Hà Nội

Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa

27-01-2013 14:00 | Thời sự
google news

Trong ký ức của mọi người, cái cổng làng thường gợi nhớ nhiều điều nhất bởi mỗi khi chúng ta phải ra ngoài làng đều đi qua cái cổng làng, do đó khi đã xa quê hương, lúc nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có ngôi nhà và những người thân thì cái cổng làng là điều khiến ta nhớ nhất.

Trong ký ức của mọi người, cái cổng làng thường gợi nhớ nhiều điều nhất bởi mỗi khi chúng ta phải ra ngoài làng đều đi qua cái cổng làng, do đó khi đã xa quê hương, lúc nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có ngôi nhà và những người thân thì cái cổng làng là điều khiến ta nhớ nhất.

Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 1
 Cây đa trở thành cổng làng.
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 2
 Cổng một ngôi nhà cổ.
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 3
 Cổng nhà.
Cái cổng làng có thể chỉ là một hai cây cổ thụ nơi đầu làng, có thể là chiếc cổng xây bằng gạch, ở đó có những chữ Hán tên làng và đôi câu đối ở hai bên cột. Về kiến trúc, nhiều cổng làng ta cứ tưởng giống nhau, nhưng quan sát kỹ, mỗi cổng làng đều có những nét rất riêng. Khoảng hơn chục năm gần đây, do phương tiện giao thông phát triển, có nhiều ôtô, xe máy đi lại, đường làm lớn hơn nên cái cổng làng nhỏ bé xưa phải phá đi để xây dựng cái mới to hơn và bằng nhiều chất liệu như xi măng, gạch, cột sắt thép... Đã có những người do xa xứ lâu năm, khi về tới quê ngỡ ngàng tưởng mình lạc lối, bởi trong sâu thẳm của trí nhớ vẫn là cái cổng làng ta đã đi qua, ta đã từng trèo lên lúc tuổi thơ, ta đã từng chơi trò ú tim cùng bạn... Đặc biệt, những vùng quê ven đô, khi đô thị được mở rộng tới thì đương nhiên cái cổng làng dễ bị phá bỏ hoặc bị các ngôi nhà hai ba tầng chen lấn. Tôi tin rằng những vị cao tuổi sẽ rất buồn khi cái cổng làng bị đập phá. Tôi đã chứng kiến cảnh một số ông cụ, bà cụ tần ngần đứng nhìn khi cái cổng làng bị đập đi. Có lẽ cái cổng làng cũng như một cửa khẩu trên đường biên giới để sang các quốc gia khác, chỉ khác là nơi đây mọi người đi lại tự nhiên, không phải trình giấy tờ trừ phi đường làng cấm xe ôtô trọng tải lớn đi vào, hoặc làng muốn thu lệ phí các loại phương tiện lớn để duy tu sửa chữa hằng năm.

Cái cổng nhà ở Việt Nam cũng vậy, rất đa dạng, có khi chỉ là hai khóm trúc hai bên, hai cây cổ thụ thêm những hàng cây bờ rào... Cái cổng nhà ấy tồn tại hàng nghìn năm xưa ở vùng quê mọi miền. Nhưng nay cũng đã biến đổi, nhiều cổng nhà được xây kiên cố bằng gạch, bê tông, trên có mái lợp ngói xanh, ngói đỏ, có cánh cửa bằng sắt, gỗ kiên cố. Sự thay đổi ấy cũng bởi nhiều gia đình có kinh tế khá giả hơn và cái nạn trộm cắp xảy ra khiến mọi người chú trọng hơn tới việc bảo vệ ngôi nhà của mình.

Ngôi nhà ở vùng nông thôn đã có cổng thì đồng thời cũng có hàng rào phân cách giữa nhà, vườn gia đình này với gia đình khác. Vần thơ ngày xưa ấy:

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”

Vâng cái hàng rào ấy đơn giản chỉ là mấy cây trúc, cây nứa cắm lên để mồng tơi, cây đậu, cây mướp leo, hoặc giả có ken kín cũng là để đàn gà, chú chó đỡ phá vườn rau chứ ít nhằm mục đích chống kẻ gian. Cái hàng rào xưa ấy thấp dưới đầu người để hàng xóm gọi nhau sang uống bát nước vối, chè xanh, ăn củ khoai, múi mít mỗi buổi sáng, buổi chiều. Cái hàng rào ấy tưởng rằng ngăn cách lứa đôi, nhưng nó lại là sợi dây cho tình cảm đôi lứa: Khi cô gái nhà bên ngắt rau để chàng trai hàng xóm ngước sang buông lời thăm hỏi rau nhà tốt quá, hoặc khi chàng trai ngồi gốc cây đọc cuốn sách để cô gái nhà bên đánh tiếng trêu đùa: “Anh đọc to đoạn thơ em nghe cùng với, đọc thư em nào mà tần ngần thế”, kèm theo tiếng cười khúc khích. Cái hàng rào thấp nhỏ ấy để hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, chỉ một tiếng gọi to nhà bên đã biết, nhà này đi vắng hết nhà bên cũng để mắt trông chừng giúp khi có người lạ vào nhà; trông con chó, con gà phá vườn rau để đuổi giúp.

Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 4
Cổng làng Vạn Phúc.
 
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 5
Tường bao xếp bằng đá ở các tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc.
 
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 6
 Cổng nhà và hàng rào ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
 

Những kiểu hàng rào bằng cây, que ấy thường tồn tại ở vùng đồng bằng. Ở nhiều vùng khác như làng cổ Đường Lâm, được xây bằng gạch đá ong, ở vùng núi Tây Bắc được xếp bằng đá nhưng cũng không cao quá đầu người.

Ngày nay, nhiều ngôi nhà đã có hàng rào được xây kiên cố, có khi phía trên còn giăng thêm kẽm gai, cắm thêm vỏ chai thủy tinh lởm chởm nhọn hoắt để chống kẻ gian. Cuộc sống cũng bắt đầu theo kiểu: “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”, nếu muốn sang nhà nhau chơi phải bấm chuông điện hoặc đập cửa thình thình như nơi thành phố. Vậy là khoảng cách hàng xóm, láng giềng cứ xa dần, xa dần; ông già bà cả ngồi nhà chỉ còn biết nhìn đàn gà, chú chó ngoài sân nếu các cháu đi học hết hoặc mở đài, tivi để có thêm tiếng nói từ loa cho đỡ buồn. Chàng trai, cô gái nhà bên lớn lên dù không thoát ly, hàng xóm cũng bất ngờ khi nhận được thiếp mời cưới mới biết con ông ấy, bà ấy đã lớn thế rồi.

Tôi không rõ, nhiều người đã ở thành phố lâu năm khi về đến quê nhà vào dịp lễ tết có thấy nao lòng, tiếc cái cảnh ngôi nhà mất đi hàng rậu bằng cây xanh rì thấp dưới đầu người ấy không? Và có cảm thấy nhức nhối bởi những bức tường gạch màu xám mà bên trên có dây kẽm gai, có những mảnh thủy tinh nhọn hoắt cứ như cái nhà tù Hỏa Lò trước kia ấy. Tôi đã từng chứng kiến cảnh, ông sang chơi nhà bên cạnh gọi cháu đưa giúp ông cái điếu cày hút thuốc lào, thằng bé cầm chiếc điếu leo lên cành cây bên nhà và gọi ông bắc ghế lên để lấy chiếc điếu cày, vì bức tường gạch bưng kín mà cháu thì đang vội học bài. Lúc ấy, tôi lại thấy tiếc cái hàng rào đơn sơ, cái tình hàng xóm, láng giềng chân chất ngày xưa đến thế.

Bài, ảnh: Duy Tường

 


Ý kiến của bạn