Nhờ Ðề án 1816, y tế Lai Châu khởi sắc

17-11-2011 12:10 | Tin nóng y tế
google news

Nói đến Lai Châu, nhiều người nghĩ ngay đến cung đường vất vả nhất của tuyến Tây Bắc. Giao thông đi lại còn quá khó khăn và trở ngại.

Nói đến Lai Châu, nhiều người nghĩ ngay đến cung đường vất vả nhất của tuyến Tây Bắc. Giao thông đi lại còn quá khó khăn và trở ngại. Người khỏe đi đường đã mệt huống gì đến người ốm. Vì lẽ đó, Đề án 1816 đã rút ngắn khoảng cách xa ngái...

Người nghèo hưởng lợi

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, ngành y tế Lai Châu đã đón nhận trên 100 bác sĩ, điều dưỡng của 18 bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế Hà Nội.

Điều đặc biệt của Đề án 1816 là bác sĩ tuyến trên luân phiên hỗ trợ tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn ngay tại chỗ, cùng ăn ở, cùng các y, bác sĩ tuyến dưới khám và điều trị cho bệnh nhân. Chính điều này đã làm chuyển biến nhanh về chuyên môn các y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh - đơn vị chủ lực của y tế tuyến tỉnh. BVĐK tỉnh Lai Châu vừa chính thức đi vào sử dụng cơ sở mới khang trang, hiện đại từ tháng 9/2011.
 
Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư đồng bộ như máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy CT Scaner... Với tinh thần say mê học hỏi, các thầy thuốc tại BVĐK tỉnh Lai Châu đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo được điều trị thành công, không phải chuyển lên tuyến trên, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, vừa giảm chi phí cho người bệnh.

BS. Bùi Tiến Thanh - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết: “Đề án 1816 là biện pháp hiệu quả nhất và nhanh nhất giúp tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn. Thay vì phải mất nhiều thời gian để lên tuyến trên học hỏi, bác sĩ tuyến dưới vẫn làm việc tại chỗ bên cạnh sự dẫn dắt tận tình của tuyến trên.

Từ tháng 9/2008 đến nay, y tế Lai Châu đã được các bác sĩ của TW và Sở Y tế Hà Nội củng cố và chuyển giao các kỹ thuật như: xác định độ bất hoạt của virut với các loại viêm gan mạn tính, HIV trên dàn Elisa; Kỹ thuật chụp, đọc phim MRI; CT.Scanner, Xquang, rửa phim bằng phương pháp tự động hóa…

Nhiều kỹ thuật mới cũng được tuyến TW chuyển giao như: phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longor, phẫu thuật nội soi u xơ tuyến tiền liệt, phẫu thuật thần kinh, sọ não, hướng dẫn lượng giá và phục hồi chức năng thay chỏm xương đùi… Lĩnh vực sản khoa: phẫu thuật nội soi chữa ngoài tử cung, cắt tử cung qua đường âm đạo. Chuyên khoa mắt: phẫu thuật đục thủy tinh thể theo phương pháp Phaco, phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt. Chuyên khoa tai - mũi - họng: soi gắp thực quản dị vật gây mê; phẫu thuật chấn thương hàm mặt…

 Các kỹ thuật viên BVĐK tỉnh Lai Châu sử dụng thành thạo máy chụp cộng hưởng từ.

Giảm 42% số ca chuyển viện lên TW

Không chỉ được học hỏi về chuyên môn, các y, bác sĩ BVĐK tỉnh Lai Châu còn tiếp thu được tác phong làm việc vì bệnh nhân của bác sĩ tuyến trên, không kể giờ giấc, nếu còn bệnh nhân thì vẫn tiếp tục làm việc không để bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu hoặc chuyển viện, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để hướng dẫn tận tình cho nhân viên y tế tuyến dưới.

Có Đề án 1816, bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm được kinh phí đi lại, vừa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuận lợi cho người nhà thay nhau chăm sóc, bệnh nhân tin tưởng và rất yên tâm điều trị. Bệnh nhân Lò Văn Táo, 71 tuổi ở huyện Than Uyên bị dị vật thực quản, được các y bác sĩ tiến hành thủ thuật gắp dị vật dài 2,5cm, hiện sức khỏe đã bình phục, ông xúc động: “Nhờ có bác sĩ nên tôi không phải chuyển về bệnh viện Trung ương. Chiều nay được ra viện rồi, tôi cảm ơn bác sĩ ở BVĐK tỉnh nhiều lắm”.

Trong điều kiện một tỉnh nghèo, Đề án 1816 thực sự có ý nghĩa quan trọng và rất phù hợp đối với ngành y tế của Lai Châu hiện nay. Đề án đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ thầy thuốc các BVĐK tỉnh, tạo điều kiện để người dân nghèo vùng sâu vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại cơ sở, góp phần giảm đáng kể số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên; tiết kiệm chi phí đi lại cho gia đình người bệnh và xã hội.

Ông Lê Xuân Phùng - UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đánh giá rất cao Đề án 1816 của Bộ Y tế. Nhờ có Đề án 1816, số bệnh nhân phải chuyển viện từ Lai Châu về các bệnh viện TW giảm nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2008 có 576 ca phải chuyển viện thì đến tháng 11/2011, số ca phải chuyển viện chỉ còn 312 ca, giảm 42%. Một con số giàu ý nghĩa đối với một tỉnh còn nhiều hộ nghèo như Lai Châu.

Bài và ảnh: Hà Minh


Ý kiến của bạn