Nhớ đến một đêm Giao thừa ở Thủ đô

05-02-2019 00:09 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Giữa đêm 30 Tết, người ta làm lễ Giao thừa, còn gọi là lễ Trừ tịch, nghĩa là lễ tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới (Trừ là trao lại chức quan, Tịch là ban đêm). Ðối với tâm linh người Việt, Giao thừa có một ý nghĩa thiêng liêng, thời điểm trời đất và con người giao hòa...

Bước vào tuổi 100, tôi đã có dịp dự nhiều lễ Giao thừa. Nhưng đêm Giao thừa khó quên nhất là đêm Hà Nội đón xuân mấy năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Quanh Hồ Gươm Hà Nội, trai thanh, gái lịch đi lũ lượt như trẩy hội. Tôi len mãi mới chiếm được một chỗ đứng tựa giữa thành cầu Thê Húc của đền Ngọc Sơn.

Đêm tối như mực, hồi đó đèn điện còn thưa thớt. Mọi người chuyện trò ồn ào - đợi chờ. Gần 12 giờ đêm, xa xa có tràng pháo nổ đầu tiên, tiếp theo là một đợt tiếng pháo kéo dài. Bỗng tiếng còi ủ vang lên, tất cả mọi người đều im phăng phắc - thời khắc của Giao thừa. Tôi có cảm xúc khó tả, dường như tất cả đám đông quanh tôi cũng cảm thông, chia sẻ hồn cộng đồng trong giờ phút năm cũ bước sang năm mới. Nhất là khi trên nền tiếng pháo, qua đài phát thanh, tiếng Cụ Hồ đọc thơ chúc Tết vang lên.

Hồ Tây - lá phổi của Thủ đô Hà Nội.

Hồ Tây - lá phổi của Thủ đô Hà Nội.

Đúng như nhà xã hội học Gustave le Bon đã nhận định: Những khoảnh khắc như vậy tạo nên một tâm hồn chung cho đám đông, làm mờ nhạt cái riêng tư.

Nhớ lại đêm xuân ấy, tôi nghĩ mung lung đến vai trò lịch sử của hồ Hoàn Kiếm và tất cả hồ, ao đầm của Thăng Long - Hà Nội.

Trên thế giới cũng có những thành phố có diện mạo hồ, nhưng hồ không phản ánh lịch sử sâu sắc như ở ta.

Hồ Gươm với truyền thuyết kiếm thần của vua Lê, qua bao biến cố lịch sử, quả là một địa điểm huyền thoại của Hà Nội.

Không những chỉ có Hồ Gươm, mà tất cả các hồ, ao đầm đã kết tinh hồn Thủ đô.

Còn Hà Nội đối với ông bạn kiến trúc sư Pháp Christian Pédelahore, chuyên gia về kiến trúc thành thị châu Á, thì cũng là một thành phố bồng bềnh trên nước, khuôn trong sông Hồng và những phụ lưu của nó. Ông phát hiện ra một điều mà cả những nhà khoa học tự nhiên và nhân văn của ta hầu như không hoặc ít chú ý đến: những hồ và ao đầm phản ánh tâm linh sâu lắng của Thăng Long - Hà Nội.

Trong chương đầu của luận án tiến sĩ “Từ góc nhìn thành thị: Hà Nội 1873 - 2006” mà ông mất 30 năm xây dựng, ông đã nhấn mạnh về ý nghĩa đa dạng của hồ và ao đầm Hà Nội (khảo cổ địa lý, lịch sử xã hội học, dân tộc học, phong thủy...): hồ và ao đầm Hà Nội thể hiện cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa phi vật chất của Thủ đô Việt Nam. Theo ông, bản thông điệp của chúng qua thời gian và không gian như sau:

“Những hồ và ao đầm Hà Nội vẫn tiếp tục gửi gắm cho ai biết lắng nghe một bản thông điệp sâu sắc: chúng tôi là xương cốt của thành phố này, chúng tôi là âm bản của cơ thể thành phố, chúng tôi là những chiếc cổng dẫn đến những biểu trưng của thành phố, chúng tôi là tấm gương phản ánh tinh thần Hà thành, là nền móng ngầm của tính chất thành thị mà mọi người đều có thể cảm thấy và chiêm nghiệm. Đối với dân Thủ đô cũng như khách đến thăm, chúng tôi là động cơ đã bị gây mê nhưng vẫn sống động của một sự tái tạo về không gian và xã hội, rất có thể thực hiện trong tương lai”.

Pédelahore đặt “lãnh thổ” Hà Nội vào trung tâm của cái nôi dân tộc Việt Nam, đồng bằng sông Hồng mà vào thời đồ đá mới chỉ là một vịnh nước sâu. Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ với 50 con xuống bể, 50 con lên núi biểu tượng cho việc chinh phục những vùng đầm lầy qua “cuộc hôn phối giữa đất và nước” mấy nghìn năm tạo nên thảm lúa mênh mông của nền văn minh lúa nước.

“Như một điều nghịch lý, nước là nguyên liệu đầu tiên của Hà Nội, nguyên liệu đánh dấu và không ngừng nhào nặn thành phố trong toàn bộ những hình thức vật chất và tượng trưng cũng như những sử dụng cụ thể. Con người, bằng những công trình thủy lợi đã nhào nặn đất trồng và đất ở, luôn luôn tìm cách làm cho thăng bằng và giải quyết cuộc xung đột muôn thuở giữa đất và nước”.

Hà Nội là nơi tổng hợp những yếu tố lỏng và đặc và cũng là nơi những tầng lớp địa chất tiếp tục xếp lên nhau và hình thành nên một hình dáng địa lý tự nhiên trước khi có xây dựng kiến trúc.

Người nông dân Việt Nam đã kiên nhẫn xây dựng một hệ thống đê điều và sông đào, một tay cầm gầu tát nước, một tay nhào đất, cố gắng uốn nắn nước. Lãnh thổ Hà Nội có hàng ngàn điểm thấp, tạo ra không biết bao nhiêu hồ, ao đầm. Những hồ, ao đầm này cùng với sự phát triển bề mặt của thành phố sẽ là khung ngầm, những yếu tố tổ chức lóng lánh của thành phố tương lai và tạo nên bản sắc của từng khu  phố”. (Pédelahore)

Pédelahore cũng thành kính trích dẫn công trình của nhà địa lý học trứ danh Pierre Gourou về “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” (1936). Gourou đã nghiên cứu cấu trúc dân cư dày đặc của hệ thống các làng ven sông Hồng. Dưới ánh sáng của sự phân tích này, người ta có thể thấy là tất cả các thành thị miền Bắc Việt Nam đều là sự kéo dài và phát triển của nông thôn. Điều này cho thấy tính chất đặc biệt của thành thị Việt Nam và có thể của Á Đông, khác với các thành thị phương Tây với sự gián đoạn giữa nông thôn và thành thị. Pédelahore cho hồ, ao đầm Hà Nội là nguyên liệu thô, cũng có giá trị ngang với những nguyên liệu kiến trúc Hà Nội khác như gạch đá, gỗ, tre. Nguyên liệu nước ấy luôn đi đôi với đất.

Từ sau Đổi mới, Hà Nội xây dựng dồn dập và đô thị hóa nhanh chóng. Nhưng trong hoàn cảnh hiện đại hóa, hồ và ao đầm vẫn mang tính chất thời sự. Trong khi ở ngoại vi Hà Nội, những nhà cửa mọc lên như nấm, các hình thức kiến trúc xen nhau thì yếu tố tổ chức không gian thành thị vẫn là hồ, ao đầm, là những lá phổi để hô hấp.

Về mặt tâm linh, với hàng trăm đền chùa, hồ, ao đầm cũng là nơi kết tinh những hình mẫu biểu trưng nghệ thuật và văn học. Chỉ cần dẫn ra vài thí dụ, ngoài Hồ Gươm với chuyện Rùa Vàng, còn có Hồ Tây với những huyền thoại về Trâu Vàng, về tục thờ Mẫu Phủ Tây Hồ... Hồ, ao đầm cũng là nơi có nhiều hoạt động văn hóa của dân chúng, nơi nghỉ ngơi, thư giãn, gặp bạn, đánh cờ, tập thể dục... Hồ, ao đầm Hà Nội đã đi vào tâm linh con người, vào tiềm thức tập thể...

Pédelahore kết luận về hồ, ao đầm Hà Nội: “Chất liệu nước, trong hoặc mang nặng đất, dẫu chảy hay lặng, gắn bó một cách hữu cơ với kiến trúc, với lãnh thổ mà nó nhào nặn, nước hiện thân vật chất hay tính chất sâu sắc tổng hợp hài hòa của nền văn hóa Việt Nam với tính giản dị và tính tự nhiên. Do đó mà hồ và ao đầm Hà Nội thể hiện một ẩn dụ vật chất và kết tinh của tâm hồn Hà Nội”.

Tiếc thay, nhận định lạc quan của Pédelahore đang bị thực tế phũ phàng xóa bỏ. Từ sau Đổi mới không lâu, Hà Nội đang phát triển vũ bão, phá cũ, xây mới ồ ạt, không chú ý đến yếu tố nhân văn lâu dài, nên ra sức lấp hồ, ao đầm, nhất là ở phần ngoại vi mở rộng. Hậu quả đầu tiên và rõ rệt là thành phố - nhất là khu phố cổ, thiếu lá phổi (hồ, ao đầm), khiến cho tỉ lệ ô nhiễm đã báo động. Những nét nhân văn khiến cho thành phố là tinh hoa của đất Việt sẽ biến mất dần. Hà Nội rất có thể thành một thành phố hiện đại, nhưng liệu có còn giữ được hồn Việt nghìn năm hay không?

Hà Nội có hàng ngàn điểm thấp, tạo ra không biết bao nhiêu hồ, ao đầm. Những hồ, ao đầm này cùng với sự phát triển bề mặt của thành phố sẽ là khung ngầm, những yếu tố tổ chức lóng lánh của thành phố tương lai và tạo nên bản sắc của từng khu phố.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn