Ở thời đã hiện đại hóa, đèn sáng trưng hơn, cao ốc nhiều hơn, tôi đã được mời đến dự liên hoan Tết ở biệt thự hay khách sạn, có sâm-panh, hàng dãy bàn đầy ắp bánh và hoa quả phương Tây, nhưng lại thiếu cái hương vị của dưa hấu và mứt quất Tết năm xưa. Tôi phải cảm ơn những bạn Việt Nam đã chia niềm vui ít ỏi cho tôi trong một cái Tết đạm bạc mà chân tình. Tôi thấy nhiều người Hà Nội ngày nay ăn Tết huênh hoang khoe của một cách quên mất ý nghĩa nhân văn của Tết truyền thống Việt Nam, điều mà phương Tây chúng tôi muốn có. Cái nghèo chia sẻ còn hơn cái giàu vô cảm!..
Nhà văn hóa HỮU NGỌC