Một bản thảo của ông lấp ló: “DỊP HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO, DA DIẾT NHỚ THẦY XƯA” với những câu thơ:
Những học trò lối xóm
Sột soạt chiếc quần nâu
Những con người như thế
Nay đi đâu, về đâu?
Ông mở đầu bài viết của mình với mấy câu thơ đó. Ông nhớ những lớp học từ thời tiểu học cho học sinh lối xóm suốt thời sơ tán theo bố mẹ đi tản cư. Suốt những năm chống Pháp, ông kiên trì học tiểu học, trung học từ Yên Thành, Ý Yên, Nam Định rồi lộn lên Việt Yên, Bắc Giang tới tận khi về Hiệp Hòa, Bắc Giang năm 1949. Học hết trung học kháng chiến Hàn Thuyên, Bắc Ninh, ông thi đỗ Đại học Y. Danh sách bạn học khóa Y 1956-1962 của ông đông lắm. Sau khi về hưu, ông đi họp khóa, họp lớp đều đặn. Bố tôi không chỉ yêu quý và trung nghĩa với bạn bè, ông còn có lòng yêu kính sâu nặng với các thầy dạy y, dạy nghề mắt sau này. Mỗi người thầy khắc trong tâm trí ông một kỷ niệm, một hình ảnh sâu đậm, trân quý nhất. Ông viết trong bài: Thầy Ngữ mặc bộ complet màu nâu, nói không cần nhìn giấy vòng đời của các con ký sinh trùng. Nhà nước không yêu cầu ra trận nhưng thầy vẫn xin đi và hy sinh sau đó. Bác Phạm Ngọc Thạch có đến Viện Mắt của bố làm việc, nhắc nhở các bác sĩ luôn sáng tạo, đừng đi theo lối mòn thì bệnh nhân mới trông cậy được. Không lâu sau đó, bác đi công tác miền Nam và cũng hy sinh vì sốt rét. Thầy Hoàng Đình Cầu (chuyên khoa Phẫu thuật thực hành), thầy Nguyễn Tấn Gi Trọng (Bộ môn Sinh lý)..., bố tôi đều nhắc đến với trang phục giản dị, giảng bài rất lôi cuốn, thỉnh thoảng hay đọc thơ cho sinh viên nghe. Ngoài chuyên môn bận rộn, các thầy cũng dành thời gian đọc thơ, viết văn, làm lợi cho tinh thần khi làm chuyên môn - bố tôi nhận xét.
Mỗi người thầy là một tấm gương mẫu mực về đạo đức.
Học ở các thầy ngoài lý thuyết là tác phong làm việc, các động tác thăm khám tế nhị, cẩn trọng và nhân văn. Thầy Trần Hữu Tước đưa dụng cụ khám mũi khéo như thế nào để bệnh nhân khỏi đau. Các thầy dạy mắt cũng dạy lật mi, bóc băng, vành mi bằng dụng cụ như thế nào để khỏi đau, khỏi gây sợ hãi cho bệnh nhân... Các thầy rất chú trọng phần “từ mẫu” khi hành nghề. Những bác sĩ trẻ thời nay lấy số lượng mổ, số bệnh nhân khám trong ngày làm thành tích...
Tôi chợt rùng mình khi đọc đến đó. Những đúc rút này ông đều đã dạy đi dạy lại nhiều lần khi tôi còn là một bác sĩ học việc, đi theo ông. Các thầy dạy mắt, GS. Nguyễn Xuân Nguyên, GS. Ngô Như Hòa đều lấp lánh trong ký ức của ông như những vị thánh, vừa có tài - có đức, khiêm tốn, giản dị. Thầy Nguyên với thành tích phòng chống mắt hột trong cộng đồng, yêu Đông y. Thầy Tôn Thất Hoạt luôn khuyên bố tôi phải học nhiều lên, không được giấu dốt. Các thầy đến với cuộc sống và ra đi cũng nhẹ nhàng. Chỉ có những người trò là đau đớn chia ly, sẽ nhớ mãi những lời thầy dặn: Hãy thêm sự sống vào năm tháng, đừng thêm năm tháng vào sự sống.
Sau này, khi dạy tiếng Pháp cho tôi, ông cũng nhắc lại cho tôi câu này với sự thấu hiểu về sự hữu hạn của cuộc đời và ý nghĩa của nó: Hãy sống thật ý nghĩa, đừng lãng phí cho dù cuộc đời có thể ngắn hay dài. Thầy Ngô Như Hòa được bố tôi nể trọng nhất vì dùng thành thạo 4 thứ tiếng Anh - Pháp - Nga - Tây Ban Nha, tác giả của cuốn “Thống kê y học” được Nhà xuất bản Y học ấn bản lần đầu tiên. Bố tôi ra phố cắt tóc, gặp thầy cắt tóc để chuẩn bị đi B, có ý nhường thầy cắt trước nhưng thầy nhất định không nhận, nói là “đến Lenin cắt tóc còn phải chờ như thường dân”. Đức khiêm nhường của thầy thật đáng quý! Sợ bố tôi buồn vì hành động cao đẹp đó, thầy còn dạy bố tôi thêm câu tiếng Pháp của Pascal: Con người không phải là vị thánh nhưng cũng không thể là con vật. Câu dạy đời đó ảnh hưởng nhiều đến nhân cách của ông: Cho dù chứng minh thư vẫn là tên của con người nhưng nhiều người đã mang tính dã thú. Đừng như vậy, cho dù không ai biết cũng đừng làm bậy.
Ngày Hiến chương sắp đến như những dấu son trong cuộc đời những người thầy. Là giảng viên kiêm nghiệm của 3 trường đại học, đã có lúc tôi mệt nhọc, định bỏ dạy. Cũng có khi túng thiếu, nghe xúi bẩy định làm bậy... nhưng nhớ lời thầy, noi gương cha nên vẫn dạy tốt, gắng học hành để khỏi mang danh thầy dốt, sống nhân nghĩa thủy chung cho khỏi phụ danh người THẦY. Chữ nghĩa phần nào sẽ có IA, internet, ebooks gánh giúp cho người thầy nhưng còn phẩm giá, nhân cách, lối sống, tác phong nghề nghiệp, y đức..., ta vẫn phải học các thầy, noi gương các thầy...