Hệ miễn dịch bị làm việc “quá tải” và phút chốc bỗng trở nên “nhu nhược” trước vô số các loại vi khuẩn, virút dập dìu bên ngoài lẫn bên trong cơ thể.
Nhiệm vụ đầy trọng trách
Hệ miễn dịch của cơ thể là một cơ chế tuyệt vời nhằm bảo vệ cơ thể trước sự rình rập, dòm ngó của các loại vi khuẩn, virút, ký sinh trùng, vi sinh vật, độc chất... Những phần tử cơ hội này chỉ chực chờ những khoảnh khắc co thể bị suy yếu để ra tay, chúng dễ dàng vượt qua hàng rào phòng ngự của cơ thể để rồi xâm lược toàn bộ cơ thể chúng ta. Thế nhưng khi cơ thể chúng ta khỏe mạnh, chúng ta không hề biết rằng hệ miễn dịch của chúng ta phải làm việc cần mẫn như thế nào. Chỉ đến khi “long thể bất an” thì chúng ta mới nhận ra vai trò của hàng phòng thủ. Để ý một chúng, chúng ta sẽ thấy công trạng to lớn của hệ miễn dịch. Hãy tự hỏi sao vết thương của chúng ta mau lành? Tại sao chúng ta phải hắt hơi hoặc ho mỗi khi hít phải những phần tử lạ? Tại sao chúng ta phải nôn mửa mỗi khi ăn phải những loại thức ăn bị nhiểm độc?...
Nếu hệ miễn dịch của chúng ta làm việc một cách vô trách nhiệm thì cơ thể chúng ta phải nhận lấy một hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hệ miễn dịch đảm bảo sự cân bằng nội môi cũng như đại tu những chỗ hư hỏng. Nếu hệ miễn dịch lười biếng thì chúng ta cũng sẽ bị bất an ngay sau khi uống một ly nước hoàn toàn tinh khiết. Chúng ta cần phải biết rằng hệ miễn dịch của chúng ta làm việc hiệu quả đến đâu, chúng ta có bạc đãi nó hay không?
Các tế bào trong hệ miễn dịch của chúng ta đảm nhận vô số công việc khác nhau. Nhóm thì làm “vệ sĩ, nhóm thì làm “công nhân dọn rác”. Có nhóm lại làm lính gác thành và “Tổng tư lệnh”. Nhóm khác lại đảm nhiệm chức năng như là một kho vũ khí.
Nói một cách đơn giản, cơ thể chúng ta được bảo vệ ở ba mức độ na ná như tiền vệ, trung vệ và hậu vệ. Hàng “tiền vệ” để bảo vệ cơ thể chính là lớp da bao bọc chung quanh để bảo vệ cơ thể chúng ta, đồng thời tiết ra những chất liệu có tác dụng chống lại những vi sinh vật gây hại. Hàng tiền vệ cũng bao gồm dịch nhầy mũi, nước mắt có tác dụng chống đỡ những phần tử xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
Nếu những vị khách không mời mà đến dùng mọi thủ đoạn để vượt qua hàng tiền vệ thì chúng sẽ gây kích ứng cơ thể. Lúc này hàng trung vệ sẽ ra tay, chẳng hạn đáp trả bằng những phản ứng viêm. Cuối cùng, hàng hậu vệ sẽ tạo ra những đáp ứng miễn dịch, chống lại những phần tử xâm lăng chuyên biệt. Đây chính là vai trò của bạch huyết cầu.
Cấu tạo của hệ miễn dịch khá phức tạp. Hệ miễn dịch tác động lên tất cả mô trong cơ thể để duy trì sự cân bằng trong các hoạt động của những mô này. Các tế bào của hệ miễn dịch hoạt động một cách không riêng lẻ. Chúng sẽ hòa vào hệ tuần hoàn máu để “báo cáo” với não, hoặc chúng sẽ kích hoạt những sợi thần kinh gần đó để báo hiệu cho não nên “tùy cơ ứng biến”. Não sẽ điều khiển hành vi của chúng ta, não sẽ thay đổi mọi thứ, từ sự chuyển động của cơ thể, sự thèm ăn, khả năng “muốn”...
Những tế bào miễn dịch cũng sẽ kích hoạt vùng dưới đồi (hypothalamus). Đây là một khu vực vô cùng quan trọng của não bộ, vốn điều khiển những áp lực stress về thể chất lẫn tinh thần. Nếu cơ thể chúng ta hứng chịu stress một cách triền miên, tuyến yên (pituitary) và tuyến thượng thận (Adrenal gland) sẽ giải phóng thật nhiều cortisol. Những hoóc-môn cortisol này sẽ làm yếu cơ, tăng nhịp tim, gây mất ngủ, ngăn chặn sự tăng trưởng mô...
Ăn để phòng thủ
Bữa ăn vô cùng quan trọng cho sức khỏe. Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng những sự thay đổi “tiêu cực” xảy ra trong cơ thể do hậu quả của việc tiếp xúc với độc chất. Nếu không đáp ứng chế độ dinh dưỡng một cách thích hơp thì việc bị “thủng lưới” là một điều khó tránh khỏi. Ăn quá nhiều, hoặc ăn quá ít điều dẫn đến sự suy yếu cho hàng phòng thủ.
Những bữa ăn nhỏ thường xuyên chứa các loại protein, carbohydrates, những loại chất béo thiên nhiên sẽ giúp kích thích quá trình chuyển hóa, giúp hằng định nồng độ đường huyết, giúp duy trì năng lượng. Carbohydrates làm giảm những hoóc-môn được tiết ra những khi có stress như cortisol, adrenalin, nhờ đó làm giảm bớt những sự viêm nhiễm. Các loại chất béo như omega-3 là bạn chí cốt của hệ miễn dịch.
Các loại vitamin như: A, C, E... cũng rất quan trọng trong việc củng cố chức năng của hệ miễn dịch do chúng tác động vào chức năng của hệ miễn dịch. Ngoài ra cũng phải kể đến vai trò của kẽm. Kẽm được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong những phản ứng enzym. Một lượng kẽm thích hợp trong khẩu phần ăn sẽ vô cùng ích lợi cho “hàng phòng thủ”. Kẽm đồng thời cũng ức chế sự tăng trưởng của một số virút vốn luôn sẵn sàng “ăn cắp trứng gà” trước hàng rào phòng thủ.