Nhớ nguyên tắc '3 không' khi mang cơm trưa đi làm để đảm bảo dinh dưỡng

29-10-2021 08:50 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Để bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng dịch, nhiều người đã chọn giải pháp mang cơm đi làm để ăn trưa, thay vì đi ăn hàng quán.

Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì ngoài vấn đề phòng dịch, việc tự chuẩn bị đồ ăn sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Dưới góc độ dinh dưỡng đây là việc làm cần thiết và rất khuyến khích. Tuy nhiên, khi mang cơm đi làm, mọi người cũng cần chú ý một số vấn đề trong việc cân bằng dinh dưỡng, chế biến và bảo quản món ăn. Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ  dinh dưỡng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Bữa trưa có vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bữa trưa đóng góp khoảng 40-50% năng lượng nạp vào cơ thể/ngày. Bởi vậy, không nên coi bữa trưa là bữa tạm, ăn qua loa…

Nhớ nguyên tắc '3 không' khi mang cơm trưa đi làm để đảm bảo dinh dưỡng  - Ảnh 1.

Bữa trưa rất quan trọng, mọi người chuẩn bị sẵn nhưng vẫn phải đầy đủ 4 nhóm chất.

Không nên nấu trước, bảo quản qua đêm: Hiện nay nhiều người có tâm lý làm sẵn món ăn từ tối hôm trước, sáng hôm sau chỉ việc hâm lại rồi mang đi làm. Điều này có thể thực hiện nhưng cần chú ý đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh các nguy cơ có thể xảy ra, bởi thức ăn khi đã để qua đêm chất lượng sẽ không còn được đảm bảo, dinh dưỡng cũng sẽ bị hao hụt. Thậm chí còn gây rối loạn tiêu hóa vì có thể bị vi khuẩn xâm nhập.

Tốt nhất, nên nấu đồ ăn mới vào buổi sáng, rồi bảo quản cẩn thận và mang đi làm để ăn trưa. Qũy thời gian buổi sáng không nhiều, vì thế mọi người không cần chuẩn bị quá cầu kỳ.

Không nên bảo quản khi mới nấu xong, đồ ăn còn nóng: Dù là đồ ăn mặn hay rau xanh, một vấn đề mọi người cần ghi nhớ đó là không cho đồ ăn vừa nấu xong vào hộp bảo quản. Việc bảo quản đồ ăn còn nóng, với nhiệt độ cao tưởng chừng tốt nhưng lại gây những tác dụng phụ không mong muốn.

Theo đó, khi thức ăn nóng còn sinh nhiệt sẽ khiến các món dễ bị nát trong quá trình bảo quản. Ngoài ra, việc đồ ăn nóng sẽ dễ bị hấp hơi, đây là nguyên nhân khiến cho đồ ăn dễ bị hỏng, có mùi chua, thiu sau đó.

Không nên bảo quản thức ăn trong đồ nhựa: Về đồ dùng bảo quản thực phẩm cho bữa trưa, mọi người nên đầu tư các hộp chuyên dụng, có thể giữ nhiệt lâu hoặc làm nóng được thức ăn. Tuyệt đối không dùng đồ nhựa tái chế để bảo quản thức ăn. Bởi thức ăn khi mang đi làm thường còn nóng, việc bảo quản bằng hộp nhựa không đảm bảo sẽ làm giảm chất lượng món ăn. Ngoài ra, có thể gây thôi nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhớ nguyên tắc '3 không' khi mang cơm trưa đi làm để đảm bảo dinh dưỡng  - Ảnh 2.

Không nên bảo quản đồ ăn trong đồ nhựa, nhất là nhựa tái chế.

Làm những món đơn giản, không cần cầu kỳ: Chỉ cần chuẩn bị những món đơn giản như trứng, thịt rang, tôm rim hoặc đậu sốt hay thịt luộc… và đổi bữa hàng ngày. Với thịt lợn, cũng nên lựa chọn những phần thịt có nhiều nạc hơn mỡ. Nếu chọn phần thịt quá nhiều mỡ, buổi trưa khi làm nóng lại đồ ăn, lượng mỡ sẽ chảy ra, dễ gây ngán khi ăn.

Nên chọn các loại củ quả: Riêng đối với rau xanh cũng cần chú ý, nên lựa chọn những loại rau củ, quả như su hào, cà rốt, su su, củ cải... hơn là các loại rau lá. Các loại củ, quả sẽ đảm bảo được về chất lượng và dinh dưỡng hơn rau lá khi mang cơm đi làm. Trường hợp thích ăn các loại rau lá, tốt nhất nên chế biến theo cách luộc hơn là xào hoặc nấu canh.

Nhớ nguyên tắc '3 không' khi mang cơm trưa đi làm để đảm bảo dinh dưỡng  - Ảnh 3.

Việc chế biến các loại rau lá mang đi làm để ăn trưa nên hạn chế, vì thời gian bảo quản lâu làm hao hụt nhiều dinh dưỡng.

Bởi các loại rau lá khi xào có lượng dầu mỡ nhất định thường hay bị nát. Qúa trình bảo quản và nhất là buổi trưa khi làm nóng lại thức ăn sẽ khiến lượng dinh dưỡng có trong rau sẽ bị hao hụt, biến chất đi rất nhiều.

Mang cơm đi làm vẫn cần đủ 4 nhóm chất: Thành phần dinh dưỡng của bữa trưa cũng cần phải lưu ý, nên đảm bảo đầy đủ các nhóm chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, đặc biệt là các loại rau xanh, quả chín thường mọi người hay “quên” ăn vào bữa trưa, nhất là với những người hay mang cơm đi làm.



TS.BS Nguyễn Trọng Hưng
Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn
Ý kiến của bạn