Những dòng thư mộc mạc dễ hiểu đã thể hiện rất đầy đủ tấm lòng của Bác đối với nhân dân, trong đó có các thầy thuốc Việt Nam và đó cũng là tầm nhìn xa đối với ngành Y tế nước ta.
Những điều Bác dặn dò đã đồng hành với đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, phòng chữa bệnh cho nhân dân trong 70 năm qua đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đấy chính là văn hóa của đội ngũ thầy thuốc chữa bệnh cứu người thể hiện đầy đủ trong y đức, y lý, y thuật của họ. Chiến tranh hay hòa bình, yên lành hay thiên tai, các thầy thuốc Việt Nam vẫn giữ vững sự đoàn kết, luôn yêu thương người bệnh và quyết tâm xây dựng một nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
"Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu"... Những lời căn dặn của Bác thấm vào lòng các thế hệ thầy thuốc Việt Nam trong 7 thập kỷ qua như là kim chỉ nam hành động. Thầy thuốc phải như mẹ hiền, đấy chính là phẩm chất hàng đầu, không thể thiếu ở những người đang công tác trong ngành Y tế.
Viết tới đây, thoạt nhiên tôi nghĩ tới lời Phật: Yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Tình thương là cái gốc nhận thức và hành vi của con người tử tế. Với từng thầy thuốc thì đó là tiêu chuẩn đầu tiên và xuyên suốt trong cuộc đời của họ. Trong cuộc đời mình tôi đã nghe, đã thấy, đã gặp nhiều thầy thuốc như mẹ hiền. Bởi tôi từng là bệnh nhân sốt rét giữa rừng già Trường Sơn, từng bị tai nạn, hiện nay đang mắc phải vài bệnh mạn tính... nên thấm thía lắm cái tình cảm ấm áp của những thầy thuốc mang lại. Và, cũng đã có lần đưa người nhà đến bệnh viện trong đêm hôm khuya khoắt với những nỗi lo lắng khôn xiết. Tôi cảm nhận rất rõ ràng rằng, đôi khi chỉ một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói của bác sĩ, nhân viên điều trị, điều dưỡng cũng làm nhẹ lòng mình, những lo âu về bệnh tật được vơi dịu đi đáng kể.
Những gì muốn nói về ngành Y tế nước ta trong 70 năm qua là không ít. Quá khứ hay hiện tại có nhiều chuyện để nói lắm về những hy sinh thầm lặng, những nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam. Họ luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, vươn lên làm chủ công nghệ cao, ứng dụng trong khám chữa bệnh, mang lại lợi ích cho người bệnh ngày càng nhiều hơn.
Tôi làm sao quên được những đôi mắt bị quầng thâm vì thiếu ngủ, vì phải làm việc quá sức và ám ảnh thật lâu vết khẩu trang hằn trên má các cán bộ, nhân viên y tế thời dịch COVID-19. Cũng xúc động làm sao khi nhận ra niềm vui tỏa sáng trên gương mặt một nữ bác sĩ bế trên tay mình đứa bé vừa chào đời giữa những ngày u ám vì "cơn bão đen" gần như vô hình ấy. Rồi khi nơi này nơi khác bị bão lũ hoành hành, thì cùng với những người lính mang quân phục, các chiến sĩ khoác áo blouse trắng cũng đến rất sớm với nhân dân để cứu chữa cho người bệnh qua cơn hoạn nạn.
Kể thế thì cũng chỉ là sự thoáng qua thôi, nhìn tổng thể ngành Y tế Việt Nam xứng đáng để tự hào với sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ trong chặng đường dài vừa đi qua. Gần đây nhất, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế cũng như năng lực chuyên môn của lực lượng y bác sĩ đều phát triển nhanh chóng. Trong nhìn nhận của thế giới thì Việt Nam đang là một mô hình đáng tham khảo học tập về mạng lưới y tế hoàn chỉnh được tổ chức rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng, trung du, biển đảo đến miền núi vùng cao biên giới. Có thể nói: Ở đâu có nhân dân ở đó có dấu chân người thầy thuốc.
Mạng lưới khám chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương tỏa ra rộng khắp và điều đáng mừng hơn là chất lượng điều trị không ngừng được nâng lên. Nhiều bệnh nan y, ca phẫu thuật khó đã được điều trị, thực hiện có hiệu quả tốt ở Việt Nam. Chúng ta không thể không nói tới thành tựu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch trong 35 năm trở lại đây. Đó là năng lực giám sát, phát hiện, xác định và ứng phó có hiệu quả cao khi dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, khả năng phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, hay các loại bệnh mới xuất hiện của ngành Y tế Việt Nam rất đáng được ghi nhận. Điểm qua một số thành tựu của ngành Y tế những năm qua như: Thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978; bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005... Cũng như việc được xếp vào những quốc gia hàng đầu khống chế thành công các loại dịch bệnh mang tính toàn cầu như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV, COVID-19... là những dẫn chứng đầy thuyết phục về thành tựu y học nước ta.
Đồng hành cùng đất nước, chắc chắn ngành Y sẽ có những bước đột phá mới. Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam không bao giờ dừng lại, bằng lòng với những gì ngành Y đã có. Họ sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình với những hoài bão và sứ mệnh cao quý: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Với bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam, những khát vọng của ngành, của dân tộc sẽ trở thành hiện thực. Mùa xuân đầu tiên của kỷ nguyên mới đang mở ra trước mắt chúng ta, đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh...
Theo các thống kê cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ và trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới. Điều đáng mừng hơn cả là tuổi thọ bình quân của dân ta đã đạt tới 74,5 tuổi. Đến nay, nước ta đã ứng dụng được công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, phát hiện đúng các tác nhân gây dịch như sởi, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nên đã khống chế hiệu quả sự lây lan nhanh với quy mô lớn của nó. Làm chủ và hoàn thiện nhiều kỹ thuật y học ngang tầm nhân loại, thực thi chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong khâu chẩn đoán và điều trị như: Phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị về máu... Đến nay, hệ thống y tế Việt Nam có 27 cơ sở ghép được thận, tim, gan, ghép giác mạc...
Mùa Xuân 2025 được coi là dấu mốc chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của đất nước. Đây sẽ là một kỷ nguyên mà những giá trị truyền thống sẽ được phát huy đầy đủ nhất cộng hưởng vào sức sáng tạo của trí tuệ Việt Nam cùng những hội tụ kết tinh xưa và nay, dân tộc và thời đại, đất nước và thế giới, cá nhân và tập thể, lãnh đạo và quần chúng... Chủ nghĩa xã hội, một hình thái kinh tế - xã hội mà chúng ta đã lựa chọn để xây dựng sẽ ngày càng định hình rõ rệt, đủ đầy hơn mà hạnh phúc của mỗi người dân cùng sự hài lòng của họ chính là thước đo, sự kiểm định chính xác nhất. Sự thành công của sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên lịch sử này rất quan trọng. Như một sự đột phá, một sự vươn tỏa, một chặng bay kỳ vĩ cho đất nước hóa Rồng. Cụ thể hơn, mục tiêu chiến lược do Đảng đề ra, năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao... Tôi nghĩ, mục tiêu đã được định hình rất cụ thể và cần sự chung sức của cả dân tộc.