Nhớ một Tết về làng với họa sĩ Xu Man

01-02-2017 08:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Ây dà, Hùng, chủ nhật này xuống làng tui nhé. Làng có việc vui đấy”.

“Ây dà, Hùng, chủ nhật này xuống làng tui nhé. Làng có việc vui đấy”.

“Chủ nhật này” tức là 28 Tết.

Nhưng là ông già Xu Man rủ, một người Bahnar mà tôi rất quý, tôi học được ở ông rất nhiều về Tây Nguyên và tôi biết, ông cũng tin tôi, một thằng có vẻ lông bông trong một tập thể ngăn nắp. Bởi thời ấy, cơ quan tôi phần lớn là bộ đội chuyển ngành, sống rất quy củ, sáng dậy sớm hô nhau thể dục tập thể, chiều về sớm nuôi lợn trồng rau, đứng ngắm lợn đắm đuối hơn ngắm… người tình, tóc ba phân, râu ria nhẵn nhụi. Còn tôi, mới tốt nghiệp đại học, trẻ măng, tóc dài quần loe áo chẽn, đã thế lúc người ta dậy xếp hàng điểm danh thể dục thì mình ngủ, lúc người ta quần đùi áo cộc chân tay lấm lem trồng rau nuôi heo thì mình ngồi cà phê hoặc nhậu, lúc người ta ngủ thì mình... đọc sách, không lạc lõng mới lạ. Nhưng ông Xu Man lại quý, ông hay rủ sang phòng ông uống rượu lúc chiều xuống, bên đống lửa ông đốt giữa phòng. Mồi là su su luộc, có khi là con tắc kè ông bắt từ... hôm qua, cũng có khi là cục xương heo hầm ông gặm dè từ hôm trước... và lần này thì ông rủ về làng.

Thì về thôi, Tết này tôi không có kế hoạch về nhà ăn Tết. Biết là bố mẹ mong, nhưng thời ấy mua vé Tết khó vô cùng, với lại ai cũng nghỉ phép để về Tết thì tôi để dành đến hè (hồi ấy Tây Nguyên vẫn có chế độ trực rất nghiêm), vì thế, Tết, tôi một mình ở nhà tập thể. Có lẽ vì thế mà ông Xu Man rủ tôi về làng, tránh cho tôi những ngày lủi thủi.

5 giờ sáng thì chúng tôi bắt đầu lên yên. Là xe đạp thôi. Hồi này có xe đạp mà đạp là oách rồi. Tôi thì lần đầu tiên đạp, còn ông Xu Man thì thường xuyên, tháng ít nhất 2 lần. Có ông họa sĩ Huỳnh Văn Thuận nữa, già rồi, về hưu rồi nhưng mùa khô nào cũng từ Hà Nội bay vào rồi mượn xe đạp xuống làng Xu Man. Có khi 2 ông chở nhau trên một xe, cứ khục khặc đạp, khắc đi khắc đến... Khục khặc là tôi tả đúng cái tiếng xe hồi ấy. Xe cũ và rệu rạc, một vòng đạp tới thì lại phải nửa vòng đạp lui, chưa kể xích liên tục tụt, tay như tay thợ hàn vì liên tục phải sửa xe, lắp xích...

Ông Xu Man là họa sĩ, khi tôi về nhận việc ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum thì ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ nhỏ ông đã vào rừng oánh Pháp, rồi ra Bắc học Cao đẳng Mỹ thuật, rồi lại về quê oánh nhau và vẽ tranh cổ động, sau năm 75 lại ra Bắc học tiếp đại học... Cứ thế, ông trở thành họa sĩ nổi tiếng nhất Tây Nguyên thời ấy. Nhưng điều lạ là, dù đã ở Hà Nội rất lâu, cả sang Nga nữa, mà ông chả khác một ông già Bahnar tẹo nào. Thậm chí còn... Bahnar hơn họ. Từ cái cách ăn mặc rất lôi thôi và... ít giặt, không bao giờ ủi đồ, đến cái cách thích đi chân không hơn đi dép, thích đốt lửa trong phòng, thích nướng các thứ bắt được như tắc kè, chim, chuột... trên lửa rồi nhậu. Nói tiếng Việt rất khó và khi nào nói khó quá, thiếu từ thì ông cười, hềnh hệch cười, lộ ra hàm răng cửa đã cà sát lợi. Và cứ hở ra là ông... về làng.

Hồi ấy nghèo lắm, đói triền miên. Ông Xu Man chả có đồ đạc gì trong phòng. Đâu khoảng năm 82-83 gì đó, GS. Từ Chi dẫn nhà Dân tộc học nổi tiếng người Pháp Condominat đến thăm ông. Tất nhiên là các thủ tục thời ấy rất cam go để một ông “Tây” dẫu là Tây đã ở và lấy vợ Buôn Ma Thuột, có thể tiếp cận hoạ sĩ Xu Man. Tôi được phân vào ban... lễ tân, làm cố vấn cho Xu Man tiếp khách. Phòng hành chính lên nhà trưởng ty (cũng ở trong khu tập thể) khuân đồ đạc xuống, từ giường, ghế, bàn, ri-đô, phích, ấm chén… bày trong phòng ở của ông. Tôi được cấp tiền mua 2 gói thuốc Du lịch và... bày ông cách mở thuốc (ông nghiện thuốc nặng nhưng chưa bao giờ được mở một bao thuốc có đót. Thuốc ông hút là thuốc lá trồng lấy trong rẫy, tự thái lổn nhổn như rau lợn, nhồi vào ống tẩu bằng tre, khét mịt khét mù). Hôm ấy, tôi phải bày ông cách mở, cách làm sao để chứng minh với khách là hàng ngày ông toàn hút thuốc này, hút no hút chán thì thôi. Khi Condominat vừa đi thì cả phòng hành chính lại xúm vào khiêng đồ đi trả. Mà thực ra thì ông GS. Từ Chi và Condominat còn “bụi” bằng mấy lần Xu Man, hồi ấy chưa hiểu, cứ nghe giáo sư là khiếp, giáo sư ta đã khiếp chứ huống gì giáo sư Tây. Ngay cử nhân ở Ty Văn hoá đếm còn chưa hết một bàn tay... Khiêng đồ đi ông có vẻ thoải mái hẳn. Ông vươn vai rồi lụi cụi châm bếp. Lại phải ra đằng sau lấy mấy cục gạch và củi bị giấu ra đấy. Ông đưa tôi hai gói thuốc Du lịch còn nguyên bảo mang đi trả...

Làng ông là Plei Bông, cách Pleiku hơn 40 cây số.

Chúng tôi đạp, lúc song hàng, lúc người trước người sau. Tôi chỉ có cái túi toòng teng ở ghi đông, còn trên xe ông, cả ghi đông, khung xe đến foocbaga đều đầy đồ. Ấy là ông đã buộc thêm rất nhiều gỗ, tre vào xe để tăng tiết diện mà chở đồ. Nó là cá khô, là một ít dầu mỡ mắm muối ông trữ từ hồi nào, can dầu hỏa, chục gói mì ăn liền, cả đồ vẽ của ông... và thức ăn uống của 2 chúng tôi mà ông đã chủ động chuẩn bị từ tối qua. Chưa kể trên cổ ông lủng lẳng cái radio to oạch lạch cạch đập vào cái đèn 3 pin và cái túi vải ông cũng quàng qua vai.

Lần đầu tiên tôi biết cây K’nia là từ chuyến đi này.

Lên Tây Nguyên có 2 thứ tôi muốn biết ngay, một là ông Núp và hai là cây K’nia, là những thứ tôi đã biết qua sách vở, giờ muốn gặp ngoài đời. Ông Núp thì tôi đã gặp cách đây hơn tháng, lại còn được vinh dự viết bài cho ông đọc nữa kia và giờ là K’nia.

Ngược gió ù ù, nắng bắt đầu dấm dứt dù đây là mùa khô, tức là mùa lạnh, chỉ thấy ông Xu Man gò lưng đạp còn tay thì chỉ. Nhìn thấy xa xa có một cái cây, tán hình trứng, cô đơn giữa đồng, cách đường nhựa mấy trăm mét. Đạp 15 phút nữa thì tới, rẽ xe vào, được một đoạn thì vất xe đấy, đi bộ.

Ông Xu Man trải ra đất cơm gói trong bì nilon, nước chai và cả... rượu. Đúng phong cách Bahnar, chúng tôi “Sango” - tức bốc cơm ăn với cá khô nướng.

Và tại đây, tôi mới biết cây K’nia là thứ cây tuyệt vời như thế nào?

Nhà văn Nguyên Ngọc đã có bài viết rất hay về cây K’nia, đúng hơn là viết về nhà thơ Ngọc Anh, người đã sinh ra cây K’nia. Thực ra thì công lớn nhất của nhà thơ Ngọc Anh là đã “rinh” cây K’nia về cho Tây Nguyên, chứ nó là cây cầy (hoặc cậy) có ở nhiều nơi, rất nhiều ở đồng bằng, vùng tôi ở ngày xưa ngoài Bắc nghệ nhân dùng nhựa để phết quạt. Nhưng dưới cái giọng lơ lớ của ông Xu Man, tôi biết thêm nhiều điều thú vị. Ấy là hạt K’nia ăn rất ngon, nhưng khó ăn bởi phải chặt hoặc đập nó ra. Người Tây Nguyên khi đi rẫy hoặc đi đâu xa thì thường mang theo hạt K’nia làm lương thực. Khi mỏi chân và đói, họ dừng lại và lấy hạt K’nia trong gùi ra đập ăn. Có những hạt bị văng ra, lẫn vào cỏ, nó mọc thành cây, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, thành cổ thụ. Ông Xu Man thì bảo rằng, người quê ông gọi cây này là cây của Giàng vì nó giúp con người no và mát. Cứ khi nào mỏi, đói, khát… thì một cái cây hiện ra cho con người vào trú...

... Té ra làng Xu Man có việc là một cái lễ cơm mới.

Chiều, làng vắng lắm. Nắng oi và gió. Lạnh nữa. Tôi co ro trong cái áo khoác mỏng. Ông Xu Man quẳng thêm cho tấm dồ, tôi khoác vào, trông rất… Bahnar. Tấm dồ của người đàn ông Tây Nguyên rất nhiều công dụng. Nó khoác thay áo ấm, nếu cõng trẻ con thì thay địu, tối ngủ đắp thay chăn… Và ông thập thễnh dắt tôi đi khắp làng.

Làng đang chuẩn bị Sa Mơk - cơm mới.

Thực ra thì ngày mai làng mới làm, nhưng ông Xu Man rủ tôi về trước, bởi ông phải về sớm một hôm để cùng làng lo việc và cũng muốn tôi chứng kiến làng chuẩn bị cúng cơm mới như thế nào. Đúng ra lễ này phải tháng sau mới làm nhưng ông Xu Man về bàn với già làng làm trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh cho nó... vui, thế là làng đồng ý.

Tối ấy, tôi chứng kiến làng làm cốm. Có lẽ cũng giống cách người Kinh làm. Nếp non tuốt về, rang trên chảo. Toàn con gái ngồi rang, đẹp lắm. Lửa phập phù, những khuôn mặt ngời lên trong lửa. Những cánh tay đảo dẻo như múa, mùi con gái, mùi nếp non rang, mùi lửa, mùi… làng… cứ nôn nao như Tết nhà mình dù 2 phong cách hoàn toàn khác nhau.

Trai làng thì chuẩn bị chiêng, nước để đổ rượu, đập heo, nướng gà và cả tranh thủ… uống rượu…

Bây giờ thì tôi quen rồi, chứ hồi ấy tôi lạc vào một thứ văn hóa lạ lẫm, một thế giới lạ lẫm, tôi luôn có cảm giác mình thừa ra trong cái kết cấu vừa rất chặt lại vừa vô cùng tự do của cái lễ cúng cơm mới ấy. Không trang trí trang hoàng băng rôn cờ quạt tranh ảnh như lễ hội người Kinh, các ngôi nhà vẫn thế, nhà Rông vẫn thế (nếu làm lễ tế trâu thì mới làm cây nêu trước sân nhà rông), nhưng có vẻ cái khác là ở trang phục của từng người. Ai cũng mặc đồ đẹp. Ngay ông Xu Man lúc này đã thay bộ đồ mới gồm khố, áo thổ cẩm và đầu có dải băng trên ấy dắt lông chim. Tại nhà Rông, già làng cúng chung cho cả làng, sau đó sẽ đến từng nhà. Cửa các nhà rộng mở để đón khách. Dân làng đi thành từng đoàn, chiêng và xoang dẫn đầu. Vào nhà sẽ được chủ nhà mời uống rượu và ăn cơm, ăn cốm, những thức này bày sẵn ngay giữa nhà rồi. Cứ thế lần lượt đi hết từng nhà và cuối cùng lại tụ lại ở nhà Rông. Đây bắt đầu là cuộc vui. Ai chiêng cứ chiêng, xoang cứ xoang, uống cứ uống, chuyện trò cứ chuyện trò, tay trong tay, mắt trong mắt cứ việc... Tôi đã tự nhập vào vòng xoang tự bao giờ, cứ thế chung chiêng với đất, với trời, với những đôi mắt thăm thẳm Bahnar, những cặp vai nâu tròn lẳn. Tôi say, say bí tỉ, xệch xạc và nhão nhợt, chui vào gầm sàn nhà Rông nằm. Trong ấy cũng đã có mấy người đàn ông say nằm sẵn… Một lúc, ông Xu Man đi tìm, lay tôi dậy, nói tôi lên nhà Rông mà nằm chứ nằm đây con gái nó… khiêng mất. Biết là ông đùa nhưng tôi vẫn nấn ná nằm lại, biết đâu đấy…

Sáng mùng 2 Tết, một mình tôi uể oải đạp xe ngược gió lên lại Pleiku. Thời gian khi về dài gần gấp đôi lúc xuống. Sau foocbaga là mấy ống cơm nướng. Ông Xu Man biết, lên lại Pleiku, tôi lại thui thủi ở nhà tập thể nên chuẩn bị cho tôi. Hồi ấy, phải sau rằm các quán xá mới mở lại. Mấy ống cơm ấy, tôi tiếp tục qua cái Tết một mình.

Và cũng tất nhiên, cả tháng sau ông Xu Man mới lững thững đạp xe lên. Sau Tết người Kinh là mùa lễ hội của người Bahnar mà. Lúc này, Cao Nguyên căng đét gió và veo veo nắng…

Và cũng rất lạ vì sự trùng hợp, 28 Tết năm 2007, ông mất tại làng, thọ 82 tuổi. 30 Tết, tôi cùng 2 người bạn nữa từ Pleiku xuống Plei Bông tiễn ông về thế giới của A Tâu, về với Giàng đúng phong tục Bahnar. Hôm ấy cũng nắng, cũng gió và cũng lạnh...


Nhà thơ Văn Công Hùng
Ý kiến của bạn