Kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ
Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi tìm về nhà của cựu nhà báo Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy, trú tại TP Vinh, Nghệ An), năm nay 86 tuổi nhưng hết sức minh mẫn. Trong căn nhà khang trang nơi cuối con ngõ nhỏ, thấy có khách, ông vui vẻ đón tiếp và kể cho chúng tôi về lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất được gặp Bác Hồ. Kỷ niệm ấy dường như vẫn nguyên vẹn trong ông.

Bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc đời một người phóng viên được ông Hương giữ gìn cẩn thận.
Giờ đây, khi ở tuổi "bát thập cổ lai hy" nhưng mỗi khi nhìn lại bức ảnh mà ông Phan Duy Hương được chụp cùng Bác Hồ khi Người đi thăm Nông trường Sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) trong lòng ông lại bồi hồi xúc động.
"Dáng người cao cao, bước đi nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, cử chỉ ân cần của Bác… tất cả vẫn sống động trong tâm trí tôi như mới hôm qua", ông Hương hồi tưởng.
Năm 1960, chàng trai trẻ Phan Duy Hương bén duyên với nghiệp báo chí tại tờ Nhân dân Nghệ An (tiền thân của Báo Nghệ An). Khi đó, ông còn rất trẻ, mới vào nghề hơn một năm nên vẫn đầy bỡ ngỡ. Vì vậy, được phân công đưa tin về chuyến thăm quê lần thứ hai của Bác là điều ông không ngờ tới.

Cựu nhà báo Phan Duy Hương hồi tưởng về kỷ niệm đặc biệt nhất trong cuộc đời của mình, được gặp và đưa tin về sự kiện Bác Hồ thăm Nông trường Sông Hiếu.
Ngày 8/12/1961, nhân dân Nghĩa Đàn hân hoan chào đón lần thứ hai Bác Hồ về thăm. Đây là sự kiện trọng đại, nên các cơ quan thông tấn đều cử những phóng viên kỳ cựu nhất tham gia đưa tin. Sáng 10/12/1961, ông Hương được giao nhiệm vụ lên Nông trường Sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn) đưa tin chuyến thăm của Bác Hồ.
"Tôi vừa bất ngờ, vừa vui sướng, lại vừa lo lắng. Gặp Bác là vinh dự lớn lao, nhưng cũng sợ mình thiếu kinh nghiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao", ông chia sẻ.
Để trông chững chạc hơn, ông được cơ quan mượn cho một chiếc áo Tôn Trung Sơn và chiếc mũ vải. Hôm ấy, ông cùng đi trên ô tô của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên Nông trường Sông Hiếu. Khi ấy, Bác đang có mặt tại Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành), đơn vị đi đầu trong phong trào trồng cây toàn miền Bắc.

Đây là lần thứ 2, Bác Hồ về thăm quê hương sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước... (Ảnh tư liệu).

Bác thăm và trò chuyện cùng công nhân Nông trường Sông Hiếu và người dân huyện Nghĩa Đàn (Ảnh tư liệu).
Sau khi thăm HTX Vĩnh Thành, Bác Hồ lên trực thăng đến Nông trường Sông Hiếu. Trực thăng hạ cánh, Bác bước xuống, dáng người cao ráo, không kém gì anh phi công Liên Xô đi cùng. Lúc này, người dân đã tập trung rất đông tại khu vực tổ chức mít tinh để chào đón, nhưng Bác không vào khu vực mít tinh ngay mà đi thẳng lên đồi cà phê.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với công nhân nông trường cà phê (Ảnh tư liệu).
"Bác bước những bước dài và nhanh, khiến tôi phải chạy mới theo kịp. Nhưng cũng nhờ thế, tôi được chứng kiến những hình ảnh rất đời thường và gần gũi về Bác. Trên đường lên đồi cà phê, nhìn thấy một cháu nhỏ chừng 2 - 3 tuổi theo mẹ lên rẫy, Bác tiến lại gần âu yếm, cười hiền từ. Lúc đó, tôi cảm nhận Bác là người giản dị, tình cảm, những lo lắng cũng vơi bớt và tự tin hơn trong tác nghiệp," ông Hương hồi tưởng lại.
Trên đồi cà phê, Bác hỏi bà con về mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc cây. Trên đường trở lại khu vực mít tinh, Bác còn ghé vào một lán công nhân để kiểm tra nơi ăn chốn ở của họ. Khi lên khán đài tre, Bác đã có buổi trò chuyện ấm áp với nhân dân và công nhân Nông trường Sông Hiếu.
Trước lúc chia tay, Bác đi một vòng chào bà con, dặn mọi người: "Các cô chú và các cháu tránh xa máy bay kẻo cánh quạt quay sẽ tung bụi". Những hình ảnh, lời nói của Bác khắc sâu vào tâm trí tôi. Không chỉ là vinh dự được trực tiếp gặp mặt, tác nghiệp về lần Người về thăm quê, mà còn giúp tôi học được từ Bác phẩm chất đạo đức, ứng xử tình cảm với nhân dân, phong cách làm việc…" cựu nhà báo Phan Duy Hương nói.
Tấm ảnh bất ngờ sau ba thập kỷ
Như bao người dân xứ Nghệ, ông Hương luôn mong mỏi được chụp ảnh chung với Bác Hồ. Là phóng viên trực tiếp đưa tin, được gặp và đứng gần Bác, nhưng lại không có được tấm ảnh kỷ niệm nào thì quả thật đáng tiếc.
Khi Bác tranh thủ nghỉ trưa trong lán, ông Hương cứ đứng lấp ló ngoài cửa, nhấp nhổm định vào xin chụp ảnh mà mãi không dám. Đến khi Bác thức dậy, đông đảo phóng viên đã tụ tập bên ngoài nhưng vẫn chưa ai dám mở lời.

Ông Hương đã có cho mình bức ảnh quý giá với Bác Hồ, một vinh dự, may mắn đặc biệt mà nghề báo đem lại cho ông.
Ông Hương đánh liều tiến lại gần rồi thưa với Bác về mong muốn của mình và mọi người muốn được chụp tấm hình với Người. "Bác mỉm cười đồng ý, tiến ra bãi cỏ. Khi đó, các nhà báo khác cũng ùa tới. Chúng tôi có một tấm ảnh chung với Bác, một kỷ niệm không phải ai cũng có được trong đời", ông Hương xúc động.
Sau chuyến công tác "để đời" này, ông Hương viết bài và được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đọc và sửa từng câu chữ. Bài báo sau đó được đăng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Những lời dặn của Bác trở thành quyết tâm thi đua lao động sản xuất của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An.
Sau khi nghỉ công tác báo chí, ông Phan Duy Hương tiếp tục gắn bó tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Không ngơi nghỉ sáng tạo, ông dành nhiều tâm huyết cho thơ ca, đặc biệt là thơ thiếu nhi, trong đó có bài thơ "Chú ở bên Bác Hồ" được chọn đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, trở thành người bạn thân thiết của bao thế hệ học trò.

Bức ảnh ông Hương (ngoài cùng bìa trái) được chụp chung với Bác Hồ nhưng mãi đến gần 30 năm sau ông mới được biết đến sự tồn tại của nó (Ảnh chụp lại).
Cả cuộc đời cầm bút, ông Hương luôn một lòng học tập và noi theo tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn lại nghề báo hôm nay, ông chia sẻ đầy tâm huyết: "Nghề báo giờ hiện đại hơn trước nhiều, phương tiện tác nghiệp nhanh, thuận tiện hơn. Nhưng cái cốt lõi nhất là sự trung thực, chính xác, khách quan và đặc biệt là cái tâm trong sáng. Người cầm bút phải giữ ‘bút sắc, lòng trong’, ngòi bút ấy mới có sức nặng, có uy lực, và có tình người," cựu nhà báo Phan Duy Hương nhắn nhủ.

Cựu nhà báo Phan Duy Hương trò chuyện với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống.
Nhưng điều bất ngờ lớn nhất đến sau đó ba thập kỷ. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), ông Hương nhận được cuộc gọi từ giám đốc Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên), báo rằng có một bức ảnh quý gửi tặng ông. Đó là bức ảnh do một phóng viên miền Nam chụp và tặng lại cho bảo tàng, ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân. Trong ảnh, ông Hương đứng ngay phía sau nữ công nhân ấy, nở nụ cười thật tươi.
Ông Phan Duy Hương không ngờ rằng, ngoài bức ảnh chụp chung với Bác ở bãi cỏ, ông còn có một tấm ảnh khác, vinh dự được đứng rất gần Người, mà 30 năm sau ông mới biết đến sự tồn tại của nó.
Bức ảnh đen trắng được sao lại, gửi tặng ông, trở thành báu vật được ông gìn giữ suốt đời. Dù đã hơn 60 năm trôi qua, tấm ảnh vẫn rõ nét như ký ức chưa hề phai trong tâm trí người phóng viên xứ Nghệ, lần được gặp Bác Hồ, dù chỉ một lần nhưng khiến cựu nhà báo nhớ cả đời.