Theo các nhà khoa học Đại học Heidelberg, sự tương tác giữa mẹ và bé rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nhưng các bà mẹ bị trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm sau sinh có thể không gần gũi về mặt tình cảm với con. Nếu một bà mẹ lo lắng hoặc trầm cảm, con của họ có phản ứng sinh lý nhạy cảm hơn với căng thẳng trong quá trình kiểm tra so với trẻ của những bà mẹ khỏe mạnh.
Trong nghiên cứu sơ bộ này, các nhà khoa học đã đánh giá 50 bà mẹ và trẻ sơ sinh của họ; phát hiện ra rằng khi một người mẹ lo lắng hoặc chán nản, không gần gũi tình cảm, nhịp tim của trẻ sơ sinh tăng lên trung bình 8 nhịp một phút so với nhịp tim của trẻ sơ sinh có mẹ khỏe mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến các hệ thống căng thẳng sinh lý khác dẫn đến các vấn đề về tâm lý sâu sắc. Đây là một trong những hiệu ứng thể chất đầu tiên được nhìn thấy ở trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi.
Các nhà điều tra nhận thấy rằng các bà mẹ bị lo lắng hoặc trầm cảm cũng thường nói rằng con của họ hay cáu bẳn, khó điều chỉnh cảm xúc... Tuy nhiên, nghiên cứu cần được lặp lại với một cỡ mẫu lớn hơn để đảm bảo kết quả là nhất quán. Nhà điều tra Blanco-Dormond, Đại học Heidelberg cho biết.
Kết quả nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu ở những bà mẹ mới sinh con, bởi vì nó có tác động trực tiếp tới hệ thống căng thẳng của em bé.
Các nghiên cứu trước đây không chỉ cho thấy tác động bất lợi ngắn hạn mà còn lâu dài của rối loạn tâm trạng sau sinh đối với trẻ em. Hầu hết các rối loạn tâm trạng sau sinh bắt đầu trong hoặc thậm chí trước khi mang thai, và việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các rối loạn tâm trạng - chẳng hạn như cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng và trầm cảm nhẹ - thường gặp trong khi mang thai và sau khi sinh, xảy ra ở 10% đến 20% các bà mẹ mới sinh con.