Nhớ một thời hoa lửa - Quảng Trị năm ấy

27-07-2012 15:12 | Xã hội
google news

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị (1972- 2012), lớp Cựu sinh viên - Chiến sĩ chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa. Chúng tôi vốn là lớp sinh viên Trường Đại học Y - nhập ngũ ngày 6/9/1971,

(SKDS) -  Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị (1972- 2012), lớp Cựu sinh viên - Chiến sĩ chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa. Chúng tôi vốn là lớp sinh viên Trường Đại học Y - nhập ngũ ngày 6/9/1971, cùng đợt với Nguyễn Văn Thạc, Đinh Thế Huynh, Hoàng Nhuận Cầm - sinh viên Trường Đại học Tổng hợp và rất nhiều sinh viên các trường đại học khác. Đợt đó, sinh viên các trường đại học nhập ngũ khá đông, tập trung hẳn thành một trung đoàn sinh viên tân binh. Riêng Trường Đại học Tổng hợp nghe đâu đã phiên chế thành một tiểu đoàn. Trong số những sinh viên ở Đại học Tổng hợp cùng tôi huấn luyện ở Tân Yên và Yên Thế hồi đó có Nguyễn Văn Thạc, người đồng đội đã để lại trong tôi khá nhiều dấu ấn và kỉ niệm của đời quân ngũ.
 
Sau hơn 3 tháng luyện tập, trung đoàn sinh viên tân binh hồi đó phần lớn đều vào Quảng Trị - chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ để tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị hè năm 1972. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Quảng Trị là chảo lửa tiếp tuyến giữa hai miền Nam - Bắc, nơi đụng độ quyết liệt giữa ta và địch. Nhà báo Thanh Tùng (phóng viên chiến trường Quảng Trị lúc đó) ước tính rằng, cứ mỗi mét vuông đất ở Quảng Trị phải hứng chịu 250kg bom, đạn pháo. Số lượng đạn bom của kẻ thù dội xuống Quảng Trị có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Tính riêng ở Thành cổ, trung bình một chiến sĩ giải phóng phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo.
 
Có ngày địch nã vào Thành cổ 5.000 quả đại bác, vài chục lượt B52 quần đảo. Báo Phố Wall (Mỹ) đã từng viết: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52 - không một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ”. Đúng như vậy, khi đó những người lính trong đó có lính sinh viên chúng tôi vẫn vô tư, tràn đầy nhiệt huyết, chẳng hề so đo tính toán thiệt hơn. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Từ lớp người được gọi là “dài lưng tốn vải” những người lính chúng tôi sẵn sàng chịu đựng gian khổ, kiên cường bám trụ dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, gìn giữ và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng cho Tổ quốc. Tôi còn nhớ, một cựu chiến binh Thành cổ người Quảng Trị - ông Nguyễn Trọng Bường đã rưng rưng hồi tưởng lại trong Lễ trao Kỷ niệm chương bảo vệ thị xã Thành cổ được tổ chức ngày 22-12-2006 tại Hà Nội: “Hồi đó, thấy mấy anh từ Bắc vô, anh nào cũng trắng trẻo, thư sinh, đẹp trai, nhìn mấy anh tụi tui thấy tiếc, cứ nghĩ những người như mấy anh phải đi học, phải là bác sĩ, kỹ sư để xây dựng đất nước chứ răng lại vô đây cầm súng chiến đấu?”.

Sau này, mãi ba mươi lăm năm sau, tôi mới tìm lại được Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn của mình, cũng là người giới thiệu tôi vào Đảng, hiện đang công tác ở Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ. Niềm vui chan nước mắt, tôi vẫn ngập ngừng khiêm nhường chào thủ trưởng mà tưởng như đang đứng giữa hàng quân ba mươi lăm năm về trước. Người đại đội trưởng năm nào nay tóc mây mướt gió, tâm hồn nghệ sĩ, thấp thoáng bóng dáng của tài tử hào hoa, sống chan hòa vào cỏ cây hoa trái của bình dị đời thường. Chúng tôi đều trở về từ Thành cổ Quảng Trị, mỗi người một vị trí khác nhau nhưng cùng có một điểm chung, đó là tuổi tác và thời gian không thể xóa nhòa được dư âm hào sảng của năm tháng chiến trường gắn bó bên nhau, vào sinh ra tử, với tâm hồn trong sáng, vô tư và tình yêu cuộc sống thiết tha của một thời Sinh viên - Chiến sĩ.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các cựu chiến binh tiêu biểu chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh chụp tại Phủ Chủ tịch ngày 27/6/2012).
Lại nói về người đồng đội Nguyễn Văn Thạc, sở dĩ tôi quen Thạc vì Thạc có người bạn cùng học thời phổ thông là sinh viên trường y cùng đơn vị huấn luyện với tôi. Thạc sang thăm bạn và chúng tôi quen nhau từ đó. Chúng tôi vẫn gặp nhau trên sân bóng, bên cạnh là đồi hoa sim tím bạt ngàn. Ấn tượng của tôi lúc đó về Thạc là một anh chàng giỏi văn thơ và có nụ cười hiền dễ gần, dễ mến. Ngay lần gặp đầu, Thạc đã đọc cho chúng tôi nghe một đoạn thơ của nhà thơ nào đấy nói về tình bạn và cây bạch đàn “Da bàn tay thường chạm với da cây; Khuôn mặt người chạm vào mặt lá; Rừng cây ơi, bạch đàn kỳ lạ quá; Không có những ngày này hồ dễ đã quen nhau...”. Khi đó, tôi đã nghĩ, anh chàng mơ mộng này chắc có những kỷ niệm sâu sắc về cây bạch đàn và chắc chắn liên quan đến hình bóng một cô gái nào đó. Sau này, khi có dịp đọc lại nhật ký của Thạc trong tập “Mãi mãi tuổi hai mươi” thấy nhiều đoạn bạn nhắc đến bạch đàn: “...Cây bạch đàn ta yêu ta quý. Cây bạch đàn chép lại cho ta một thời thơ ấu đầy chất thơ, và say nồng mùi cỏ mật. Bạch đàn ơi, chạy theo anh nhé, chạy theo tàu của anh và sống mãi với anh. Khi anh nằm xuống, bạch đàn hãy rủ lá, run rẩy và ru cho anh ngủ. Cây bạch đàn cứ cao lớn với đời, cứ hát cho đời bài ca về thầy giáo và cô học trò giỏi...”.
 
Những đoạn bạn nhắc đến cây bạch đàn đều gắn với hình bóng một cô gái. Đến giữa cuốn nhật ký, điều này đã được khẳng định, qua hình bóng những cây bạch đàn và người bạn gái Như Anh của Thạc. “Ta nhận ra rừng bạch đàn. Những cây bạch đàn lá to và ngắn hơn bạch đàn ở nhà, ở Quế Võ, Hà Bắc. Ừ nhỉ, đến đâu cũng gặp bạch đàn thôi. Ở đâu, đi đâu, đến đâu, và nhớ gì, ta đều nhớ đến Như Anh”. Tôi chẳng biết Như Anh, nhưng cứ nghĩ vẩn vơ, bạn Thạc thật hạnh phúc, vì sinh viên lúc đó mà có người yêu thì là cả một điều mơ mộng.

Tháng 8/1972, đang ở chiến trường Quảng Trị thì biết tin Thạc đã hy sinh, điều tôi nhớ đầu tiên và nhớ mãi sau này là người bạn tài hoa - cây bạch đàn đã ra đi. Chiến tranh thật khốc liệt, chẳng biết thế nào, mọi chuyện đều có thể xảy ra và chỉ có thể lý giải là do số mệnh. Như trường hợp của tôi, tôi vẫn nhớ mãi một kỉ niệm, khi tôi còn là tân binh của Trung đoàn 18 chiến đấu ở phía Nam Thành cổ Quảng Trị. Một lần lên trung đoàn báo cáo tình hình và lĩnh quân trang bổ sung, để vào được bên trong trung đoàn bộ, tôi phải len lỏi theo đường hào từ bờ sông Lam Thủy. Xong việc ra về thì Chủ nhiệm Hậu cần Ngô Thản giật giọng gọi: “Triệu! Vào uống nước!” và được Chủ nhiệm “chiêu đãi” một điếu thuốc Tam Đảo. Vừa ngồi được một lúc thì B52 ập đến rải thảm. Đoạn đường mà lẽ ra tôi phải trở về đơn vị đã bị bom B52 cày nát, không còn một cành cây, ngọn cỏ. Nếu như không ngồi lại hút điếu thuốc Tam Đảo thì chắc chắn, giờ đây tôi cũng đã mãi mãi nằm lại bên bờ sông Lam Thủy.

Mãi sau này, khi còn là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, tôi được biết gia đình Thạc đã đưa bạn về quê, yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm. Nhớ lại ước nguyện cuối cùng của Thạc, vào một sáng mùa hè năm 2005, sau ba mươi tư năm, kể từ ngày những sinh viên trẻ măng rời Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị khói lửa năm ấy, tôi mới có dịp đến trồng bên mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hai cây bạch đàn - loài cây mà Thạc yêu thích, được nhắc tới nhiều lần trong những trang nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Tôi đã thực hiện được lời tâm nguyện của bạn “Khi anh nằm xuống, bạch đàn hãy rủ lá và ru cho anh ngủ...”.

Là đồng đội nhập ngũ cùng ngày với Nguyễn Văn Thạc, nhưng may mắn hơn, tôi đã có cơ hội đi tiếp vào “chảo lửa” Quảng Trị, có mặt trong 81 ngày đêm khốc liệt và hùng tráng của Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Sau nhiều lần may mắn vượt qua cái chết, trong một đợt pháo kích và không kích dữ dội của địch vào đội hình đơn vị bên bờ sông Lai Phước, tôi đã bị thương ở ổ bụng và được những đồng đội chuyển về tuyến sau.

Hàng năm, cứ đến ngày 6/9, ngày lớp sinh viên trẻ rời giảng đường đại học vào tuyến lửa, các đồng đội cũ lại gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm chiến trường, hàn gắn điều gì đó cho đồng đội, cho những người đã hy sinh. Chất lính trong sáng, vô tư, táo bạo, quyết liệt, kiên định và sâu nặng nghĩa tình luôn toát lên trong tâm thức và hành động của mỗi người. Vậy đó, chính lớp Chiến sĩ - Sinh viên ấy đã làm nên trang sử hào hoa trong khúc ca bi tráng của Thành cổ Quảng Trị. Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi nói về những người lính Thành cổ đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.

Cho đến nay, chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu người lính đã nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị. Có tài liệu ghi hơn một vạn, có tài liệu ghi hơn một vạn rưỡi, nhưng tại nghĩa trang xã Hải Phú nơi qui tập của sư đoàn tôi (F325) chỉ qui tập được chưa đầy một nghìn nấm mộ, hầu hết là vô danh. Biết bao chiến sĩ trẻ vừa rời giảng đường đại học đã mãi mãi nằm lại trong đống đổ nát của Thành cổ và cả dưới dòng sông Thạch Hãn. Máu xương của hơn một vạn người lính đã nằm xuống Thành cổ ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Nhiều người trong lớp sinh viên vào tuyến lửa năm ấy may mắn được trở về cứ mãi đau đáu với nghĩa tình đồng đội, lao vào cuộc chiến đấu mới trong công cuộc xây dựng đất nước, gánh cả phần việc của những đồng đội đã hy sinh. Biết bao người lính cùng thế hệ ấy đã không về. Nếu không có chiến tranh, hẳn họ cũng đã là những hiền tài của đất nước.

Và cũng chính trong những giờ phút đối mặt với cái chết, đối mặt với thử thách khốc liệt ấy, tôi cùng đồng đội Trương Xuân Hương đã vinh dự được kết nạp Đảng tại mặt trận của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ (ngày 25/8/1972). Đó là hai chiến sĩ tiêu biểu của Đại đội 24 Trung đoàn 18, được chọn lựa sau thử thách một chiến dịch ác liệt. Lễ kết nạp Đảng tổ chức ngay trong một căn hầm dã chiến ở thôn An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Giờ phút thiêng liêng trước Đảng kỳ năm đó mãi in sâu trong tâm trí tôi: “Đồng đội ơi, sao đồng đội không về/ Vinh dự thế mà lòng son máu ứa/ Trên nóc hầm vẫn gầm gào đạn nổ/ Ôm súng xông lên sau phút thiêng này”, một nhà thơ đã viết như thế.

*

*                    *

Đã 40 năm trôi qua, trang sử bi hùng của những ngày đêm máu lửa ở Thành cổ Quảng Trị vẫn trào dậy trong ký ức của những Cựu chiến binh - Người lính - Sinh viên hào hoa mà trung kiên năm ấy. Những dòng hồi ức vẫn nóng hổi và tràn đầy trong ký ức của người lính binh nhì năm xưa mà chúng tôi có dịp ghi lại trong buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị... Kỷ niệm của một thời hoa lửa ấy được người cựu chiến binh luôn trân trọng, gìn giữ và tự hào. Gặp ông - nguyên Chủ tịch Thành phố Hà Nội, vị Bộ trưởng Y tế của một thời, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu - người ta cảm nhận không khí ấm cúng gần gũi và thân thiết. Có lẽ bởi nụ cười hiền lành luôn thường trực trên khuôn mặt của ông. Người ta không thấy cái vẻ quan cách, đường bệ khi tiếp chuyện ông. Ông cười thật tươi khi ôn lại kỉ niệm chiến trường với chúng tôi. Những người lính năm xưa đầu đã bạc trắng, say sưa đọc lại cho nhau nghe những bài thơ một thời luôn nằm trong hành trang người lính và trở thành nguồn động viên tinh thần vô giá đối với họ:

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình thương em gái

                           (Màu tím hoa sim – Hữu Loan)

Hết nhiệm kỳ rời ghế Bộ trưởng, ông thanh thản như “người nông dân cày xong thửa ruộng”. Thanh thản bởi ông đã làm hết trọng trách trên từng cương vị công tác của mình. Dù việc này việc kia, chỗ này chỗ khác còn chưa được trọn vẹn, như ý... nhưng ông đã sống xứng đáng với tư cách của người lính năm xưa, xứng đáng với bạn bè và đồng đội của ông - những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, hiến dâng tuổi thanh xuân đẹp nhất cho đất nước.

Hiện tại, ông được giao làm Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Vị cựu Bộ trưởng cười vui khi nói với chúng tôi rằng “Sức khỏe của con người là vốn quý nhất!”. Trên bàn làm việc của ông là Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ mà ông trân trọng gìn giữ. Ông nói, đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời dù sau này ông còn được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng khác. Ông rất thích đọc sách, nhất là những cuốn hồi ký, nhật ký của đồng đội ông viết về những kỷ niệm sâu sắc trong đời quân ngũ. Ông như tìm lại được chính mình, được sống lại những ngày tháng rực lửa hào hùng đó. Bên cạnh chồng tư liệu dày cộp trên bàn làm việc của ông, chúng tôi thấy cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - một cuốn sách nổi tiếng đã từng làm lay động trái tim bao độc giả trẻ tuổi cả nước, trong tủ sách: “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nhà xuất bản Thanh Niên. Tiễn chúng tôi ra cửa, ông lại trở về với lặng lẽ đời thường, lòng không một chút vướng bận riêng tư.
 
Với ông, dù ở đâu, làm gì, dù ở cương vị công tác nào ông vẫn luôn hết mình với công việc như người lính dũng cảm năm xưa thanh thản bước vào cuộc chiến đấu dù biết rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Người thương binh ấy cũng như bao đồng đội khác đã may mắn trở về, được sống trong hòa bình để tiếp tục làm nốt những dự định, hoài bão còn dang dở, thực hiện những ước mơ ấp ủ của bao đồng đội đã ngã xuống. Với ông, được bù đắp, được chia sẻ để làm vợi đi nỗi đau, mất mát của những người mẹ, người vợ là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó có những người lính ngày hôm nay. Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết tham gia chương trình Về lại chiến trường xưa, tri ân đồng đội cũ là những việc mà ông và đồng đội dự định sẽ làm trong tháng 7 đầy kỉ niệm này. Chúc ông luôn đạt được những dự định tốt đẹp cho tương lai!

Nguyễn Quốc Triệu (Cựu Chiến binh Quảng Trị)

Ngọc Anh
(Ghi chép tại buổi gặp mặt Sinh viên - Chiến sĩ nhân Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị (29-30/4/2012) của E 18.F325, đơn vị cũ của TS. Nguyễn Quốc Triệu - Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương).

Ý kiến của bạn