Nhớ mùa tựu trường...

09-09-2019 06:22 | Y tế
google news

SKĐS - Đã xác định phải thi đỗ trường y thì 3 năm cấp III là trùng trùng gian khổ.

Học trên lớp vẫn phải duy trì có tên trong nhóm đứng đầu. Nếu để trượt danh hiệu học sinh tiên tiến thì sẽ rất khổ với bố tôi - người luôn coi thành tích học tập của con cái như gia sản duy nhất mà ông có. Tôi cần mẫn học tiếng Nga - thứ tiếng có ngữ pháp khó kinh hoàng. Tôi vẫn học văn giỏi, học vật lý khá. Ngoài ra là các môn khối B toán - hóa - sinh phải đầu tư đặc biệt.

Tân sinh viên Trường đại học Y Hà Nội nhập học năm học 2019 - 2020.

Tân sinh viên Trường đại học Y Hà Nội nhập học năm học 2019 - 2020.

Ai ở thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước đều nhớ những lớp học thêm luyện thi đại học. Lớp 10 thì còn ngơ ngác, anh có học anh không nhưng đến lớp 11-12 rồi thì ầm ầm đi học. Tôi chẳng nhớ mình học bao nhiêu lớp, lúc đạp xe, lúc đi bộ trên biết bao con đường để học thêm. Tôi học thêm sinh thầy Chung ở Quang Trung, Kim Liên. Học hình, học đại cùng với bạn cấp 3 ở Hàng Cân, Lò Đúc. Bố tôi lại xin được vào lớp luyện môn sinh của thầy trường Quân Y, thế là lại một lớp tận phố Phủ Doãn. Nhà có 4 anh em học chỉ cách nhau 1 - 2 năm. Quần áo, cặp sách, xe đạp cứ truyền từ cao xuống thấp. Ông anh đi học ở Liên Xô để lại cho tôi vài bộ quần áo khá tươm. Nhưng đi học nhiều, đá bóng, đá cầu cũng làm chúng nát bét, mẹ phải vá hoặc mạng bằng máy khâu. Đi học thêm là phải đi bộ hoặc nhờ bạn đèo, 4 đứa chúng tôi chỉ có 2 xe đạp. Chị tôi đi học sáng, chiều tôi mới có tiêu chuẩn dùng xe đạp. Tuổi 15 - 16, tôi đi bộ khắp nơi để đi học không thấy mệt. Có chăng là những hôm mưa bão, gió mùa đông bắc. Chặng đường đi học khổ như cô bé trong truyện “Cô bé bán diêm”. Rét thấu xương vì thiếu quần áo, thiếu ăn. Mảnh áo tơi không ngăn nổi nước mưa ướt sũng quần áo, chiếc nón lấy bừa của mẹ đội đi học không che đủ mái đầu. Một cơn gió quật ngang, chiếc nón bay xuống sông Tô Lịch chẳng thể thu hồi. Tủi thân, thương mẹ vô cùng. Đói ăn, thiếu thịt và trứng cũng hành hạ các sĩ tử chúng tôi từ năm này qua năm khác. Ăn sáng là tất cả những gì nhà có: cơm rang với dưa chua, quả chuối, kẹo lạc, nếu ăn bánh mỳ thì mỗi người cũng chỉ được nửa chiếc. Mùa Trung thu, mẹ tôi gom lại bánh Trung thu bệnh nhân biếu bố để thay quà sáng cho 4 đứa con. Thứ quà sáng chán ngấy, ngọt sắc ấy khiến tôi sợ bánh nướng, bánh dẻo đến tận bây giờ. Mỗi kỳ thi học kỳ, bố tôi đều bảo mẹ cho mỗi sĩ tử của gia đình 1 quả trứng/ngày. Nếu ăn vã thì khỏi ăn cơm. Thế  là cố gắng lắm rồi với một gia đình bác sĩ đông con thời bao cấp. Việc học cũng không thể như thời nay. Mất điện buổi tối như cơm bữa. Bàn học đạt chuẩn là chuyện xa xỉ. Bố tôi vốn thích chiếu sáng tốt nên có hệ đèn bão, đèn Hoa Kỳ đủ cả để phòng khi mất điện. Một chiếc ghế đẩu quay ngang, đặt lên một tấm ván ông lượm từ bệnh viện về cũng làm nên chiếc bàn học của tôi. Tối tối, 3-4 đứa con của ông ngả sách vở ra học trong cảnh mất điện như lớp “bình dân học vụ” ngày xưa. Ở lớp cấp 3, học thêm hay ở nhà đều không có quạt. Đèn chiếu sáng chỉ thắp lên khi không ai nhìn được gì nữa. Năm cuối rồi, sau khi ghi nguyện vọng tuyển sinh, các sĩ tử lao vào trận cuối sinh tử. Một ngày tôi ngang dọc tới 3-4 lớp học thêm khác nhau. Thứ 7, chủ nhật là làm thử đề tại các trung tâm luyện thi. Tôi được ăn nhiều hơn vì phải thi vào Trường Y, bố mẹ và chị em gái nhường cho tôi tất cả những gì tốt nhất. Thế nhưng cũng thấy mình hơi đuối khi chọn trường điểm cao nhất khối B bấy giờ. Kệ thôi! Không thể quay đầu được nữa rồi. Năm đó may sao Trường Y tăng chỉ tiêu cho đào tạo đa khoa, điểm đầu vào thấp hơn hàng năm 1,5 điểm, vừa đủ để tôi vào trường. Sau những tháng ngày khắc khoải đợi chờ kết quả thi,một buổi trưa hè, bố tôi về nhà buổi trưa. Nét mặt của ông trùng giãn và đáng yêu hơn bao giờ hết, ông mắng yêu “thằng Cương đạn bắn sát đầu, thôi may mà cũng qua”. Ông mang về cho tôi phiếu báo trúng tuyển Trường Y. Buổi chiều, trong cái rổ đi chợ của mẹ hàng ngày có chú vịt kêu quàng quạc, nồi măng luộc vịt thơm phức, cả nhà liên hoan mừng cho tôi, sung sướng biết bao!

Ngày nhập trường rồi cũng đến - ngày 3/10/1986 - ngày có tiết thu đẹp đến nao lòng. Lòng tôi cũng phấn chấn không kém gì cảnh sắc rực rỡ hôm đó. Chiếc xe đạp đã được tự tay tôi sơn lại. Để dành chiếc áo bay Liên Xô (áo quân nhân của nước bạn thời đó) đã lâu tôi đem ra diện với chiếc quần bộ đội K82. Cổng Trường Y có hàng bạch đàn cao vút, trắng phau đón 320 tân sinh viên Y1. Ở giảng đường chính diễn ra lễ khai giảng, sau đó là phân lớp, chia tổ diễn ra nhanh chóng. Tôi làm quen với các bạn đại học đến từ mọi miền của đất nước. Về nhà, mẹ đã đón tôi bằng cơm canh dưa nấu với lạc giã nhỏ. Tôi luyên thuyên với mẹ về trường lớp, bạn mới và ăn cơm. Hôm đó, tôi ăn tận... 6 bát vì mẹ tôi đã thầm đếm sau mỗi lần xới. Bà mắng yêu: tao xới 6 lần mỏi tay lắm rồi!

Vài cơn gió hây hẩy, những bóng lá tung tẩy ngoài hiên, nắng vàng xuộm trải bạc lấp lánh trên mặt hồ. Hoảng hốt vì thời gian trôi quá nhanh! Nó kéo trôi tuột của ta biết bao người thân, bao gian khổ phấn đấu, những yêu thương và tự hào trôi về miền ký ức. Nguyện sống cho xứng đáng với ngày xưa, bố mẹ ở trên cao soi xét!


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn