Đây là trường đào tạo cán bộ y tế đầu tiên được thành lập sau ngày Giải phóng Thủ đô. Nhà trường đóng trên dải đất rộng lớn, chạy dài suốt từ phố Núi Trúc đến đường Giang Văn Minh bây giờ (Hà Nội hồi đó chỉ có 4 đơn vị hành chính là khu Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, với số dân không quá 300 nghìn người). Phía trước trường là đường Giảng Võ, với nhiều nhà dân lợp lá gồi, chỉ có Trạm Phòng cháy chữa cháy được xây kiên cố (có lẽ đến nay, nó còn lại là “di tích duy nhất?). Ba phía còn lại của trường là những ao bèo tây mênh mông. Xung quanh trường được rào bằng những hàng tre tươi ken kín, bén rễ mọc xanh chắc chắn. Không gian Hà Nội thời đó thật là trong trẻo, thanh bình. Đường thông, hè thoáng, không khí thật trong lành; phương tiện giao thông công cộng khi đó chủ yếu là xe điện chạy đến, đi rất đúng giờ với “tiếng leng keng chiều sớm khuya” gợi nhớ biết bao kỷ niệm... Xe ôtô rất hiếm hoi, xe đạp cũng không nhiều, còn xe xích lô thường đón khách ở bến xe Long Biên, đưa khách qua các phố phường buôn bán nhộn nhịp, sầm uất như Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Gai, Đồng Xuân. Phố Giảng Võ đến đoạn cuối là phố Núi Trúc bây giờ, coi như ngoại thành vì cây cối mọc um tùm, không bóng người qua lại.
Vào một buổi sáng, chúng tôi tập trung đến hội trường họp. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được giới thiệu là Hiệu trưởng của trường. Ông vẫy tay đáp lại những tràng vỗ tay nồng nhiệt của học viên. Rời sân khấu, ông bước xuống dọc giữa hai dãy ghế học viên đang ngồi. Thỉnh thoảng, ông dừng lại, chỉ anh này, chị kia chuyển chỗ ngồi sang phía đối diện, rồi chỉ tay cho những người có vẻ “lớn con” hơn đổi chỗ ngồi sang bên còn lại. Chúng tôi chưa hiểu ý của ông, nhưng vẫn tăm tắp làm theo. Trở lại sân khấu, ông vừa chỉ tay về hai khối phía dưới, rồi giải thích: “Những anh chị nào “thấp bé, nhẹ cân” thì sang học dược, số còn lại học y, vì khi hành nghề y phải túc trực đêm hôm đòi hỏi có sức khỏe mới đáp ứng được công việc lâu dài”; rồi ông giao cho cán bộ nhà trường đi theo ghi tên các học viên ngay sau buổi gặp mặt đó... (sở dĩ có chuyện đó, vì giấy gọi nhập trường ghi chung chung là đến trường Cán bộ Y tế TW, mà không phân chia rõ y hoặc dược). Đó là kỷ niệm đầu tiên khá vui vẻ về phong cách giản dị và gần gũi của vị Hiệu trưởng dành cho lớp trẻ chúng tôi. BS. Trần Hữu Nghiệp giới thiệu và mời ông Tôn Quang Phiệt, Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên phát biểu động viên chúng tôi cố gắng học tập, rèn luyện, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân...Cuộc gặp đầu tiên ngắn ngủi đó còn đọng lại ấn tượng đẹp đẽ trong anh chị em Y7 và Dược 3 đến tận bây giờ!
Bộ Y tế - nơi cách đây hơn 60 năm là Trường Cán bộ y tế Trung ương.
Đội ngũ học viên của Trường Cán bộ Y tế TW khi đó, bao gồm nhiều “thành phần”, mà lớp anh cả là Lớp Y sĩ cao cấp - đó là những quân y sĩ đã từng trải qua nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm - về học bổ túc một thời gian để trở thành y sĩ cao cấp, sau đó được công nhận bác sĩ quân y đảm trách chủ nhiệm quân y các quân khu. Tiếp theo là những anh chị dược tá, y tá quân y học ngắn hạn lên quân dược sĩ, quân y sĩ. Đông đảo nhất là lớp thanh niên chúng tôi từ Chiến khu Việt Bắc về, từ miền Nam tập kết ra, và đến từ các trường phổ thông của Hà Nội, Hải Phòng... bị tạm chiếm cũ - phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, có người mới tuổi 16. Tôi ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, nhưng còn lơ ngơ bỡ ngỡ lắm. Trên vai khoác chiếc ba lô chứa vài bộ quần áo rẻ tiền và ít cuốn vở học sinh, mang từ Việt Bắc về và giấy gọi nhập trường. Chúng tôi được biên chế vào Lớp Y sĩ trung cấp khóa 7, và Dược sĩ trung cấp khóa 3, đây là những lớp học dài hạn đầu tiên sau hòa bình (sau này, ta quen gọi là lớp chính quy). Lớp Y7 đông nhất, có gần 500 người, được đặt tên là Y7A, Y7B, Y7C, Y7D. Mỗi lớp ở trong một căn nhà, ngăn thành nhiều buồng bắng vách trát toóc-si, mỗi buồng có sức chứa khoảng hơn 20 người, biên chế thành tổ học tập. Đứng đầu mỗi lớp là các học viên lớn tuổi - những cán bộ các ngành về học - có tổ chức Đoàn Thanh niên lao động, Chi bộ Đảng và Hiệu đoàn học sinh của trường, do anh Thái Phục Hanh, một cán bộ từ Bình Định tập kết ra Bắc, làm Hiệu đoàn trưởng. Anh Hanh từng giữ trọng trách Bí thư Huyện ủy thời kháng chiến chống Pháp, quê tỉnh Bình Định - miền đất võ nổi tiếng của nước ta. Vào giữa những năm 1970, tôi được gặp lại anh trên cương vị Giám đốc Bệnh viện T72, đặt tại Sầm Sơn, Thanh Hóa; dù cương vị là lãnh đạo, anh vẫn luôn vui vẻ, cởi mở và gần gũi chúng tôi với tình cảm đồng khóa Y7 xa xưa, thật đáng quý trọng.
Kể từ ngày đó, một phong trào học tập và rèn luyện của các lớp sôi nổi lan tỏa toàn trường. Chúng tôi dậy sớm, về mùa hè từ 5 giờ sáng, còn vào mùa đông thì muộn hơn 30 phút, cùng tập bài thể dục buổi sáng, dọn dẹp căn phòng, làm vệ sinh cá nhân, rồi rủ nhau ra trước cửa trường ăn quà sáng. Học bổng chúng tôi được hưởng có 3 loại: toàn phần, 2/3 và 1/3 tùy theo học lực và hoàn cảnh gia đình. Số đông chúng tôi được học bổng toàn phần 21 đồng, trừ tiền ăn tập thể ngày 2 bữa là 18 đồng/tháng, còn lại 3 đồng tiêu vặt. Vì thế, bữa sáng thường là 5 xu khoai lang luộc, đủ chia sẻ ấm bụng cho 2 người (may là vào thời gian đó, vào chủ nhật, tôi xin phép về gia đình chơi và được anh chị tôi công tác tại NXB Thanh Niên bồi dưỡng thêm, nên cắt cơm tập thể mà có dư đôi chút cho sinh hoạt). Nửa năm thứ nhất, vào mỗi buổi sáng, chúng tôi được hướng dẫn thực hành công tác chăm sóc cho bệnh nhân tại trường như xoa bóp chống loét, chuyển bệnh nhân từ giường sang cáng và ngược lại, làm quen với các loại y dụng cụ như ống cặp nhiệt độ, ống thông cao su, ống thông tiểu kim loại, các loại dao, kìm (pince),... cách hấp, sấy dụng cụ, thay khăn trải giường, cách tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm trong da, cách đếm thuốc viên và đóng gói vào từng túi giấy sao cho gọn gàng, đẹp mắt, và ghi tên thuốc, hàm lượng phía ngoài...Các bài thực hành đó luôn bám sát nội dung các buổi học lý thuyết, nên nhập tâm nhanh chóng. BS. Trần Hữu Nghiệp nhiều buổi xuống quan sát việc học hành và thực tập của chúng tôi. Ông luôn động viên chúng tôi và khi có thao tác nào chưa chuẩn mực, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, làm mẫu để chúng tôi làm theo, như sự khuyên bảo chân tình đầy tình cảm của bậc cha mẹ. Vào cuối môn học, không khí ôn tập rất nghiêm túc. Vào buổi tối hằng ngày, từ 19-22 giờ (là thời gian máy phát điện của trường được tăng cường, hoạt động phục vụ việc học tập của học viên vì hồi đó cả Hà Nội chỉ có duy nhất Nhà máy điện Yên Phụ với công suất không lớn mà phải phục vụ nhu cầu khá cao của nhân dân, nên thời gian được phân phối gián cách cho các khu vực nội thành, tránh quá tải cho nhà máy này). Hội trường lớn có sức chứa đến gần nghìn người đã chật kín học viên, nhưng ai cũng có ý thức giữ gìn sự yên tĩnh để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, nếu cần hỏi nhau cũng chỉ thì thào như gió thoảng, tạo nên không khí tĩnh lặng làm tăng sự tập trung trong từng buổi ôn tập. Trước khi ngừng phát điện 15 phút, đèn nhấp nháy 3 lần, mọi người nhanh chóng thu dọn sách vở trở về phòng nghỉ. Để giữ nền nếp kỷ cương, thầy Hiệu trưởng cùng Ban lãnh đạo của trường tổ chức các buổi họp ngắn vào sáng thứ hai hàng tuần với toàn thể học viên tại Hội trường lớn (nay là hội trường 5 tầng của Bộ Y tế) để điểm lại hoạt động tuần qua, công việc cần làm tuần tới, biểu dương những điểm tốt và nêu danh những vụ học viên đi xem phim về vượt rào (thường xảy ra vào tối thứ 7). Ai vi phạm bị 3 lần “bêu danh”, thì mặc nhiên khoác ba lô về nhà! Nên ai cũng sợ (hồi đó, anh em chúng tôi ngoài việc được nghe tin thời sự hoặc ca nhạc theo yêu cầu thính giả trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào mỗi sáng chủ nhật. Chiều muộn thứ 7, chúng tôi rủ nhau đi bộ qua chợ Ngọc Hà, vườn Bách Thảo, đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), vào xem chiếu bóng ngoài trời ở bãi Yên Phụ nhưng ít khi trở về trường trước 21h30, vì đường xa, phim dài... Vì vậy, mấy thằng bạn chúng tôi bàn nhau “lấy lòng” mấy chú bảo vệ người miền Nam tập kết bằng cách tự nguyện cắt phiên 2-3 người ra trực chủ nhật tiếp khách để các chú có thời gian nghỉ và cũng “nhẹ tay” khi chúng tôi trở về trường quá giờ, được các chú vui vẻ mở cổng và không ghi tên bêu danh! Việc này cũng được thầy Hiệu trưởng biết, ông la chúng tôi là “láu cá” thế, rồi khuyên chúng tôi cần ghi chép vào sổ sách sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách ra vào chu đáo, không để sai sót... Vào những tháng đầu, chúng tôi tham gia lao động đào móng để dựng thêm những ngôi nhà nghiệp vụ của trường. Những buổi lao động đó tuy mệt nhưng rất vui, lớp nào cũng thi đua hoàn thành khối lượng, chất lượng phần việc được giao. Có đôi lần, chúng tôi đào móng bắt gặp một vài bộ hài cốt của cả người lớn và trẻ em. Cánh học viên nữ sợ kêu thét, còn đám con trai thì cố nén lòng, vội gọi các chú bảo vệ đến giúp, thu gom từng bộ, rồi cử người đến báo cho nghĩa trang Hợp Thiện (nay là công viên Thủ Lệ) để họ đem đi mai táng. Nhiều chú bác nói rằng đó là di hài của nạn nhân vụ chết đói năm Ất Dậu 1945. Thật là xót xa và thương tâm!
Thời gian đó, mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, phong trào lao động XHCN xây dựng Thủ đô lôi cuốn các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội hăng hái tham gia. Buổi lao động xây dựng sân vận động Hàng Đẫy thật đáng nhớ, vì hôm ấy, từ thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp, bác Nguyễn Thiện Chân, Bí thư Đảng ủy tuy tuổi cao, cùng toàn bộ CBCNVC và học viên đều có mặt tham gia lao động thật sôi nổi. Loa phóng thanh báo tin Giáo sư Trần Văn Giàu cũng tham gia lao động đã truyền đi không khí vui mừng bằng những tràng vỗ tay và tiếng reo hò vang cả một vùng. Từ đó, chúng tôi tham gia nạo vét hồ Ba Mẫu, công viên Thống Nhất, cải tạo vệ sinh sông Tô Lịch, làm đường Cổ Ngư (sau đổi tên là đường Thanh Niên), hàn đê Mai Lâm bị vỡ. Cuối buổi lao động, sau khi nghiệm thu phần việc được giao, chúng tôi được bồi dưỡng bằng một cái bánh mì kẹp patê nóng giòn và một cốc nước chè tươi nóng. Buổi lao động nào, thầy Trần Hữu Nghiệp cũng dành cho chúng tôi những lời động viên, thăm hỏi, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thầy luôn quan tâm giúp chúng tôi mở rộng tầm hiểu biết qua việc mời nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ, ông Đỗ Mười khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội thương đến nói chuyện. Đem lại nguồn vui thú vị nhất, lôi cuốn cảm xúc tuổi trẻ nhiều nhất vào thời gian đó là những buổi nói chuyện của nhà thơ Việt Phương (sau này là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) với nhiều đề tài về chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô, chuyện tình cảm cách mạng của Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Quang Thái - Võ Nguyên Giáp... đã lôi cuốn cả ngàn người nghe ngồi kín sân ngoài trời của Trường đại học Nhân dân (nay là Nhà văn hóa Hữu nghị Việt Xô).
Nhà trường đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ giảng dạy giàu tâm huyết và tài năng như BS. Đỗ Doãn Đại (môn Dược lý), BS. Trương Cam Cống (môn Mô học), BS. Lê Cao Đài, BS. Trần Quang Vỹ (môn Giải phẫu), BS. Đặng Ngọc Tốt (môn Sinh lý học), DS. Nguyễn Sĩ Dư (môn dược học)... Các thầy sau này đều được Nhà nước phong hàm Giáo sư rất xứng đáng. Đến thực tập các bệnh viện, khóa chúng tôi có may mắn lớn là được các giáo sư đầu ngành nổi tiếng như GS. Đặng Văn Chung (Nội khoa), GS. Tôn Thất Tùng (Ngoại khoa), GS. Trần Hữu Tước (chuyên khoa TMH), GS. Đặng Vũ Hỷ (chuyên khoa Da liễu), GS. Đinh Văn Thắng (Sản khoa), GS. Trịnh Ngọc Phan (chuyên khoa Bệnh truyền nhiễm), GS. Nguyễn Xuân Nguyên (chuyên khoa Mắt), GS. Vũ Công Hòe (chuyên khoa Giải phẫu bệnh), BS. Nguyễn Quốc Ánh (chuyên khoa Nội Thần kinh) cùng các BS. Đặng Đình Huấn, BS. Phạm Gia Triệu là các Đại tá quân y... tận tình hướng dẫn từng động tác thị phạm và những bài học quý giá của nghề y. Vì thế, khi ra trường chúng tôi đã vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ, và sau này khi học lên đại học, chúng tôi thấy nhẹ nhàng rất nhiều vì đã được trang bị những kiến thức cơ bản nhất ngay từ những năm tháng khởi nghiệp.
Là người con của miền đất Bến Tre anh hùng, tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1937, tu nghiệp tại Pháp năm 1939 trở về nước, BS. Trần Hữu Nghiệp nổi tiếng với phòng mạch tư tại quê nhà từ tấm lòng nhân ái và tài ba đối với đồng bào nghèo. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đảm trách các cương vị Phó Giám đốc Y tế Nam Bộ, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế Trung ương, rồi Hiệu trưởng Trường Y tế Trung cao cấp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam; là bác sĩ bảo vệ sức khỏe Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc, bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp đã đào tạo rất nhiều thầy thuốc quân dân y có tâm, có tài cho đất nước, được nhân dân và ngành y tế kính trọng; ông đã được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân. Dù sức khỏe giảm sút và đường xa cách trở, thầy và người bạn đời của mình là BS. Nguyễn Thị Lê vẫn ra Hà Nội dự ngày kỷ niệm khai trường cùng những học trò cũ của mình với tình cảm thật đáng trân quý.
Đầu năm 1959, lớp Y sĩ khóa 7 chúng tôi thi tốt nghiệp. Một số được cử theo học các chuyên khoa như Thần kinh, Xquang, Xét nghiệm, Giải phẫu bệnh..., còn phần lớn tỏa đi hầu hết các huyện trên miền Bắc và đều giữ vai trò phụ trách đơn vị. Vào năm đó, bệnh dịch bại liệt bùng phát dữ dội tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Tôi và các bạn học chuyên khoa thần kinh, được bệnh viện cho ở tại Nhà Tròn (thời Pháp thuộc là khu nhà mổ, nay là cơ sở Trường trung cấp Y tế của bệnh viện). Hàng sáng, để đến Khoa Thần kinh, chúng tôi phải đi ngang qua khu nhà xác, và thật đau lòng khi phải chứng kiến các bà mẹ khóc lóc thảm thiết đi sau xe cáng chở xác con mình bị tử vong do bệnh bại liệt. BS. Nguyễn Quốc Ánh, Chủ nhiệm khoa Thần kinh yêu cầu chúng tôi phải dành một giờ buổi sáng để xuống khu đại thể, tìm hiểu thương tổn do virut bại liệt gây ra làm hủy hoại các tế bào thần kinh ở sừng trước tủy sống, nhất là ở vị trí cao ngay sát hành não như C1, C2... làm ngừng hoạt động tim mạch, hô hấp, gây tử vong rất nhanh. Một số trẻ bị virut bại liệt tấn công ở vị trí thấp hơn đã bị di chứng teo đét chân, tay, để lại dị tật suốt đời. (Nhờ thành công từ việc sản xuất vắc-xin phòng bại liệt của các GS. Hoàng Thủy Nguyên, Đặng Đức Trạch và cộng sự ở Viện Vệ sinh Dịch tễ TW nước ta đã đẩy lùi được dịch bệnh nguy hiểm này, và không lâu sau đó miền Bắc nước ta đã thanh toán được bệnh bại liệt). Nhân đây, chúng tôi nhớ mãi lời căn dặn của BS. Nguyễn Quốc Ánh, là: “Các anh muốn trưởng thành và phục vụ người bệnh tốt, hãy phấn đấu học theo tấm gương GS. Tôn Thất Tùng, bởi ngay từ khi là bác sĩ nội trú, ông đã âm thầm nghiên cứu cấu tạo các mạch máu trong gan trên 400 tử thi, để phát minh Phương pháp mổ gan khô ưu việt được giới y học trên thế giới công nhận và tôn vinh”. Đó là những lời chỉ giáo quý giá, ghi sâu vào tâm trí chúng tôi trong suốt những tháng năm hành nghề sau này.
Năm 1980, tôi trở về làm việc tại số nhà 138A Giảng Võ - nơi đặt trụ sở cơ quan Bộ Y tế; những ngôi nhà lợp lá gồi, tường trát vôi vữa năm xưa đã lui vào dĩ vãng, được thay thế bằng nhiều khối nhà cao tầng đẹp đẽ, khang trang, ánh điện tỏa sáng đêm ngày. Nơi đây tập hợp được đội ngũ cán bộ, CNVC đông đảo, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực công tác. Bộ Y tế nước ta có vị thế cao, được nhân dân và toàn xã hội, cùng bạn bè quốc tế ghi nhận về những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được. Phố Giảng Võ ngày nay không chỉ có một số nhà 138, mà có nhiều, rất nhiều con số liên tiếp nối dài, chạy suốt chiều dài thời gian và không gian!
Địa chỉ 138A Giảng Võ đã in đậm dấu ấn của 10 vị bộ trưởng, hàng trăm thầy cô giáo, hàng ngàn cán bộ, học viên quân dân y, trải qua các thời kỳ chiến tranh ác liệt hoặc bao cấp nghèo khó, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, kể cả hy sinh nơi chiến trường, đem lại vinh quang cho ngành y tế, cho đất nước ta!
Tiến trình lịch sử được ghi lại từ một mái trường có ngôi nhà chỉ mang duy nhất một số nhà 138 năm xưa, giờ đây đã chứng minh sức sống mãnh liệt, sức vươn Phù Đổng xuyên qua thế kỷ, đem lại cho chúng ta, những thế hệ đã, đang và sẽ sống, cống hiến trên mảnh đất thân yêu này nguồn sức mạnh lớn lao, lòng tin tưởng mãnh liệt và biết ơn sâu nặng, đem tài năng cống hiến với bầu nhiệt huyết, viết tiếp những trang sử mới.
Hà Nội, mùa thu 1956 - mùa thu 2017.