Nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

28-08-2019 09:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Làm sao nói hết được sự đau thương vô hạn của mọi người sau khi Bác mất.

Riêng về phần tôi, tôi muốn hồi tưởng lại những ngày đã qua, hồi tưởng lại từng phút được sống gần Bác, được Bác chỉ bảo dạy dỗ. Ít nhất cũng để một chừng nào nguôi tình đau thương, nhớ Bác.

GS. Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954).

GS. Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954).

Nhớ Bác quá. Nhớ ngày gặp Bác đầu tiên ở Bắc bộ phủ: một cụ già ăn mặc rất giản dị, gầy gò, trán cao, hai mắt sáng, từ toàn thân toát ra một sức hấp dẫn lạ thường. Ngay giờ phút ấy, tâm hồn và trí tuệ của tôi đã đi theo Bác. Tôi vui sướng lắm. Về nhà, gặp mẹ tôi, tôi nói: “Mẹ ơi, nước ta nhất định độc lập rồi. Vì có Cụ Hồ”. Thấy tôi vui nên mẹ tôi cũng mừng lắm! Mẹ tôi chạy ngay đi làm bánh nậm để đem lên biếu Bác...

Rồi tới ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi thoát khỏi vòng vây của địch ở Đốc Tín, tôi nhận được một cái thiếp của Bác có đóng một dấu triện đỏ nhỏ với hàng chữ đánh máy màu tím như sau: “Bác sĩ Tùng, chú làm việc rất hăng hái, tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thành công. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền, cháu thảo...”.

Hòa bình lập lại, Bác vẫn theo dõi trên báo chí các thành tích về y tế của ta. Một hôm gặp tôi, Bác hỏi: “Sao chú mấy lâu nay lại ít cho tin tức về mổ xẻ của ta? Còn cái bà có hòn đá trong tim nay còn khỏe không?”. Tôi sực nhớ đến một bệnh nhân mà cách đây 2 năm tôi đã mổ lấy ra một cái u lớn có vôi hóa đè trên tim. Thế mà Bác cũng biết. Thì ra Bác quan tâm và theo dõi từng bước tiến của tôi.

Năm 1962, tôi được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Sau lễ tuyên dương, tôi được cùng 44 đồng chí Anh hùng khác đến thăm Bác, Bác vui lắm. Bác bảo: “Các cô, các chú phải lần lượt phát biểu cảm tưởng đấy”. Đến lượt tôi, thấy tôi chậm giơ tay, Bác nói: “Chú Tùng cũng phải nói chứ, ít nhất cũng để các người Huế với nhau nghe với”. Chưa bao giờ tôi cảm động đến thế! Con người tôi đã bao nhiêu lần lạnh lùng cầm cái sống và cái chết trong tay, thế mà hôm nay tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, không trấn tĩnh được tình cảm dạt dào trong lòng. Tôi thưa lại với Bác chuyện cũ, chuyện 10 năm về trước, tại một buổi lễ trong một khu rừng Việt Bắc, Bác Tôn trước mặt Bác đã gắn cho tôi Huân chương Kháng chiến. Tôi nhớ khi ấy, tôi có nói: “Tôi ở một thành phần giai cấp mà con đường duy nhất là đi đến phản cách mạng. Thế mà nhờ sự giáo dục của Đảng, tôi lại được thưởng Huân chương”.

Từ bấy đã 10 năm. Hôm nay, ở ngực tôi không phải chỉ có 1 huân chương mà nhiều huân chương, tôi lại được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Tôi nhớ có lần một người bạn Đức được biết lịch sử đời tôi đã nói: “Đảng các anh đã hóa đá thành vàng”. Đúng là như thế!

Hôm nay được hưởng vinh dự lớn lao này, làm sao tôi lại không cảm động, không nhắc đến công ơn của Đảng, của Bác. Kể chuyện cũ xong, tôi hứa với Bác làm sao chúng tôi cũng hết sức xây dựng một đội ngũ cán bộ y học hùng mạnh để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, để đưa y học nước nhà vào hàng những nước tiên tiến. Tôi còn hứa thêm với Bác, anh em chúng tôi sẽ hết sức công tác để làm cho nước nhà được nhanh chóng thống nhất. Và nếu Bác được trông thấy sự thống nhất đó, ấy là vinh dự lớn nhất trong đời tất cả anh em chúng tôi. Hỡi ôi! Thế mà Bác đã mất rồi! Lời hứa với Bác, thế là chúng tôi chưa thực hiện được. Ân hận vô cùng. Phải làm sao đây, phải nỗ lực thế nào để đền đáp công ơn Bác.

Bác ơi! Công ơn bác đối với con thật như trời như biển. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con đi để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con.

Thật thế. Ôn lại những bài học Bác dạy, tôi càng thấm thía sự ân cần của Bác đối với tôi như tình cha, con: “Chú phải sống như người ta, làm như người ta mới có thể cảm hóa người ta”, “Cái gì có lợi cho nước thì làm, không có lợi thì không làm”, “Muốn thành công việc gì, trước hết phải đoàn kết với nhau; thiếu đoàn kết không bao giờ làm được việc gì”. Chao! bài học đoàn kết, nhất là bài học đoàn kết thì dân ta thấm thía vô cùng, thấm nhuần sâu sắc.

Nghĩ lại, nếu quả tôi đóng góp được chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp, trí, dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

...Bác sẽ sống mãi trong lòng chúng con. Bác đi nhưng Bác đã truyền cho chúng con một sức mạnh vĩ đại. Bác đã để lại trong tâm hồn của mỗi chúng con một mùa xuân bất diệt. Chúng con sẽ đi tiếp con đường của Bác, thực hiện bằng được sự nghiệp của Bác. Lại một lần nữa, con xin thề với Bác tuyệt đối trung thành với cách mạng, với Đảng và quyết tâm xây dựng một Tổ quốc thống nhất, hạnh phúc có một nền y học vững chắc và hùng mạnh, xứng đáng với dân tộc ta, xứng đáng với tấm gương muôn đời sáng tỏ của Bác (Báo Cứu quốc số ra ngày 21/9/1969).

HOÀNG ANH (Trích từ sách Tôn Thất Tùng cuộc đời và sự nghiệp, NXB Y học 1997 và 2002)


GS. Tôn Thất Tùng (Anh hùng Lao động - nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức)
Ý kiến của bạn