Khi còn làm việc tại Vụ Điều trị (nay là Cục Quản lý Khám chữa bệnh) của Bộ Y tế, nhiều lần tôi đến phòng chống dịch bệnh, nên ít nhiều hiểu biết tình hình khám chữa bệnh nơi đây. Đây là tỉnh khởi nguồn các tỉnh miền Trung nước ta, có diện tích và số dân đông nhất trong các tỉnh, với truyền thống khoa bảng, miền đất lịch sử địa linh nhân kiệt.
Dù vậy, bản thân còn thấy băn khoăn, vì tính chất và nội dung chuyến đi có yêu cầu khác những chuyến trước đây khá nhiều. Nhờ mối quan hệ công tác, tôi được cấp lãnh đạo các đơn vị y tế của tỉnh Thanh Hóa giúp đỡ, từ Giám đốc Sở Y tế, đến lãnh đạo các đơn vị như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Quốc doanh Dược phẩm, Trường Trung cấp Y tế, Trạm Vệ sinh phòng dịch... đã cùng tôi thu thập và đánh giá các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và quản lý của đơn vị mình. Các đồng chí cũng nêu lên những bài học kinh nghiệm, các kế hoạch phát triển theo từng thời gian và những ý kiến đề xuất để lãnh đạo của tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ. Trước khi kết thúc công việc ở từng nơi, chúng tôi đều thống nhất những kết luận, đánh giá các mặt hoạt động của từng đơn vị, đạt được sự đồng thuận cao, mang độ chuẩn xác và cập nhật thông tin, giúp Bộ trưởng có nhận định sát đúng và đề ra những giải pháp thích hợp nhằm giúp cho sự phát triển ngành y tế của tỉnh trong thời gian tiếp theo.
Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển năm 1965.
Khu Điều dưỡng phục hồi chức năng đặt tại Sầm Sơn và Bệnh viện K71 đặt tại Ngã ba Môi là hai đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ nhiều năm nay. Tại Khu Điều dưỡng phục hồi chức năng, các đồng nghiệp đã tiếp nhận nhiều trang bị và đưa vào phục vụ về vật lý trị liệu, châm cứu bấm huyệt, nâng cao hiệu quả trong hoạt động của đơn vị mình. Bệnh viện K71 là địa điểm cuối cùng trong chuyến tiền trạm của tôi. Bác sĩ Trịnh Thị Bích, Giám đốc Bệnh viện, quê tỉnh Thanh Hóa là một thầy thuốc lâu năm, tâm huyết với nghề và giàu kinh nghiệm. Chị có tác phong cởi mở, chân tình và hết lòng đối với người bệnh. Gia đình chị cư ngụ gần bệnh viện, nên thời gian chị dành cho công việc gần như trọn vẹn, bất kể ngày nghỉ, ngày Tết. Một kỷ niệm còn lưu giữ mãi trong tâm trí mình, đó là trước khi hoàn thành công việc, BS. Trịnh Thị Bích đã dành cho tôi cuộc gặp mặt thật là ấn tượng với một người bệnh nữ, đang được bệnh viện chăm sóc, mang tên Ngô Thị Tuyển. (Tôi mới chỉ được biết chị Ngô Thị Tuyển qua những trang báo và buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, với tấm lòng khâm phục sâu sắc). Trước mặt tôi là một phụ nữ có tầm thước khiêm tốn, nước da ngăm ngăm, với nụ cười rạng rỡ trên môi. Sau cái bắt tay nồng ấm, chị vui vẻ hỏi thăm sức khỏe và công việc của tôi với sự quan tâm chân thành và gần gũi. Sự ngăn cách giữa chúng tôi mau chóng qua đi. Câu chuyện chị kể luôn hướng về đồng đội, về quê hương Nam Ngạn, Hàm Rồng thắm đượm tình cảm thân thương và rất đỗi tự hào. Chị kể rằng Hàm Rồng là nơi có vị trí quan trọng hàng đầu trên tuyến giao thông huyết mạch để đưa bộ đội và vũ khí của ta chi viện cho chiến trường miền Nam ác liệt. Địa thế của cầu Hàm Rồng khá hiểm yếu, khi nó nằm trọn giữa một bên là núi, còn một phía là sông và biển gần. Giặc Mỹ hiểu rõ vị thế của cầu Hàm Rồng cực kỳ quan trọng, nên chúng đã liên tục dùng máy bay đánh phá. Ngay trận đầu tiên từ tháng 8 năm 1964, rồi năm 1965 và những năm tiếp theo máy bay Mỹ không ngừng đưa nhiều máy bay hiện đại như F105 (Thần Sấm), F4 (Con Ma) dồn đập đánh phá cầu Hàm Rồng, với mục đích chặn đứt mạch giao thông của ta. Không quân Mỹ đã phải chịu những đòn đánh trả mãnh liệt của quân và dân ta, với những tổn thất nặng nề. Trong đó, có sự đóng góp vô cùng dũng cảm và mưu trí của Trung đội Nữ dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng Anh hùng. Cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang vững vàng dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù! Chị Tuyển say sưa kể về chiến công của Trung đội Nữ dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Thị Hằng. Chị xúc động kể về những tấm gương hy sinh anh dũng của các chị Ngô Thị Dung, Ngô Thị Sáu và 20 đồng đội, của các em thiếu nhi, cùng đồng bào địa phương đã ngày đêm tiếp sức cho các chị trong sinh hoạt và chiến đấu. Khi chúng tôi hỏi chị về sự tích chị đã vác hòm đạn để tiếp đạn cho đơn vị quân đội đánh trả máy bay giặc Mỹ, chị mỉm cười gật đầu. Chị nói rằng, hôm đó là ngày 4/4/1965, đơn vị của chị được phân công tải thương và tiếp đạn cho bộ đội pháo cao xạ đánh trả máy bay giặc Mỹ. Trong lửa khói ngập tràn trận địa, chị cùng đồng đội như những con thoi mang vác những hòm đạn cao xạ để tiếp sức cho bộ đội chiến đấu. Nhìn 2 hòm đạn dính chặt không thể tách gỡ, chị không ngần ngại nhờ đồng đội nâng lên vai mình, rồi dồn sức bình sinh vác lên vai xốc tới trận địa. Đến nơi,các anh bộ đội cao xạ cũng hết sức ngỡ ngàng khi chị đã vác hai hòm đạn nặng đến 98kg! Chị bảo, vào thời khắc dữ dội đạn bom mù trời, chị không có suy nghĩ gì khác là vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, chị cũng không thể ngờ rằng mình đã vác được hòm đạn to đùng đó đến đích, nặng hơn 2 lần cân nặng của cơ thể mình nữa! Nói xong, chị nở nụ cười tươi tắn, làm cho chúng tôi thật sự xúc động và tự hào. Tiếp đà câu chuyện, chúng tôi hỏi chị, có chuyện phóng viên nước ngoài đã gặp và đề nghị chị thao tác vác hòm đạn nặng như thế trước mắt họ, để họ tin là chuyện đó có thật hay không? Chị nói, đúng là có việc đó, nhưng xảy ra vào thời gian không có chiến sự. Chỉ rất lo vì lúc này, hoàn cảnh thời gian, không gian yên tĩnh và hoàn toàn khác hẳn bối cảnh của thời chiến tranh ác liệt. Nếu bản thân không làm được theo đề nghị của họ, chắc chắn họ sẽ coi sự việc trước kia là không có thực mà nhằm mục đích tuyên truyền... Điều đó nếu xảy ra, thì danh dự không chỉ của bản thân, của đơn vị mà còn là thể diện quốc gia sẽ bị tổn thương. Nghĩ vậy, thêm một lần nữa, Ngô Thị Tuyển đã hoàn thành vô cùng xuất sắc công việc là vác hòm đạn cao xạ nặng tròn 100kg đến đích (hơn 2kg ở lần chiến đấu ngày 4/4/1965 nêu trên), trong sự thán phục đến kinh ngạc về huyền thoại Ngô Thị Tuyển trước con mắt của phóng viên nước ngoài! Người phụ nữ xứ Thanh thêm một lần nữa kiên cường vượt qua chính mình, đem lại niềm tự hào tuyệt đỉnh cho thế hệ hậu duệ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu đầy khí phách hào hùng, làm rạng danh phụ nữ đất Việt! BS. Trịnh Thị Bích lặng người khi nói về sự thiệt thòi của Anh hùng Ngô Thị Tuyển trong đời sống riêng tư, vì chị đã phải gánh chịu sự hy sinh của người chồng đầu tiên-anh chiến đấu khi tham gia Quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Lào năm xưa (anh chị chỉ được gần nhau sau ngày cưới vỏn vẹn 6 ngày ngắn ngủi, rồi anh lên đường ra trận và ra đi mãi mãi!). Sau này, được đồng chí Lê Quang Đạo, khi đó là Tư lệnh Quân khu 4, đã tác thành duyên phận vợ chồng giữa chị với một sĩ quan quân đội từ chiến trường miền Nam trở về trong hoàn cảnh rất đáng thương: anh bị thương và bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin mất khả năng sinh sản. Người vợ đầu của anh đã mất trong chiến tranh vì bệnh nặng, để lại các con còn nhỏ gửi nơi ông bà nội ở tỉnh Hà Nam. Do gian khổ trong chiến tranh, chị Tuyển cũng không có khả năng làm mẹ. Năm 1988, Nhà nước ta đưa chị sang Hungary chữa vô sinh nhưng sau 1 tháng, vì trở ngại ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa, chị xin về nước. Tuy vậy vợ chồng anh chị sống rất hạnh phúc khi nhận nuôi dạy cháu bé Diệu Linh là con của một đồng đội đã hy sinh. Niềm vui và vinh dự lớn lao mà Ngô Thị Tuyển có được là đã 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người trao tặng Huy hiệu vào năm 1966, Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Thị Tuyển được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Anh hùng Ngô Thị Tuyển.
Dù đã nghỉ hưu, chị vẫn luôn dành tình cảm thương yêu đùm bọc cho những cảnh đời khổ đau: hàng năm, chị luôn dành 10 suất quà (mỗi phần quà 600.000 đồng) cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Anh hùng Ngô Thị Tuyển luôn tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương với tình cảm và phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.
Hiểu được điều không vui trong cuộc sống riêng tư của Anh hùng Ngô Thị Tuyển, chúng tôi càng thêm cảm phục về đức hy sinh và nghị lực sống phi thường của chị. Chúng tôi đã bàn và đề nghị Bệnh viện K71 cần phối hợp với Khu Điều dưỡng phục hồi chức năng Sầm Sơn chăm sóc để hồi phục sức khỏe cho chị ở mức cao nhất có thể và hai đơn vị đồng thuận với đề xuất này. Chị luôn sống lạc quan, rất mực khiêm tốn với lòng tự trọng cao và niềm tin yêu chân thành đối với người thân, đồng ngũ, về quê hương đất nước. Cùng với sự quan tâm của gia đình, tập thể trong đó có sự chăm sóc y tế, Anh hùng Ngô Thị Tuyển đã nêu tấm gương sáng ngời, vượt qua mọi khó khăn, phát huy phẩm chất của quân nhân cách mạng, của người Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Đất nước ta nồng nhiệt chào mừng Tháng 4 lịch sử - kỷ niệm lần thứ 43 Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-
30/4/2018). Trên chặng đường chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân ta bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu nặng đến các anh hùng liệt sĩ, trong đó Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển là một trong những tấm gương tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh.
Chúng ta nguyện đem tâm sức đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vô cùng yêu quý, tiếp nối những trang sử vàng rực rỡ của dân tộc Việt!