Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng sáng 11/11, bày tỏ lo ngại về việc người dân tích trữ vàng ảnh hưởng tới nguồn lực phát triển kinh tế, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu vấn đề, vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn.
Trong báo cáo về thị trường vàng, một trong những tồn tại, hạn chế là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?
Trả lời ĐBQH, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là chống vàng hóa, đôla hóa nên không khuyến khích người dân nắm giữ vàng.
Giải thích thêm vấn đề này bà Hồng cho rằng, vàng có giá trị rất lớn nên khi nắm giữ vàng có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. "Giá trị đó chuyển hóa ra VND thì sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất kinh doanh hay đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán... phục vụ sản xuất kinh doanh", bà Hồng phân tích.
Do đó, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. Do vậy, hiện đang có chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng
Trong thời gian tới, để không khuyến khích người dân mua vàng, NHNN đã nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm các nước có nhiều giải pháp. Từ đó, NHNN sẽ đánh giá tổng kết nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.
Về nghị định 24, Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) nêu vấn đề, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24 về thị trường vàng, Thống đốc cho biết hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng?
Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết, trong đó có phân tích đánh giá các tác động của giải pháp mới.
Về việc thành lập sàn giao dịch vàng, NHNN sẽ có báo cáo để có nhận định sàn vàng có thuận lợi, khó khăn gì với điều kiện của Việt Nam. Từ đó sẽ đánh giá đã đến lúc thực hiện hay chưa, hay tiếp tục nghiên cứu để đề xuất thời điểm phù hợp.
Lấy ví dụ ở thị trường Trung Quốc bà Hồng cho biết, ở giai đoạn đầu tại quốc gia này, Ngân hàng Trung ương được quyền quyết tất vấn đề liên quan đến mua bán vàng miếng. Giai đoạn sau thì trao lại cho các ngân hàng thương mại nhà nước rồi mới đến thành lập sàn vàng.
"Tuy nhiên, đặc thù của kinh tế Trung Quốc hay Ấn Độ có sàn vàng thì họ cũng có điều kiện kinh tế khác biệt với chúng ta. Chúng tôi sẽ cân nhắc ý kiến của đại biểu để phân tích lập luận và tham mưu trong quá trình hoàn hiện Nghị định 24", Thống đốc NHNN phân tích.
Xem thêm video được quan tâm:
Nữ ‘quái xế’ tông cô gái trẻ ở Hà Nội đã bỏ học từ sớm và ham đua xe | SKĐS