Chiếc máy bay Hà Lan khởi hành từ Amsterdam đã hạ cánh xuống Gôteborg, cửa ngõ Thụy Điển. Sân bay êm ả khiến tôi ngạc nhiên một cách thú vị, khác với tưởng tượng của tôi về một thành phố lớn thứ nhì Thụy Điển với 40 vạn dân. Bà Bigrit Jorn ở Trường Đại học Tổng hợp Gôteborg và một sinh viên Việt Nam ra đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng. Để về nội thành, chiếc xe Volvo đưa chúng tôi qua một vùng đồi thông. Một nửa lãnh thổ Thụy Điển gần 500.000km2 bao phủ rừng rậm trồng thông và bulô. Đứng từ tháp Kana, một trung tâm viễn thông ngay giữa Stockholm, bạn có thể thấy xung quanh toàn rừng. Các thành phố của Thụy Điển đều có dáng dấp những thành phố nông thôn yên tĩnh, cảnh sắc đâu đâu cũng dịu đi bởi ánh nước và màu xanh cỏ cây. Mùa thu đến muộn, mang lại sắc vàng trên những tầng cây bulô, màu da cam và màu đỏ trên các bờ giậu. Người Thụy Điển rất yêu thiên nhiên, nhà nào cũng điểm trang bằng hoa và các loại vạn niên thanh. Tôi rất thích cái phòng ăn xinh xinh tắm nắng vàng, xanh rờn cây lá ở nhà hai bạn Rita Liljestrom và Edmun Dahistrôm, hai anh chị đón tôi về nhà trong mấy ngày tôi đến Gôteborg. Một góc thư viện đầy sách của anh chị đã biến thành một "Viện bảo tàng Việt Nam" thu nhỏ, có nhiều tranh tượng mang từ Hà Nội về. Nữ giáo sư R.Liljestrom là một chuyên gia nổi tiếng về xã hội học gia đình, chị vừa hoàn thành một chương trình nghiên cứu về gia đình, về nam nữ và quan hệ họ hàng ở Việt Nam. Tôi vô cùng cảm động khi gặp gỡ hai nhà trí thức khác thuộc "thế hệ Việt Nam": nhà văn Clác Hilinger và giáo sư Lars Lindrall, hai ông đã gợi lại cái thời họ dịch sang tiếng Thụy Điển cuốn Kiều, kiệt tác của văn chương Việt, để tỏ lòng chiêm ngưỡng nền văn học cổ điển Việt Nam.
E.Dahistrôm và Goran Therborn là 2 giáo sư đã giúp tôi hiểu rõ hơn tâm tính Thụy Điển. Những năm 1990, giới nghiên cứu chú ý nhiều hơn đến tính cách dân tộc Thụy Điển. Quan hệ xã hội của người Thụy Điển có một số đặc điểm: đôi chút ngại ngùng, dè dặt, thích được độc lập về mặt xã hội, thái độ thích cô đơn, ranh giới rạch ròi giữa đời sống riêng và cộng đồng. Có thể giải thích sự yên tĩnh cao độ ở Thụy Điển bằng khuynh hướng nội tâm. Người Thụy Điển thường muốn tránh xung đột khi phải chạm trán nhau. Có thể do nhu cầu độc lập cá nhân mà tỷ lệ nam nữ chung sống không kết hôn rất cao. Lương thiện là đức tính truyền thống. Đa số người Thụy Điển cho nói dối là xấu.
Người Thụy Điển dường như ít cảm xúc hơn so với dân tộc khác. Chủ nghĩa duy lý đã từ lâu chi phối dư luận xã hội. Một giáo sư đã bảo tôi: "Triết học Thụy Điển luôn bị ngự trị bởi chủ nghĩa kinh nghiệm lô gích và những tư tưởng tương tự".
Cạnh khía u sầu của tính cách Thụy Điển - nếu quả có vậy - thường được giải thích bằng những yếu tố khí hậu Bắc Âu và giáo hội Tin lành Luther. Dưới ánh sáng lịch sử Thụy Điển, có thể thấy rõ: Người Thụy Điển phải chống lại thiên nhiên khắc nghiệt ở một nơi đất rộng người thưa. Lao động liên miên ở một vùng nông thôn cổ, hiếm có dịp giải trí, vui chơi nên không cảm xúc thái quá. Một vị tiến sĩ lịch sử Thụy Điển người Iran bảo tôi: "Người Thụy Điển có đầu óc tổ chức tuyệt vời. Họ rất tử tế, tuy không hòa nhập dễ dàng vào xã hội!".
Stockholm là một thành phố có thể tự hào về hàng chục Nhà hát, hơn trăm thư viện. Thư viện Hoàng gia xây dựng từ thế kỷ 16 là thư viện quốc gia với 3 triệu cuốn sách. Đó là thư viện nghiên cứu cho công chúng rộng rãi, có khu vực chuyên về văn học và dành cho người nghiên cứu sâu về khoa học nhân văn học và khoa học xã hội. Ông giám đốc trao cho tôi 2 chiếc chìa khóa căn hầm thư viện để tôi có nơi yên tĩnh và đủ tư liệu để làm việc. Chỉ một số người được hưởng "ân Chúa" ấy. Ở Viện bảo tàng nhà văn Strinberg, bà phụ trách giới thiệu cho tôi những lời bình luận do chính tay nhà văn ghi bên rìa các sách trong thư viện riêng của ông. Thật thú vị khi được đọc những ý nghĩ buột thốt ra khi đọc sách của nhà văn lớn ấy!
Nhà văn Sara Lidman thì mời tôi đi xem Cây sáo thần của Mozart ở rạp opéra Hoàng Gia, rồi tặng tôi một tấm ảnh có ghi dòng chữ "Thấy anh là lại thấy Việt Nam!".
Hữu Ngọc