Chiều ngày 14/09/2020, Bệnh viện Xanh Pôn tổ chức Lễ khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa (hệ thống Telehealth) của Bệnh viện Xanh Pôn. Tham dự buổi lễ có PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; TS. Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội…. cùng Ban lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo, bác sĩ các khoa phòng của bệnh viện và khoảng 200 đại biểu từ các điểm cầu tham gia tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng, Bệnh viện đa khoa Thu Cúc ….), các điểm cầu kết nối trực tuyến.
Phát biểu tại buổi lễ PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bệnh viện Xanh Pôn là một trong những bệnh viện đầu tiên của tuyến tỉnh và của Hà Nội tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế.
Cắt băng khai trương trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Xanh Pôn
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, khám chữa bệnh từ xa càng có ý nghĩa hơn, PGS .TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Người bệnh không có điều kiện lên tuyến trên do tình hình dịch bệnh, telehealth sẽ là công cụ hữu hiệu để “kéo gần” khoảng cách giữa người bệnh và các y bác sĩ tuyến trên.
TS Nguyễn Đình Hưng – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, chữa bệnh từ xa là tin vui dành cho tất cả người dân, họ được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay chính tại địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, chi phí đi lại, giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tạo được lòng tin và sự an tâm điều trị rất lớn đối với người bệnh. Bên cạnh đó, triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh, trực tiếp trao đổi, đối thoại với nhau, không còn bất kỳ giới hạn về không gian hay khoảng cách địa lý, đã mở ra một cơ hội to lớn trong việc đào tạo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn cho toàn thể y bác sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Khẳng định với phóng viên, TS Nguyễn Đình Hưng cho rằng, hệ thống telehealth giúp người bệnh dù khám tại cơ sở nhưng được hưởng chất lượng y tế chuyên sâu bởi bệnh tình của họ được trực tiếp hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, đây cũng là cách giúp nâng cao trình độ của y bác sĩ tuyến dưới, qua việc hội chẩn, giao ban, tập huấn, đào tạo trực tuyến sẽ giúp thu hẹp khoảng cách chuyên môn giữa các tuyến.
Hiện tại có 41 bệnh viện công lập và 30 bệnh viện ngoài công lập ở Hà Nội sẽ kết nối khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Xanh Pôn. Trong thời gian tới Bệnh viện Xanh Pôn mong muốn sẽ kết nối với cả các bệnh viện ở các tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc…. Định kỳ hàng tuần, bệnh viện sẽ tổ chức các buổi tư vấn khám bệnh từ xa hoặc có thể hội chẩn đột xuất theo yêu cầu của tuyến dưới, TS Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm.
Ngay buổi khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa có 7 bệnh nhân của các bệnh viện tuyến dưới đã được tư vấn khám, chữa bệnh, đặc biệt có 1 ca bệnh được các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tổ chức tư vấn phẫu thuật. Các trường hợp tư vấn khám chữa bệnh hôm nay là các ca bệnh lý cột sống, các bệnh lý về đường tiêu hóa, các bệnh lý của trẻ em … do chính các bác sĩ chuyên khoa là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ hàng đầu của Bệnh viện Xanh Pôn tư vấn.
Các đầu cầu trong chương trình telehealth
Đặc biệt, tại buổi tư vấn này, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông sẽ xin ý kiến chuyên môn về một ca bệnh với chẩn đoán tắc ruột do u trực tràng cao tái phát, di căn gan. Đánh giá ca bệnh này, bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, đây là một tổn thương tái phát trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nhưng do u gây tắc ruột, cần phải phẫu thuật ngay. Ngay tại phòng mổ, các bác sĩ của Bệnh viện Hà Đông đã nghe những tư vấn chuyên môn của các chuyên gia từ Bệnh viện Xanh Pôn về các khả năng có thể gặp phải trong ca phẫu thuật, cách lựa chọn đường phẫu thuật phù hợp nhất cho bệnh nhân.
TS Nguyễn Đình Hưng cho rằng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn là một trong số các bệnh viện hạt nhân đầu tiên trong Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y Tế, cùng với các bệnh viện tuyến trung ương triển khai hoạt động của Đề án, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được tư vấn, khám, chữa bệnh, được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới; các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.