Nhờ nghĩa cử hiến tạng của các gia đình, thầy thuốc BV Việt Đức mới cứu sống thêm nhiều người bệnh

31-12-2020 08:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong năm 2020, đã có hơn 20 gia đình đồng ý hiến tạng người thân của mình để cứu sống thêm nhiều người khác. Nhờ vào nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của các gia đình, thầy thuốc và nhân viên y tế BV Việt Đức mới có thể thực hiện các kỹ thuật cao, cứu sống thêm được nhiều người bệnh và trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về ghép tạng, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng

Chiều 30/12, tại BV Việt Đức đã diễn ra một lễ tri ân ấm áp và xúc động. Đó là chương trình “Gửi lời tri ân” nhằm tri ân những người, những gia đình đã đồng ý hiến tặng mô tạng của người thân để nối dài sự sống cho những người bệnh đang trong cơn nguy kịch...

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc BV Việt Đức gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các gia đình người đã hiến tặng mô tạng để mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác.

Trong năm 2020, đã có hơn 20 gia đình đồng ý hiến tạng người thân của mình để cứu sống thêm nhiều người khác. Nhờ vào nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của các gia đình, thầy thuốc và nhân viên y tế BV Việt Đức mới có thể thực hiện các kỹ thuật cao, cứu sống thêm được nhiều người bệnh và trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về ghép tạng, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng.

"Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân chân thành, sâu sắc của các thầy thuốc và cán bộ BV Việt Đức cũng như thay lời cho người bệnh nhận nguồn tạng hiến bày tỏ lòng biết ơn tới người hiến tạng và thân nhân người hiến tạng. Chúng tôi mong muốn những nghĩa cử cao đẹp này ngày càng được lan tỏa và muốn gửi thông điệp: Khi người thân mất đi, nếu có thể được thì hiến một phần cơ thể để cho đi là còn mãi"- GS.TS Trần Bình Giang xúc động nói.

Chị Đinh Thị Phượng, có mẹ là người hiến tạng chia sẻ, việc hiến tạng của người thân là việc làm ý nghĩa cuối cùng mà chị thể làm cho người mẹ đã mất của mình. Đây chính là lời cảm ơn những người thân yêu, lời cảm ơn cuộc đời đã đem người thân đến sống bên mình, buồn vui, yêu thương và hạnh phục bên mình trong thời gian vừa qua.

“Việc hiến tạng đã trở thành nguồn an ủi, động viên rất lớn khi mình nhớ lại người thân đã mất của mình. Trải qua những việc này, mình càng thấu hiểu hơn nỗi đau của những gia đình đang có người bị bệnh, đang mong chờ được duy trì thêm sự sống ngoài kia.

Và chính sự mất mát đã cho mình thêm bài học về yêu thương. Mong rằng tất cả những người được hiến tạng và những gia đình có người hiến tạng sẽ trân quý hơn sức khỏe, cuộc sống của mình, trân quý những gì mình nhận được và những giây phút hạnh phúc bên gia đình”- chị Đinh Thị Phượng xúc động nói.

Ngồi một góc riêng ở hội trường, bà Nguyễn Thị Lừng (Bắc Giang)- người con trai duy nhất vừa tuột khỏi vòng tay mẹ vào ngày 12/12 vừa qua qua vì gặp tai nạn khi trên đường đi làm về. 18 năm qua, một mình bà lặng lẽ nuôi con, nhưng rồi chỉ trong gang tấc, niềm hy vọng, hạnh phúc của bà Lừng đã chấm dứt.

Khi quyết định hiến tạng của cậu con trai 18 tuổi, bà đã vật vã suốt một đêm. Bà Lừng đã quyết định hiến tạng con với tâm nguyện, những người mẹ khác sẽ được hạnh phúc thay cho bà.

“Tôi chỉ muốn biết cơ thể con tôi đã hiến đang sống trong người khác khỏe mạnh là tôi mãn nguyện rồi. Con của tôi vẫn còn tồn tại trên cuộc đời này”.

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc BV Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết- Nguyên giám đốc BV Việt Đức cùng tri ân những gia đình đã hiến tạng người thân của mình để nối dài sự sống cho người khác

Đến trước lễ tri ân cả một giờ đồng hồ, chị Nguyễn Thị Huyền (Từ Sơn, Bắc Ninh) không ngừng lau nước mắt khi ngồi bên cạnh người thân. Chồng chị - anh Mạnh vừa rời bỏ chị và bốn đứa con bơ vơ trên cõi đời này hơn 5 tháng qua. Ngày anh tử nạn, 25/7/2020, hai cậu con trai sinh đôi của anh chị mới 15 tháng, ra vào viện như cơm bữa.

Chỉ vài giờ trước khi gia đình chị rơi vào bi kịch, hai con trai của chị đang ốm trực chờ đi viện. Trước khi đi làm, anh Mạnh chỉ nói với vợ: Anh đi để kiếm tiền không năm mẹ con ở nhà chết đói. Thế rồi anh không về nữa.

“Tôi ân hận nhất là anh gọi nhiều cuộc điện thoại nhưng vì con ốm, tôi không thể nghe được. Cuộc gọi nhỡ cuối cùng 10 giờ đêm”, chị Huyền kể. 11 giờ đêm ngày 25/7, chị đã ngất khi nghe tin chồng mình tai nạn ngay gần nhà và không thể qua khỏi. Hai đứa con ốm đau đang chuẩn bị sẵn túi đi viện. Nếu chị gục ngã, ai sẽ chăm con? Nén nỗi đau của sự vĩnh biệt, hôm sau chị lần lượt đưa từng đứa con vào viện để điều trị viêm đường hô hấp dưới.

Mọi việc tại BV Việt Đức, chị gái chị đứng ra lo liệu. Nhìn bốn đứa con thơ dại, hai đứa còn ngây ngô chưa nói tròn vành rõ chữ, chị Huyền kìm chặt nỗi đau tận đáy lòng, gật đầu với gia đình ký đơn hiến tạng.

“Tôi chỉ mong được nhìn thấy trái tim của chồng còn sống, mong được gặp những người đang mang một phần cơ thể chồng mình khỏe mạnh, để cho con tôi được cảm nhận trái tim của bố, cảm nhận bố còn sống”- chị Huyền nói trong nghẹn ngào.

Được sự uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Y tế, GS.TS Trần Bình Giang trao trăng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ Y tế truy tặng cho 22 người hiến tạng.

BV Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, nơi tiếp nhận và điều trị các trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương, chủ yếu do tai nạn giao thông và những trường hợp bệnh lý nặng, phức tạp.

Đội ngũ chuyên gia về ghép đa tạng của BV Việt Đức có trình độ chuyên môn hàng đầu tại Việt Nam, ngang tầm với các trung tâm ghép tạng tại các nước trong khu vực, thực hiện ghép nhiều tạng khác nhau như: ghép thận, ghép tim, ghép gan, ghép van tim, ghép gân, mạch máu.

Những năm qua, tại BV Việt Đức đã có 1.100 người bệnh được ghép thận, 90 ca ghép gan, 34 người ghép tim và năm người bệnh được ghép phổi. Tất cả người nhận tạng ghép đều đang sống khỏe mạnh, nhờ vào tạng hiến của người cho chết não.

Dịp này, Bộ Y tế đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho 22 người hiến tạng.


Thái Bình
Ý kiến của bạn