Nhớ mái trường quê

19-11-2018 8:07 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Chú Khoa ơi!

Bố cháu bảo, bố cháu cùng học với chú ở Trường THPT Nam Sách. Cháu rất muốn một ngày nào đó được cùng bố về thăm quê, thăm trường. Chú còn nhớ kỷ niệm nào về ngôi trường ấy không, nhân ngày 20/11, chú có thể bật mí cho cháu biết với? Cháu xin chân thành cảm ơn chú!

Chử Thu Huyền (chuotconxauxi@yahoo.com)

Nhà thơ  TRẦN ĐĂNG KHOA

Chú có nhiều kỷ niệm lắm. Kể 3 ngày cũng chẳng hết được. Những năm tháng đẹp nhất của tuổi thơ chú trôi qua ở mái trường quê này. Lúc ấy, bom đạn mù mịt, có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng đời sống tinh thần lại ấm áp, bình thản. Một xã hội trong vắt, không có tham nhũng, không có kẻ cướp, trấn lột. Và đẹp nhất trong bầu khí quyển trong lành ấy là người lính và người thầy. Đó là hai chiến sĩ kiên cường trên hai mặt trận: chống giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Lớp học thời đất nước còn chiến tranh (ảnh TL).

Lớp học thời đất nước còn chiến tranh (ảnh TL).

Bọn chú cắp sách đến trường, tiếp nhận cùng lúc hai nguồn kiến thức lớn: Một nguồn từ sách vở. Đó là những bài học, đúc rút kinh nghiệm sống của cha ông và của cả loài người thành nguồn sáng trong lành, tinh lọc qua tâm hồn thầy cô rồi toả xuống mỗi học sinh; Còn nguồn kiến thức thứ hai, cũng rất quan trọng, mảng kiến thức này không nằm trong giáo án, cũng không có trong sách giáo khoa, nhưng lại tác động đến học trò rất mãnh liệt. Đó là cuộc đời các thầy cô, tấm gương các thầy cô. Chính các thầy cô đã thành giáo cụ trực quan, dạy các chú làm người.

Thầy nào thì trò ấy. Khi thầy không gương mẫu, không còn là một vẻ đẹp thì mọi lời giảng, dù có hay đến đâu cũng thành vô nghĩa.

Chú không sao quên được thầy Độ - thầy dạy toán. Lên bục giảng, thầy không mang giáo án, chỉ ve vẩy hai bàn tay không như người đi dạo. Nhưng xin bạn đọc chớ hiểu lầm thầy lười nhác hay cẩu thả. Giáo án nằm hết trong đầu thầy. Cả cuốn sách giáo khoa dày cộp cũng ở trong đầu thầy. Thầy chép bài lên bảng mà đâu có nhìn sách giáo khoa. Thầy bảo: “Nếu thầy nhớ nhầm, các em nhắc thầy nhé!”. Nhưng chẳng bao giờ thầy nhầm. Cái tài của thầy mà chú rất phục là khả năng biến những gì phức tạp thành đơn giản dễ hiểu. Chú nghiệm thấy những người giỏi đều thế cả. Họ có khả năng đơn giản hoá những gì phức tạp. Còn người kém thì ngược lại, ngay cả điều đơn giản, qua họ, cũng thành phức tạp, rối mù. Thầy Độ giảng rất thoải mái nhưng học sinh nào cũng hiểu được. Chú là một học trò cá biệt, rất dốt toán, mà cũng nắm được bài ngay tại lớp. Còn thầy Tuấn lại có một biệt tài khác. Thầy dựng hình chẳng cần compa, thước kẻ, mà hình nào cũng đẹp. Có khi thầy vừa giảng, vừa quài tay ra sau lưng, khoanh một vòng thành một đường tròn tâm O, chuẩn đến mức kinh ngạc.

Trong con mắt bọn chú, các thầy cô như những vị thánh sống - cao cả và tinh khiết. Hồi đó có dạy thêm không? Có! Thời nào chả có những học sinh kém. Với những học trò cá biệt ấy, sau buổi học, các thầy cô mời ở lại để phụ đạo thêm. Thảng hoặc có học sinh do hoàn cảnh khó khăn, vào các buổi tối, thầy còn đạp xe đến tận nhà phụ đạo. Thầy dạy mà không lấy tiền. Có thầy còn sẻ cả một phần lương đạm bạc của mình cho học trò mua sắm quần áo hay dụng cụ học tập. Ngày Tết, hay ngày 20/11, học sinh ríu rít đến thăm thầy cô chỉ có hai bàn tay trắng. Phong bì không và hoa cũng không. Ở làng quê khoai lúa, muốn tặng hoa thầy cô cũng chẳng có để tặng. Nhưng cả thầy và trò đều vui. Một niềm vui chan hoà, ấm cúng và tinh khiết.

Chú rất phục cách dạy văn của thầy Vũ Đình Sâm - chủ nhiệm các lớp  8G, 9G, 10G mà chú theo học. Trong con mắt của chú, thầy là tấm gương sáng, không chỉ với học trò, mà còn với cả ngành giáo dục. Cách dạy của thầy theo chú là mẫu mực, đáng để ngành giáo dục hôm nay tham khảo. Thầy không biến học trò thành con vẹt, cũng không tự biến mình thành rôbốt cứng nhắc. Mọi quy chế, hướng dẫn, quy định của ngành chỉ có ý nghĩa tham khảo quan trọng, còn giáo viên phải có những sáng tạo riêng nhằm đổi mới mỗi tiết giảng, truyền đạt kiến thức đến học trò một cách hiệu quả nhất nhưng lại gợi mở cho các em sự độc lập suy nghĩ và sáng tạo.

Trong tiết giảng, thầy không đọc đoạn văn trích. Đấy là việc học sinh tự đọc ở  nhà. Thay cho thời gian đọc tác phẩm, thầy tóm tắt cả cuốn sách để học sinh nắm được nội dung, biết đoạn trích nằm ở đâu. Thầy biến bài giảng thành buổi xêmina để học sinh thảo luận. Có buổi thành cuộc tranh luận sôi nổi. Thầy gợi mở, xới lên các vấn đề để học sinh bàn. Rồi thầy tổng kết. Có vấn đề thầy kết luận ngay, có vấn đề thầy bỏ ngỏ, để học sinh nghĩ tiếp. Trong phần tổng kết, ngoài biểu dương những ý kiến có tính khám phá của học trò, thầy nói 3 vấn đề: Một là thầy tóm tắt phần hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên của Bộ Giáo dục về đoạn văn trích. Hai là thầy tóm tắt ý kiến của các nhà phê bình nghiên cứu về tác phẩm đã được in trên các báo và tạp chí từ trước đến nay, đặc biệt là những kiến giải xuất sắc có tính phát hiện. Phần thứ ba là ý kiến riêng của thầy. Chú thích phần thứ ba này nhất. Bởi đó là những kiến giải chú không tìm thấy ở bất cứ tài liệu nào trên sách báo. Như vậy, một bài học, được chiếu rọi từ nhiều góc độ khác nhau. Một giờ lên lớp của thầy bằng học sinh lục lọi hàng tháng trong thư viện với hàng đống sách vở.

Bây giờ, trong các thầy cô dạy phổ thông, có ai làm được như thầy không?

Thầy nào trò ấy. Thầy phải giỏi thì trò mới có thể giỏi được. Nhờ các thầy giỏi như thế mà trường có được một đội ngũ học sinh làm rạng danh trang sử nhà trường. Có người rất nổi tiếng, được thế giới biết đến, như nhà địa chất Tạ Phương - người được mang tên cho một loại quặng quý trong một công trình khoa học về địa chất ở nước Nga. Rồi những tên tuổi được cả nước biết đến như Anh hùng Quân đội Vũ Ngọc Diệu, Anh hùng Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh, nhà báo Trịnh Bá Ninh, rồi các nhà quản lý Hoàng Bình, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Dung, các nhà kinh tế Vũ Văn An, Nguyễn Hữu Thắng, cô giáo Vũ Thị Đức... Và còn rất nhiều các anh, các chị khác nữa.

Chú muốn nói thêm đôi điều về 2 học sinh của trường: Anh hùng Quân đội Vũ Ngọc Diệu và Anh hùng Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ. Cả hai anh đều lên đường nhập ngũ khi còn đang học phổ thông. Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, Vũ Ngọc Diệu là lính ra-đa bảo vệ Hà Nội. B52 là vũ khí chiến lược, là sức mạnh tàn bạo của không lực Hoa Kỳ. B52 bay ở tầm cao, lại có hệ thống phá sóng ra-đa với nhiều chục phản lực yểm trợ, bảo vệ, tung nhiễu mù mịt nên rất khó phát hiện. Kì tích của Vũ Ngọc Diệu cùng các cộng sự của anh là sự mày mò nghiên cứu, phát hiện chính xác B52. Sau nhiều lần tác nghiệp, anh cùng đồng đội nhận ra rằng, khi B52 cắt bom, trên màn huỳnh quang ra-đa xuất hiện những điểm loé bất thường giữa vô vàn những đốm sáng của những mục tiêu giả. Bắn thẳng vào đốm loé ấy là B52 rụng. Có ngày rụng đến cả chục chiếc.

Còn Đỗ Chu Bỉ cùng thế hệ chú. Anh nhập ngũ khi còn học dang dở. Anh là người lính dũng cảm, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc. Hết đạn thì dùng dao găm, lưỡi lê. Một mình anh đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch. Khi đồng đội tìm đến chi viện, anh đã hy sinh. Trên mình anh, 19 vết dao và nhiều vết đạn bắn. Trong túi áo ngực đẫm máu là bức thư anh viết dở cho mẹ: “Mẹ ơi, con không thể chết được đâu, dù kẻ thù tàn bạo đến thế nào. Bởi con còn có mẹ. Mẹ mỗi ngày một già yếu, ai sẽ chăm sóc mẹ nếu không phải là con? Mẹ hãy tha tội cho thằng con trai bất hiếu này. Mẹ ơi, bao giờ Tổ quốc yên bình, con sẽ trở về cho tuổi già mẹ không còn hiu quạnh nữa. Rồi con sẽ tiếp tục trở về ngôi trường thân yêu của con. Con sẽ tiếp tục học để mẹ không còn phải xấu hổ vì có một thằng con thất học”.

Cùng với 217 liệt sĩ là những học sinh ưu tú nhất của trường, Đỗ Chu Bỉ không còn trở về. Anh đã nằm lại trên điểm chốt Bình Liêu. Nhưng các em của anh - những học sinh thế hệ sau anh đã tạc tượng anh, đưa anh về ngôi trường mà anh hằng khao khát được học tiếp. Bức tượng ấy hiện đang nằm trong phòng Truyền thống của nhà trường.

Ngôi trường đã trở thành địa chỉ văn hoá, một di tích lịch sử thiêng liêng với rất nhiều thế hệ học trò. Nhiều học sinh đã mang theo hình bóng thầy cô, vóc dáng mái trường đến những miền quê xa và làm nên những chiến công mới, những kỳ tích mới ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đó cũng là những vẻ đẹp của trường. Những vẻ đẹp ấy đâu phải ai cũng nhận ra...


Song yến (ghi)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH