Tổ tiên xa xưa của con người là một loài vượn. Nhờ lao động và lời nói đã làm cho vượn trở thành người, là chúa tể của muôn loài. Trong quyển “Biện chứng của thiên nhiên” Ăng-ghen viết: “Trước tiên là lao động, sau đến lời nói. Đó là hai động lực chủ yếu làm cho bộ óc vượn dần dần trở thành bộ óc hoàn thiện của người”.
Quá trình tiến hóa từ vượn thành người. |
Quá trình tạo lập lời nói
Nhờ lao động sản xuất mà loài vượn người cần phải liên hệ với nhau, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm chống đỡ với thiên nhiên, tạo điều kiện sinh sống ngày một tốt hơn, đã tạo ra hệ thống tín hiệu mới trong giao tiếp là lời nói. Sau này, lời nói không những chỉ để nói, mà còn dùng các ký tự quy ước để viết thành chữ được. Rồi nhờ khả năng trừu tượng hóa của lời nói và chữ viết cho nên đã giúp cho não người tổng hợp hiện thực đến mức độ cao và đi đến những nhận thức sâu sắc tinh vi, đi sâu vào bản chất của sự vật.
Lời nói là một âm thanh tức là một kích thích đối với thính giác. Nhưng lời nói có những đặc điểm khác một âm thanh thường. Nó là một kích thích đại diện cho tất cả những kích thích thực thể, và còn đại diện cho những kích thích không thực thể. Phát âm một lời nói trước tiên là kích thích các bộ phận nhận cảm cơ, lưỡi, cổ, họng. Kích thích đó truyền xung động vào trung ương thần kinh và sau cùng đến vỏ đại não, gây hưng phấn trên tế bào vỏ não của các vùng phân tích vận động ở vỏ não. Bộ phận phân tích vận động và bộ phận nhận cảm của bộ máy phát âm liên hệ mật thiết với nhau. Các nơron phân tích lời nói nằm trong 3 khu vực ở vỏ não – gọi là khu vực phân tích vận động lời nói: khu Broca (do Broca tìm ra năm 1861) là khu phân tích vận động của lời nói; khu thính giác là khu vực phân tích thính giác; khu Wernicke là khu vực phân tích giác quan của lời nói. Trong 3 khu vực đó, khu Broca là quan trọng đối với vấn đề phát âm và những cử động của hàm, lưỡi, thanh quản... đều có điểm đại diện trong khu Broca hoặc sát khu Broca.
Lời nói là một kích thích có điều kiện phức tạp mà tác dụng có dính líu chặt chẽ với mọi hưng phấn khác của vỏ não. Nhờ có lời nói con người mới có tư tưởng, nhưng khi tư tưởng mới bắt đầu phát triển, nó còn mang nhiều cảm tính; về sau nhờ có trừu tượng, nhờ có lời nói, tư tưởng mới đượm màu lý tính.
Có nhiều bộ phận góp sức
Thanh quản là bộ phận chính của “bộ máy” phát âm ra lời nói. Nó nằm trước hạ họng đi từ đáy lưỡi đến khí quản. Cấu trúc chủ yếu của thanh quản là sụn, cơ, thần kinh, mạch máu; nối giữa các sụn là các cơ mang tên sụn mà cơ nối liền; các cơ căng, cơ mở, cơ khép. Các sụn, các cơ có tác dụng làm vận động dây thanh. Mặt trong thanh quản lát bằng một lớp niêm mạc trụ hô hấp ở bờ tự do của dây thanh (có 2 dây thanh) là tế bào Malpighi. Khi nói, niêm mạc của dây thanh do luồng khí tạo nên áp lực vùng dưới thanh môn, các âm sẽ được hình thành do sự rung động dây thanh, dây thanh được căng bởi cơ căng dây thanh và cơ giáp-phễu. Âm trầm, hoặc cao phụ thuộc vào độ căng dây thanh ít hay nhiều.
Tuy vậy, thanh quản chỉ tạo nên yếu tố ban đầu cơ bản của sự phát âm. Còn hoàn chỉnh lời nói là do có sự tham gia của nhiều bộ phận trong cơ thể: Từ vùng Broca, lời nói nội tâm được chuyển xuống bộ phận phát âm gồm phổi, thanh quản, họng, mũi, xoang, lưỡi, môi và răng. Các bộ phận phát âm hình thành lời nói qua 3 giai đoạn: Tạo âm thanh (do sự rung của dây thanh), cộng hưởng âm thanh (họng, mũi, xoang) và phân tích âm tiết (lưỡi, môi răng, mũi), tạo ra các nguyên âm, phụ âm, rồi tạo thành từ và câu nói hoàn chỉnh.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Quen hơi, bén tiếng” – lời nói của người thân yêu dễ được nhận ra cả khi không nhìn thấy người, đó là vì giọng nói của mỗi người có rất nhiều đặc điểm khác nhau. Âm thanh phát ra phụ thuộc vào nhiều thứ, từ độ dài, độ dày, độ căng và cả khẩu độ đóng mở dây thanh, đến vai trò của các bộ phận cộng hưởng...
Khi phát âm trục trặc
Trục trặc hay gặp nhất ở bộ máy phát âm là tiếng nói khàn. Thanh quản nằm ở vị trí ngã tư đường ăn và đường thở, là một cấu trúc tiếp giáp từ hạ họng với khí quản. Mỗi khi phát ra một âm, hai dây thanh phải rung động rất nhiều lần vang lên phía trên, được các bộ phận mũi, họng, các xoang, vòm miệng, lưỡi, môi, cộng hưởng tham gia vào việc tạo ra tiếng nói có cường độ, âm sắc, âm hưởng riêng biệt ở từng người.
Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi tiếng nói, trước hết đó là bệnh viêm thanh quản, có thể gây viêm tấy phù nề các dây thanh, tiết dịch nhiều tạo ra “gánh nặng” cho dây thanh khiến cho sự rung không còn được tự do thoải mái, hậu quả là giọng nói bị khàn, rè, đục, mờ, thậm chí mất tiếng. Người bệnh cần đến khám bệnh, do thầy thuốc chuyên khoa khám thanh quản bằng các dụng cụ chuyên dùng tìm ra nguyên nhân tổn thương và có cách điều trị thích hợp để giọng nói trở lại bình thường.
Với bệnh nhân phải cắt bỏ thanh quản (thí dụ bị ung thư, phải cắt bỏ toàn bộ thanh quản để cứu sống bệnh nhân) thì sẽ mất tiếng nói. Trong trường hợp này người ta có thể luyện cho bệnh nhân nói giọng thực quản. Người bệnh bị mất thanh quản thì sẽ mất bộ phận tạo âm, nhưng vẫn còn lại các bộ phận cộng hưởng và cấu âm, nên vẫn có hy vọng tìm ra những nguồn phát âm tự tạo thay thế, và vẫn sử dụng những bộ phận còn lại của bộ máy phát âm. Điều cơ bản là bệnh nhân phải tập làm sao dự trữ được nhiều hơi trong dạ dày và thực quản (chủ yếu là tập thở bụng), kết hợp với điều khiển luồng hơi khi đi qua nếp niêm mạc của họng thực quản làm rung cơ thắt họng thực quản (hoạt động như dây thanh giả) rồi âm phát ra được biến đổi do hệ thống cấu âm và hệ thống cộng hưởng như bình thường.
Việc luyện tập nói giọng thực quản cần phải kiên trì và có sự hướng dẫn chu đáo của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Tuy nhiên, do đặc điểm cấu tạo, người bệnh nói giọng thực quản có chất lượng giọng nói vẫn yếu hơn bình thường và chỉ nói được rất ngắn. Nhưng với bệnh nhân bị mất đi thanh quản đồng nghĩa với mất đi tiếng nói, thì luyện tập để nói giọng thực quản cải thiện một phần chất lượng cuộc sống cũng đã là tốt lắm rồi.
BS. Vũ Hướng Văn