GS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam nằm ở khu vực cận nhiệt đới gió mùa, đây là kiểu khí hậu nóng ẩm, tạo điều kiện tốt cho dịch bệnh lưu hành quanh năm. "Tôi vẫn hay nói một câu là "mùa nào thức nấy", tức là mùa xuân thường có một số bệnh do virus, mùa hè dễ có các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, mùa đông thường dễ có dịch cúm… Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của dịch bệnh", PGS.TS. Trần Đắc Phu nói.
Việt Nam là quốc gia khá đông dân, văn hóa, đời sống có sự giao lưu lớn, tiến trình đô thị hóa cùng ngày càng phát triển… Đây cũng là những đặc điểm có thể làm phát sinh thêm một số dịch bệnh.

Tiêm chủng cho trẻ em ở trạm y tế phường.
Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các bộ, ngành luôn quan tâm đến công tác phòng chống dịch. Nếu không may xảy ra dịch bệnh lớn, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với ngành Y tế. Nền kinh tế của Việt Nam tuy vẫn còn khó khăn, nhưng phòng chống dịch bệnh vẫn luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chú trọng quan tâm đầu tư một cách đặc biệt. Tiêu biểu phải kể đến Chương trình Tiêm chủng chống dịch và Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đây là 2 chương trình tiêm chủng được miễn phí hoàn toàn. "Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng vaccine mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế", PGS. TS. Trần Đắc Phu khẳng định.
Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng.
Từ năm 1985 tới nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trong cả nước đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR. Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình, bao gồm: Vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib.
Trong giai đoạn thí điểm (1981- 1984): Chương trình TCMR chủ yếu sử dụng hình thức tiêm chủng chiến dịch (tiêm chủng hàng loạt) trên một số địa bàn có nguy cơ cao. Hình thức tiêm chủng thường xuyên (tiêm chủng hàng tháng) bắt đầu được áp dụng ở một số địa bàn có điều kiện thuận lợi và từng bước được mở rộng. Hết giai đoạn thí điểm đã có 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyến huyện và xã triển khai còn rất thấp.
Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trong cả nước (1985 - 1990): Đến năm 1986 đã có 100% số tỉnh và 60% số huyện trong cả nước triển khai lịch TCMR. Đến năm 1989, đã có 100% số huyện với trên 90% số xã triển khai chương trình này. Kết thúc giai đoạn 1986 - 1990 đã có 40/40 (100%) tỉnh, 530/530 (100%) huyện triển khai dịch vụ TCMR. Tuy nhiên còn tới 3,6% số xã với gần 400 xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa triển khai được công tác tiêm chủng.
Giai đoạn xóa xã trắng về TCMR (1991-1995): Những xã này có địa bàn rất khó khăn do thiếu điều kiện giao thông, cơ sở y tế, lưới điện… Mặt khác, đây là vùng sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc ít người, của những người nghèo, thiếu cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế do vậy việc xóa các xã trắng về tiêm chủng là một mục tiêu cấp bách và hết sức khó khăn.
Giai đoạn duy trì và nâng cao chất lượng Chương trình TCMR (từ năm 1996 đến nay): Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình TCMR lại Việt Nam đang cung cấp 12 loại vaccine, bao gồm: Vaccine phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh (BCG), vaccine viêm gan B liều sơ sinh, vaccine SII (vaccine 5 trong 1), vaccine phòng bại liệt (OPV), vaccine phòng bại liệt (IPV), vaccine phòng bệnh sởi (MVVac), vaccine phòng bệnh sởi - Rubella (MRVac), vaccine tiêm nhắc bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT), vaccine viêm não Nhật Bản (Jevax), vaccine phòng tả, vaccine thương hàn, vaccine uốn ván. Ngày 29/10/2024, Bộ Y tế chính thức triển khai kế hoạch đưa vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy vào Chương trình TCMR vv...

Đã có nhiều loai8j vaccine được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: Trần Minh.
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những vaccine trong Chương trình TCMR kể trên đều bắt buộc trẻ em phải tham gia. Ngoài trẻ em, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng trong Chương trình TCMR, với loại vaccine phòng uốn ván.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác... để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, qua 44 năm thực hiện Chương trình TCMR, địa bàn được bao phủ dịch vụ TCMR tăng dần hàng năm ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã trên phạm vi toàn quốc. So với thời điểm trước, số loại và số lượng vaccine trong Chương trình TCMR đều đã được nâng lên.
Nhờ chương trình TCMR, trẻ em có cơ hội được bảo vệ sức khỏe miễn phí khỏi sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, Rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Đến nay, Chương trình TCMR được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam. 44 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ mắc và tử vong.
"Chương trình TCMR chính là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vaccine mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế", PGS.TS. Trần Đắc Phu tự hào nói.
Bệnh bại liệt được chúng ta thanh toán năm 2000. Bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ vào năm 2005. Ngoài ra, còn nhiều dịch bệnh sau khi được thực hiện tiêm chủng bởi Chương trình TCMR đã giúp giảm hàng trăm, hàng nghìn lần so với thời điểm chưa có chương trình như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản… Trước kia, ngày nào cũng có bệnh nhân phải vào viện vì những bệnh này, nhưng đến nay gần như đã không còn tình trạng đó.
PGS.TS. Trần Đắc Phu nói: "Tôi đánh giá Chương trình TCMR đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Như tôi đã nhận định, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh phát triển là khí hậu, thời tiết, giao thương, đô thị hóa… Những nguyên nhân này rất khó giải quyết. Lúc này sự miễn dịch cộng đồng là điều rất quan trọng và chỉ có tiêm chủng mới có thể giải quyết được vấn đề này. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia có dân số đông, nhiều nơi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhờ Chương trình TCMR đã tiêm chủng miễn phí cho người dân, chúng ta có thể đạt được những thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay".

Đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đó là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng. Tiếp đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.
Đặc biệt tại các địa phương là "vùng trũng" của tiêm chủng như vùng sâu, vùng xa, đã có những thôn, bản là "điểm trắng" của tiêm chủng, vì người dân chưa được hiểu rõ về lợi ích của việc tiêm chủng. Tuy nhiên, nhờ sự cần mẫn của nhân viên y tế, việc truyền thông về tầm quan trọng và lợi ích của Chương trình TCMR của chính quyền các cấp, tổ chức, các cơ quan thông tấn, báo chí, đã giúp nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Giúp đảm bảo mỗi trẻ em đều được tiếp cận kịp thời với tiêm chủng phòng bệnh.
Để tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, chính quyền các cấp các ban, ngành, đoàn thể cần có sự quan tâm, tiếp tục chỉ đạo sát sao hơn nữa, đặc biệt ưu tiên kinh phí triển khai Chương trình TCMR. Bổ sung, hoàn thiện chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm tiêm chủng, ví dụ kinh phí hỗ trợ cho người đi tiêm sau khi Chương trình TCMR không còn là chương trình mục tiêu thì nhiều địa phương đã cắt bỏ sự hỗ trợ này... kinh phí cho công tác phòng, chống dịch những bệnh có vaccine như sởi, bạch hầu...
Ngoài ra, cần chú trọng đánh giá, biểu dương công sức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác tiêm chủng từ Trung ương tới cơ sở. Đặc biệt cần quan tâm đến những người làm công tác tiêm chủng tại vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn, bao gồm cả cán bộ y tế dự phòng, cán bộ khối điều trị, những người làm công tác truyền thông… Bên cạnh đó, cũng cần biểu dương các tổ chức đoàn thể, bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế… đã quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ cho công tác tiêm chủng trong thời gian qua.