Và ngày 30/6/1976, Nhà Văn hóa Trung ương ra đời với chức năng tổ chức và hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa quần chúng của cả nước, tọa lạc ở một trong những địa điểm đẹp nhất Hà Nội ngay cạnh bên Hồ Gươm, nơi góc hai con phố Hàng Trống và Lê Thái Tổ. Ông Phùng Xuân Bính, người đang giữ trách nhiệm phụ trách Tổ Văn hóa kiêm Bí thư chi bộ Vụ Văn hóa quần chúng và Thư viện - Bộ Văn hóa được cử sang giữ chức vụ Giám đốc Nhà Văn hóa Trung ương ngay từ khi thành lập cho đến mãi năm 1992 quá tuổi nghỉ hưu mất mấy năm.
Có thể nói, việc ra đời của Nhà Văn hóa Trung ương là một bước ngoặt với sự nghiệp văn hóa quần chúng. Đây là cơ quan với chức năng hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa quần chúng của cả nước bên cạnh cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về văn hóa quần chúng là Vụ Văn hóa quần chúng và Thư viện rồi sau được đổi thành Cục Văn hóa quần chúng, cả nước đã dấy lên phong trào thành lập hệ thống nhà văn hóa, từ tỉnh thành đến quận huyện và phường xã, rồi lan ra khắp tất cả các ngành, giới...
Ông Phùng Xuân Bính (ngồi bên phải), Phùng Quán (thứ hai từ phải qua), Quang Huy (hàng đứng thứ nhất từ trái qua, tại hội nghị Nhà văn hóa xã Cổ Loa 1982.
Nhà Văn hóa Trung ương huy động và tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng chọn lọc từ các nơi trong cả nước phục vụ thắng lợi tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, là tiền đề cho các hoạt động tiếp theo mang tầm vóc toàn quốc như: Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Liên hoan những giọng hát hay và những tay đàn giỏi, Liên hoan kịch ngắn kịch vui, Liên hoan những đôi nhảy đẹp, Liên hoan hát về biển (cho các tỉnh, thành phố có biển), Liên hoan hát về rừng (cho các tỉnh miền núi, dân tộc), Liên hoan hát về Thủ đô thân yêu, Liên hoan hát về Hẹn hò chín dòng sông (cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) và tiếp theo là Liên hoan ca khúc chính trị với sự phối hợp của Tổng công đoàn Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam với Bộ Văn hóa. Đặc điểm của liên hoan này là không thể chỉ nói đến một diễn viên xuất sắc, đến một người chơi đàn giỏi mà luôn luôn phải nghĩ đến hiệu quả của tính đồng bộ.
Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất là Liên hoan Tiếng hát làng Sen. Tiếng hát làng Sen khởi đầu từ Nghệ Tĩnh, quê hương Bác vào năm 1982, ban đầu chỉ hẹp trong tỉnh, rồi tiếp là những tỉnh, thành phố có liên quan nhiều đến Bác Hồ như Bắc Thái, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Thuận Hải, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trải qua một phần tư thế kỷ, Trung ương cùng địa phương Nghệ Tĩnh (sau là Nghệ An) đã liên tục mỗi năm một lần hoặc 2, 3 năm một lần, tới nay đã tổ chức được tới 24 lần liên hoan với sự tham gia của hàng trăm đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước.
Dựa vào cách làm và có sự gợi ý, động viên của Nhà Văn hóa Trung ương, sau đó đã có nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thêm những cuộc liên hoan mang đặc thù riêng của địa phương như Thái Bình có Liên hoan tiếng hát chèo hay, Hà Tuyên có Tiếng hát Tân Trào, Huế có Giai điệu tháng ba (thời điểm giải phóng các tỉnh miền Trung), Tây Nguyên có Nơi gặp gỡ Cao Nguyên, các tỉnh miền Trung có Biển hát, các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc có Sơn ca...
Nói tới Nhà Văn hóa Trung ương hẳn không thể không nhắc tới sự cộng tác chặt chẽ của các cộng tác viên, với những tên tuổi gắn bó ngay từ những ngày đầu như nhạc sĩ Tân Huyền, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Nguyễn Cường, Đặng Nhất Mai, Lê Đăng Hòe... Những ca sĩ không chuyên nổi lên qua hoạt động văn nghệ trong các nhà văn hóa được cả nước biết tới như Huy Túc, chàng công nhân Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo - Hà Nội, như Thùy Dương, cô giáo mỏ địa chất, hay Kim Sinh, kế toán của Công ty Nhà Hà Nội, Ngọc Yến, nhân viên du lịch TP. Hồ Chí Minh, Tân Hoa, bác sĩ nhi Bệnh viện Huế, Mai Lan, công nhân Nhà máy tuyển than Quảng Ninh... luôn sát cánh cùng các hoạt động của Nhà Văn hóa. Cùng với đó là những nhà văn, nhà thơ như Phùng Quán, Quang Huy, Hoàng Quốc Hải... từng một thời là “lính” của Nhà Văn hóa, thường xuyên có mặt trong các hoạt động của Xe Văn hóa, luôn có mặt cùng các anh chị em văn nghệ phục vụ đồng bào và chiến sĩ không chỉ những nơi xung yếu mà còn ngay trên chiến tuyến Lạng Sơn những ngày nổ ra chiến tranh biên giới. Và còn là những người hướng dẫn múa như Kỳ Thanh, Ngọc Hiệp, là diễn viên Văn Hiệp...
Năm 1985, nhận lời mời của Ban tổ chức Liên hoan quốc tế, đoàn nghệ thuật quần chúng do ông Phùng Xuân Bính làm trưởng đoàn đã tham gia Liên hoan nghệ thuật không chuyên các nước xã hội chủ nghĩa nhân kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng phát xít (1945-1985) tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Với 19 tiết mục có sự chuẩn bị dàn dựng kỹ càng, công phu chủ yếu dựa trên các làn điệu dân ca, dân vũ đậm tính dân tộc kết hợp các tiết mục hiện đại được dàn dựng theo 3 nội dung: Những bài ca chiến đấu, Huyền thoại trăng mùa thu, Mời bạn đến thăm Việt Nam - quê hương tôi. Dù theo sắp xếp thời gian biểu diễn của đoàn chỉ gói tròn trong vòng 25 phút nhưng theo yêu cầu của khán giả chương trình của đoàn phải kéo dài tới hơn 40 phút vì một số tiết mục của đoàn phải diễn đi diễn lại mấy lần. Kết thúc chương trình biểu diễn đã có rất nhiều bạn Đức lên sân khấu tặng hoa, tặng nhẫn, xin chữ ký và ghi địa chỉ... Sau đó đoàn còn được mời sang giao lưu tại các nước Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ).
Trong các thành tích đã đạt được của Nhà Văn hóa Trung ương, công sức có từ nhiều người nhưng người không thể thiếu, đó là ông Giám đốc Phùng Xuân Bính, người đã lăn lộn, gắn bó hết mình cho các hoạt động của Nhà Văn hóa.