Nhớ đêm Noel năm ấy...

22-12-2017 20:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Noel là thầy trò lớp 10A (năm học 1972-1973), Trường phổ thông cấp 3 Trưng Vương (bây giờ là PTTH), lúc đó đóng trụ sở tại ngõ Quan Thổ, phố Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng ngày nay), đều tổ chức họp mặt tại nhà Long , ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên…

Công việc đầu tiên, thầy trò chúng tôi rủ nhau ra Đài tưởng niệm Khâm Thiên dành một phút mặc niệm tưởng nhớ hương hồn đồng bào đã mất trong đêm Noel 1972 do máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt cả khu phố Khâm Thiên, trong đó có bố mẹ và em gái Long - một học sinh trong lớp tôi chủ nhiệm hồi ấy. Và thầy trò chúng tôi cùng bồi hồi xúc động nhớ lại ngày này 45 năm về trước...

Thực ra thì từ đầu hè, tháng 6/1972, không khí đã căng thẳng lắm rồi. Ních-xơn ném bom trở lại miền Bắc với lời đe dọa đưa Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá” (?!!). Lệnh sơ tán được thi hành triệt để. Một lần nữa thầy trò các trường học nội thành Hà Nội lại “ra đi” nghiêm chỉnh thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.Đài tưởng niệm phố Khâm Thiên.

Đài tưởng niệm phố Khâm Thiên.

Trường phổ thông cấp 3 Trưng Vương chúng tôi được phân về vùng đồi núi xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Một vùng giáo dân toàn tòng. Giữa làng có một ngôi nhà thờ cao ngất. Thầy trò chúng tôi bắt tay xây dựng trường, lớp. Chỉ là tranh tre nứa lá ẩn mình dưới tán cây ăn quả lưu niên. Chung quanh lớp học đắp ụ cao, có giao thông hào dẫn ra hầm chữ A. Ban Phòng không của xã nhiều lần đến kiểm tra, tổ chức thực tập, khi có kẻng báo động, thầy và trò nhanh chóng triển khai đội hình, chỉ mất 3 phút đã ẩn nấp gọn gàng trong nhà hầm. Đã hai lần rốc két của không lực Hoa Kỳ bắn xuống trường học, nhưng do phân tán kịp thời ra hầm trú ẩn nên Đội Chữ thập đỏ của trường, lớp chưa phải vận dụng những điều đã học vào nhiệm vụ sơ cứu lần nào. Lớp chia thành nhóm “tam tam” ở lẫn trong dân. Bà con xã Cộng Hòa thường phần cho thầy trò Thủ đô gian ngoài - cũng là nơi “sang” nhất của ngôi nhà. Thầy trò “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Hằng ngày 5 giờ sáng, khi đài phát thanh nổi nhạc hiệu thể dục, thầy trò và thanh, thiếu niên trong làng đổ ra sân hợp tác xã rộng mênh mông tập bài thể dục sáng. Khi trở về nhà là các “mẹ” - học sinh của chúng tôi gọi các bà chủ nhà là mẹ - vì họ chăm chút các học sinh sơ tán đúng như bà mẹ thứ hai - đã chuẩn bị sẵn bữa sáng để các em ăn trước giờ đi học. Bữa sáng thường chỉ là một củ khoai hoặc sắn, một nắm cơm nếp, bát cơm rang tép đồng, một bát nước nụ vối... nhưng cái tình người ấm áp thì vẫn theo mãi chúng tôi cho đến tận bây giờ. Trang bị của học sinh thời chiến đơn giản lắm, bộ quần áo “phòng không” màu lá cây, chiếc túi vải đựng sách vở đeo chéo qua vai. Một lọ mực - khi đó chưa có bút bi, bút máy, học sinh viết bằng bút chấm mực. Chân đi dép lốp, dép nhựa Tiền Phong. Đặc biệt trên đầu luôn phải đội mũ rơm, là mũ tết bằng nguyên liệu rơm do học trò tự tay bện. Mũ rơm che nắng mưa và đặc biệt tránh sát thương bom bi, mảnh đạn do máy bay Mỹ ném  xuống hạ sát dân lành.

Thỉnh thoảng, vào ngày chủ nhật, gia đình, bố mẹ từ Hà Nội đến thăm, “tiếp tế” gạo, dầu hỏa, mắm muối, các loại thức ăn chín mua theo tiêu chuẩn tem phiếu, còn khoản rau tươi, tương, cà, dưa muối... thì gia chủ nơi sơ tán luôn “viện trợ không hoàn lại” cho cả thầy và trò.

Ngày ngày máy bay Mỹ vẫn gầm rít, quần thảo trên bầu trời, đâu đó vẫn có tiếng bom rơi đạn nổ. Song, thầy trò thời ấy vẫn sôi nổi thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Dạy và học chính là mặt trận chiến đấu dành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” của thầy và trò những năm tháng ấy.

Rồi những ngày tháng Chạp năm 1972, giặc Mỹ “leo thang” gây tội ác ở Hà Nội. Tin dữ từ Hà Nội, nơi có những người thân yêu ở lại đang chiến đấu trong lòng Hà Nội cứ dồn dập bay đến với thầy và trò:

- Ngày 19/12, B52 của giặc Mỹ ném bom xuống An Dương.

- Ngày 20/12, chúng bắn phá làng hoa Ngọc Hà.

- Ngày 22/12, chúng bắn rốc két nhằm phá sập cầu Long Biên...

Đêm 24 rạng ngày 25/12, thầy trò chúng tôi theo bà con giáo dân địa phương đến nhà thờ để đón lễ Giáng sinh. Giọng giảng của Cha xứ thật trầm ấm, chúng tôi đang bị cuốn vào câu chuyện kinh Thánh đầy huyền thoại thì bỗng lệnh báo động vang lên. Cha ngừng giảng. Đèn tắt. Không gian đen lạnh. Tất cả trật tự, nhanh chóng tản ra các hầm trú ẩn với câu hỏi nhức nhối: “Hôm nay chúng đánh ở đâu?”. Một tiếng “xẹt” nhức óc vụt qua đầu chúng tôi rồi lao nhanh về phía Hà Nội. Rồi những tia chớp sáng lóe nhùng nhoằng, sau đó là tiếng bom rền chát chúa. Tiếng các loại súng phòng không của ta nhả đạn. Những quả tên lửa xanh lè rạch ngang bầu trời. Phía xa xa, một quầng lửa xanh lam bung ra. Ai đó reo lên: “Máy bay B52 rơi rồi!”. Thầy trò chúng tôi vui sướng nhảy lên ôm nhau hét...Máy bay Mỹ rơi trên bầu trời Hà Nội 1972 ( ảnh TL).

Máy bay Mỹ rơi trên bầu trời Hà Nội 1972 ( ảnh TL).

Cho tới mãi tận trưa hôm sau, thầy trò chúng tôi mới biết tin cả dãy phố Khâm Thiên giờ đây đã thành bằng địa bởi trận bom B52 đêm Giáng sinh hôm trước. Lớp của tôi có khá đông các em nhà ở phố Khâm Thiên: nhà Trạch, An, Minh Ngọc, Phan Phương, Vĩnh, Long, Lộc... Các em học sinh quây lấy tôi khóc đòi về nhà xem ai còn, ai mất. Tôi khuyên các em bình tĩnh, yên tâm học tập. Tôi và Việt, Bí thư Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh về trước nắm tình hình cụ thể. Đúng hai tiếng đồng hồ thầy trò đèo nhau bằng chiếc xe đạp nhãn hiệu Thống Nhất không phanh, không chuông, không gác-đờ-bu, chúng tôi đã có mặt ở Ô Chợ Dừa. Tất cả là bằng địa cho đến ngã tư Khâm Thiên - đường Nam Bộ. Bộ đội, công an, dân phòng... đang khẩn trương đào bới đống gạch ngổn ngang để cứu người trong hoang tàn đổ nát. Phải một ngày sau, thầy trò tôi được biết: Rất may mắn là bố mẹ các em giờ đó đều đi làm ca 3 hoặc trực chiến ở đơn vị nên đều thoát nạn. Trừ cha mẹ Long và cô em gái mới lên 2, họ đã tử nạn vì bom B52 của giặc Mỹ...

Long trở lại lớp với vòng trắng khăn tang trên đầu. Cả lớp chia sẻ nỗi đau mất mát với Long. Một cuộc mít-tinh “xuất phát từ trái tim” của trường tổ chức trang nghiêm: Tố cáo tội ác của Mỹ ném bom B52 hòng hủy diệt phố Khâm Thiên, nơi ở lâu đời của bà con lao động nghèo xích lô, ba gác, tần tảo kiếm sống quanh Ngõ chợ Khâm Thiên. Ca ngợi trận thắng Điện Biên Phủ trên không và phát động đợt thi đua: Sửa sang hầm hào, bảo đảm tính mạng, yên tâm học tập, hoàn thành tốt học kỳ I, năm học 1972-1973. Cả trường chúng tôi quyên góp giúp đỡ Long dựng lại ngôi nhà tạm trên nền gạch đổ nát để Long có chỗ thờ cúng cha mẹ, em gái. Cái Tết giá lạnh năm 1972 chẳng bao giờ quên ấy, cả lớp chúng tôi quây quần đón xuân tại nhà Long.

Và cũng vào mùa tuyển quân đầu xuân 1973, lớp chúng tôi đã tiễn 5 em học sinh xếp bút nghiên lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Họ ra trận mang theo sức mạnh của lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược, chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc!


LÊ SỸ TỨ (Nguyên giáo viên - Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường TV3)
Ý kiến của bạn