Hơn 45 năm trôi qua, nhanh như xem một clip trên mạng bây giờ, tôi cảm giác như vậy. Kỷ niệm chồng lên kỷ niệm, thời gian gối lên thời gian, hồi ức là những thước phim màu cắt ra từ quá khứ phim đen trắng… Những năm tháng chiến tranh, các chú bộ đội luôn là hình tượng đẹp. Trên phim ảnh, tiểu thuyết đã vậy. Trong đời thường còn đáng yêu, đáng kính hơn. Những anh bộ đội cụ Hồ luôn gắn liền với sự thân thương, hy sinh, gần dân và giản dị.
Những năm tháng hết về quê rồi đi theo bố làm việc ở cơ sở 2 của bệnh viện, tránh ném bom phá hoại của địch rồi cũng qua. Một cơ sở nhỏ của bệnh viện bố tôi ở Tư Đình, Gia lâm cũng thu dọn dần để tập trung về Hà Nội. Tôi là cậu học sinh lớp 2 chẳng biết vui hay buồn khi phải chia tay ngôi trường sơ tán, cô Lý thân thương và hiền khô. Khu nhà cho cán bộ nhân viên bệnh viện xây bằng rơm đất, lợp lá gồi, xung quanh là ruộng rau muống rau khoai bị đập phá dần. Mãi chưa đến lượt nhà tôi được chuyển về Hà Nội. Bốn đứa chúng tôi vẫn tiếp tục học hành, đeo bám mảnh đất nơi sơ tán. Khí thế giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang hừng hực. Tư Đình ở gần sân bay Gia Lâm, máy bay quân sự lên xuống nhộn nhịp. Trong sân nhà thờ hết tốp bộ đội này đến tốp bộ đội kia làm lễ ra quân vào miền Nam chiến đấu. Chúng tôi, bọn trẻ trâu ngắm nhìn những anh bộ đội trẻ măng, hiền khô hô khẩu hiệu ra quân. Ai thích súng thì mân mê vũ khí mới, sáng bóng, thơm mùi dầu mỡ. Ai cũng đẹp vì quân phục xanh lá mới tinh, mũ tai bèo, lá cờ xanh-đỏ của mặt trận giải phóng miền Nam trước mặt. Trẻ con không biết ra trận là có thể chết, chỉ thấy thế là vui, oai. Rồi tôi cũng mơ màng biết là con người có thể chết hoặc hy sinh. Cô Lý mỗi khi giảng bài nhắc đến chú bộ đội đều ầng ậc nước mắt. Có lúc cô ra ngoài lớp nhìn các chú bộ đội đi về chấm nước mắt rồi lại vào. Sau này tôi mới biết chồng cô tên Tùng, đi bộ đội vào Nam mãi chưa thấy về. Cô khóc vì các chú bộ đội kia làm cô gợi nhớ đến chồng mình, không biết có còn về làng được nữa không…
Hình ảnh bộ đội cụ Hồ luôn đáng kính, gần gũi, thân thương với mọi người dân đất Việt.
Ngày 30/4 năm ấy đất nước rợp cờ hoa và những đoàn người xuống đường. Bố tôi chiều tôi nhất nên chở tôi đến bệnh viện chờ xem pháo hoa. Lúc chờ xem tôi ngủ mê mệt trên chiếc bàn làm việc ở phòng Huấn luyện của bố vị trí tầng 3 nhà A bây giờ. Lần đầu tiên được xem pháo hoa, tuy có ngái ngủ nhưng thấy đẹp lạ kỳ. Đáng tiếc những năm tháng hậu chiến đói kém, thời bao cấp khốn khó kéo dài hết tuổi thơ của tôi lại không được như vậy. Hết chiến tranh những chú bộ đội trong gia đình tôi lần lượt xuất hiện, không ai hy sinh. Người em của mẹ tôi cậu K. đẹp trai, hiền khô về nhà. Mẹ tôi khóc lắm vì tưởng cậu đã chết, bặt tin tức đã lâu. Mẹ kể cậu được huân chương do bắn máy bay Mỹ rơi, được về phép rồi đi suốt. Hai chị em thương nhau lắm, thương sang cả các con cháu của nhau. Những tấm bánh, phần quà cậu cho khi bé ấm lòng bọn trẻ con háu đói chúng tôi bao nhiêu. Phẩm chất người lính, ham học cậu trở thành đầu bếp cứng của Ngoại giao đoàn. Nấu ăn ngon, hay làm cơm chiêu đãi mọi người, giúp đỡ họ hàng khi túng bấn, giản dị và ít nói là phẩm chất quí của cậu cũng như nhiều cựu chiến binh cùng thời.
Chú H. là người bộ đội duy nhất bên họ bố. Bố đi học đại học thì em trai thường phải đi bộ đội, lẽ thường vào thời chiến. Trên người vài vết thương, môi thâm sốt rét, phom người chắc như gạch rồi chú cũng về ở chung với ông bà tôi. Vẻ hùng biện mỗi khi có chút rượu, toàn kể chuyện chiến đấu và võ thuật nên tôi mê chú lắm. Một mình chú gây dựng cơ nghiệp sau khi xuất ngũ, nuôi ông bà và bà chị tật nguyền, lấy vợ muộn và sinh con muộn…Những cựu chiến binh như chú còn rất nhiều trên mảnh đất này. Quân ngũ rèn luyện ra những người dẻo dai và tài năng! Gốc là lái xe chuyên nghiệp, ngần đấy năm sau Giải phóng khó đếm hết những công việc chú đã trải qua. Bộ đội là biết làm nhiều việc, dẻo dai, xốc vác và gương mẫu nữa. Họ làm gương cho con cháu, sống giản dị, tiết kiệm, gánh vác công to việc lớn của gia đình và cả dòng tộc. Giặc không giết được chú nhưng ung thư lại cướp chú đi khi còn chưa được 70 tuổi. Thương quá!
Người lính già đầu bạc là bố vợ tôi. Sao đời lại sinh ra những người gian truân và gai góc thế. Mảnh đất miền Trung nơi ông sinh ra ai cũng vậy? Vốn là công nhân cơ khí ông vào bộ đội làm việc cho xưởng quân khí ở chiến trường Huế- Bình Trị Thiên. Tôi là con rể không được nghe ông kể chuyện nhiều. Nhưng vợ và các con tôi thì chứa đầy những ký ức, giai thoại trận mạc của ông ở Quảng Trị. Mỗi khi xem tivi về chiến trường đó ông đều trầm giọng, nghẹn ngào…hy sinh nhiều lắm con ơi, đau đớn lắm con ơi! Một trận càn bằng máy bay trực thăng của giặc cướp mất của ông một bên chân. Ông được giải ngũ rồi tiếp tục làm công nhân, rồi nhà văn, nhà thơ như đam mê và năng khiếu của mình. Sau 70 tuổi, mái tóc bồng bềnh của ông dần bạc trắng, chậm và yếu dần, luôn thương yêu vợ con, các cháu… Chiến tranh còn lại đối với ông là chiếc chân giả kêu ken két, bài thơ, áng văn ông sáng tác và xuất bản bằng tiền túi. Hồi ức về nó hẳn phải kinh khủng lắm vì có những đêm trong cơn mê, mồ hôi nhễ nhại ông vẫn hét lên: Nằm xuống, trực thăng đến đấy...
Mái đầu trắng phau đấy hay nói thầm và khóc nhè nhẹ trước bàn thờ người em ruột liệt sĩ, người mẹ chết bom mất xác… Ông chấm vội nước mắt mỗi khi tôi lặng nhìn vào dịp lễ tết hay nhà có đám giỗ. Cựu chiến binh là vậy! Họ luôn nhớ về cuộc chiến, về đồng đội, sống vì nó cho dù cuộc sống hiện tại có bao nhiêu cám dỗ.
Cuộc chiến đã lùi xa. Cuộc đời tôi đã thêm 7 năm vào ngày kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam- Thống nhất đất nước. Mừng cho đất nước thoát dịch hiểm nghèo. Trông lại quá khứ thấy tự hào và vững tin ở tương lai bởi chúng ta đã có lịch sử hào hùng gây dựng từ những con người ái quốc, giỏi giang, đầy bản lĩnh- NHỮNG ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ.