hòa cùng tiếng cười nói các “người thợ” vang lên bên bếp lửa hồng gần như quanh đêm, suốt sáng… làm cho phum sóc nhộn nhịp hẳn lên, báo hiệu thêm mùa cúng Trăng (lễ hội Óoc - oom - bóc, năm nay rằm tháng 09 âm lịch) đến với đồng bào Khmer Nam bộ.
Trà Vinh hiện có khoảng 500 hộ dân với hơn 2.000 lao động là đồng bào dân tộc Khmer làm nghề quết (giã) cốm dẹp; tập trung ở 3 huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành. Nghề này tuy cực, thu nhập lại không cao bằng một số nghề khác nhưng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, có mức thu nhập ổn định khoảng 150.000 - 180.000 đồng/ngày/người.
Tại làng nghề quết cốm dẹp ấp Ba So (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), đây là một ấp có hơn 80% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là địa phương quết cốm dẹp nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, hiện có khoảng gần 150 hộ chuyên sống bằng nghề quết cốm dẹp, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 2.000kg cốm dẹp. Quết cốm dẹp thường hoạt động theo nhóm, mỗi nhóm có từ 4 - 5 người, trong đó có 1 người chuyên rang nếp, số người còn lại quết cốm và làm việc khác…
Tờ mờ sáng, làng nghề cốm dẹp Ba So nhộn nhịp hẳn lên với tiếng tí tách rang hạt lúa nếp rất thơm pha lẫn với những tiếng nói, tiếng cười tạo không khí làng cốm dẹp thêm rộn ràng.
Là người Khmer cao tuổi, lão nông Thạch Lai ở ấp Ba So (xã Nhị Trường) đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm cốm dẹp. Ông Thạch Lai kể lại: “Ngày xưa, làm cốm dẹp không phải là nghề bởi nhà nào cũng có thể tự làm được. Cứ mỗi độ cúng trăng, các bà và các chị trong sóc mang nếp ra giã để tự tay làm món ăn này dâng cúng ông bà, trời đất. Lễ hội Óoc - oom - bóc mà không có món cốm dẹp trên bàn thờ là mất hết linh thiêng”. Theo ông Thạch Lai, cốm dẹp chính là món bánh cúng của người Khmer tương tự như bánh in, bánh trung thu của người Việt. Ngày Lễ hội Óoc - oom - bóc trăng tròn vành vạnh, khắp phum sóc rộn rã đón ngày vui được mùa, nhà nhà đều háo hức chuẩn bị lễ cúng. Mâm cỗ chỉ là đĩa cốm dẹp dâng cúng tổ tiên và vài món ăn đạm bạc, bởi đây là món bánh cúng cầu mong mùa màng tươi tốt, trời đất thuận hòa nên cốm dẹp đã trở thành thứ lễ vật thiêng liêng hàm chứa ý nghĩa văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam bộ.
Nghề cốm dẹp của đồng bào Khmer nơi đây là nghề cha truyền con nối đã hơn 100 năm nay. Lúc trước bà con chủ yếu làm cốm theo mùa, nhưng hiện nay đã có nhiều hộ sản xuất quanh năm cho thu nhập ổn định. Chị Trương Thị Di - ấp Ba So, xã Nhị Trường, Cầu Ngang có thâm niên làm cốm dẹp trên 20 năm vui vẻ cho biết: “Nếu ngày thường, gia đình với 2 nhân công làm khoảng 3 giạ (20kg/giạ) nếp/ngày, 1 giạ cho 13 - 15kg cốm, bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg, vào dịp Lễ hội Óoc - oom - bóc làm trên 5 giạ/ngày vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, giá bán cũng cao hơn ngày thường từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Muốn cho cốm dẹp ngon thì lúa nếp rang với lửa nhỏ vừa, đến khi có hạt nếp nổ là nếp vừa chín tới, phải đem đi quết ngay. Làm như vậy mới đảm bảo cốm quết xong sẽ đạt được vị dẻo, thơm, ngon; hạt cốm bảo quản được lâu và không bị mốc bám”.
Còn vợ chồng anh Thạch Chánh (vợ là chị Danh Thị Mỹ Hồng) ở ấp Ba So quết cốm gia công cho cơ sở sản xuất cốm dẹp anh Thạch Dung (ấp Ba So) hơn 1 tháng nay, cứ bắt đầu 2 giờ sáng là vợ chồng chị cùng với 2 người khác đến cơ sở để quết cốm dẹp thuê (4 người nhận một lò rang, quết nếp), đến khoảng 8 giờ là nghỉ trưa, chiều từ 14 giờ quết đến 18 giờ, bình quân ngày làm hơn 100kg nếp, thu được 70kg cốm nên thu nhập cũng được trên 180.000 đồng/người/ngày. Anh Chánh nói: “Phụ nữ thì rang nếp và sàng, sẩy cốm, còn cánh đàn ông thì quết là nghề rất vất vả, tốn nhiều công sức. Đầu tiên mình giã nhẹ tay, sau đó thì mạnh tay dần. Khi thấy cốm gần trắng thì giã mạnh tay khoảng chừng 10 chày nữa là cốm sẽ trắng đều. Hơn 10 năm qua, nhờ quết cốm dẹp mà gia đình có thêm thu nhập”.
Làng cốm dẹp ấp Ba So thật sự nhộn nhịp khi gần đến mùa Lễ hội Óoc - oom - bóc, ông Bùi Văn Cuôi - Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết, hiện nay, nguồn nguyên liệu làm cốm dẹp của địa phương rất dồi dào với trên 40 hộ trồng lúa nếp, với diện tích khoảng 15ha, đủ phục vụ nguyên liệu sản xuất cốm dẹp cho các hộ Khmer làm nghề cốm của ấp Ba So, bà con làm cốm cũng đã được vận động tham gia tổ hợp tác và hiện cũng đang làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu “Cốm dẹp Ba So”. “Để làng cốm dẹp Ba So phát triển bền vững, Nhị Trường đang kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng làng nghề, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người làm cốm, góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer tỉnh nhà trong thời gian tới”, ông Cuôi chia sẻ.
Từ chỗ là phẩm vật dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của người Khmer (trong Lễ hội Óoc - oom - bóc), theo dòng thời gian, cốm dẹp hiện được xem là loại đặc sản ở Trà Vinh với hương vị rất riêng, được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước biết đến. Cốm dẹp nếp Trà Vinh còn là món ngon để giới thiệu, tiếp đãi bạn bè, biếu tặng người thân khi về sông nước miền Tây thân yêu.