Tuy nhiên, ở những người có hoạt động thể lực thường xuyên như vận động viên hoặc tập thể dục cường độ cao đều đặn thì nhịp tim từ 50 - 60 lần/phút được xem là bình thường. Vậy nhịp tim chậm có đáng lo và khi nào cần phải điều trị?
Vừa qua, Khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhân bị nhịp tim chậm. Bà L.T.H (54 tuổi, ngụ tại quận 7), nhập viện trong tình trạng chóng mặt, gần ngất nhiều lần, nhịp tim chậm 30 - 40 lần, có những lúc ngừng tim kéo dài.
Sau khi khám, các bác sĩ Bệnh viện quận 7 đã hội chẩn liên bệnh viện với Bệnh viện quận Thủ Đức, ekip bác sĩ Hồi sức tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức được điều động tới cùng với bác sĩ Bệnh viện quận 7 để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, tạm thời nâng nhịp tim bệnh nhân lên, giúp ổn định huyết áp và giảm các triệu chứng nguy hiểm.
Sau khi đặt máy tạo nhịp tạm thời 2 ngày, bệnh nhân ổn định hơn và được chuyển Bệnh viện quận Thủ Đức để tiến hành rút máy tạo nhịp tạm thời, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 2 buồng tim dưới sự hỗ trợ máy DSA. Gần 2 giờ thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân đã được chuyển về Khoa Hồi sức tim mạch. Hiện tại, bệnh nhân ổn định và được xuất viện tái khám định kỳ. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị nhịp tim chậm được các bác sĩ điều trị.
Hình ảnh phim chụp Xquang sau khi bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp 2 buồng.
Thế nào là nhịp tim chậm?
Nhịp tim thường giữa 60 - 85 lần/phút nhịp đều. Nếu nhịp tim chậm thì nhịp tim ít hơn 60 lần/phút. Bệnh nhịp tim chậm có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó, thường gặp nhất là do hội chứng nút xoang bệnh lý và block nhĩ thất cấp 2 - 3. Nhịp tim chậm ở mức độ nhẹ thường ít có triệu chứng nên người bệnh rất khó phát hiện, chỉ khi nhịp tim đập quá chậm dưới 45 nhịp/phút mới ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan khác, giảm lượng máu giàu oxy đi nuôi cơ thể, đặc biệt não bộ, có thể gây ra hàng loạt triệu chứng như cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng, hụt hơi, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, đau ngực, đánh trống ngực, tụt huyết áp. Nếu có triệu chứng chóng mặt, choáng váng, đau ngực thường xuyên, người bệnh cần được thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời, phòng ngừa rủi ro.
Đi tìm nguyên nhân
Tùy theo loại rối loạn nhịp chậm, nguyên nhân và bệnh lý đi kèm mà biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau. Khi nhịp tim chậm có thể làm tim giảm bơm máu đỏ giàu oxy đi nuôi cơ thể nên có thể gây ra một số triệu chứng như hay mệt, giảm khả năng hoạt động, hay xây xẩm, chóng mặt hoặc nếu giảm máu lên não có thể gây ngất hoặc gần ngất. Ngất là nguyên nhân thường gây té ngã, nhất là ở người cao tuổi dẫn tới những di chứng như chấn thương sọ não, gãy xương... Thậm chí, có một số trường hợp rối loạn nhịp chậm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, không phải ai bị nhịp tim chậm cũng đều có triệu chứng. Có thể có người không cảm thấy triệu chứng gì và vẫn sinh hoạt bình thường.
Nhịp tim chậm có thể là biểu hiện của một số bệnh lý toàn thân hoặc ngoài tim như: nhược giáp, cường phó giao cảm, do nhiễm trùng, một số gặp trong tai biến mạch máu não, do rối loạn điện giải hoặc do dùng thuốc... Một số bệnh nhân tim mạch được bác sĩ cho dùng thuốc làm chậm nhịp tim để đạt mục tiêu điều trị. Nguyên nhân chính yếu thường gây rối loạn nhịp chậm là do bệnh lý tại tim như thấp tim, bệnh lý van tim hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim gây rối loạn hệ dẫn truyền, suy yếu nút xoang. Ngoài ra, theo thời gian, một số tổ chức trong tim có thể bị thoái hóa cũng như các cơ quan khác khi tuổi già. Ở một số người trẻ khỏe mạnh có tập luyện thể lực thường xuyên hoặc một số vận động viên, nhịp tim chậm là thường gặp và không phải là tình trạng bệnh lý. Một số dạng rối loạn nhịp chậm thường gặp: nhịp chậm xoang đơn thuần, block nhĩ thất, block xoang nhĩ, ngưng xoang, hội chứng suy nút xoang...
Phát hiện và điều trị rối loạn nhịp tim
Bạn có thể tự bắt mạch cho mình bằng cách để tay trên các vị trí động mạch nông, nằm sát dưới da để có thể biết số nhịp tim của mình trong 1 phút. Tuy nhiên, đó chỉ là cách đơn giản ban đầu. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ làm thêm một số cận lâm sàng như ghi điện tâm đồ, theo dõi điện tâm đồ 24 giờ, siêu âm tim, Tilt test, nghiệm pháp gắng sức... để xác định chẩn đoán, thiết lập mối liên hệ giữa nhịp tim chậm và triệu chứng của bạn cũng như tìm nguyên nhân có thể gây nên rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, cũng cần những xét nghiệm về máu khác để xác định những yếu tố thúc đẩy hoặc rối loạn đi kèm.
Phương pháp điều trị sẽ dựa vào mức độ nặng của triệu chứng, loại rối loạn nhịp chậm nào và nguyên nhân gây nên chúng. Điều trị những rối loạn cơ bản, khi điều chỉnh những rối loạn này, rối loạn nhịp chậm có thể sẽ phục hồi. Thay đổi thuốc, một số thuốc có thể gây rối loạn nhịp chậm. Bác sĩ sẽ kiểm tra lại chế độ điều trị và tư vấn chỉnh lại thuốc men cho phù hợp.
Máy tạo nhịp: máy tạo nhịp tim là một thiết bị hoạt động bằng pin có kích thước của một chiếc điện thoại di động được cấy dưới xương đòn. Dây điện cực sẽ được luồn qua tĩnh mạch vào tim của bạn, còn chấu điện cực gắn vào trong cơ tim. Máy tạo nhịp tim sẽ theo dõi nhịp tim của bạn và tạo ra các xung điện cần thiết để duy trì một tần số tim thích hợp. Hầu hết các máy tạo nhịp cũng ghi nhận lại những thông tin mà bác sĩ tim mạch có thể sử dụng để theo dõi trái tim của bạn. Bạn sẽ phải tái khám thường xuyên để kiểm tra tim và theo dõi chức năng, hoạt động của máy.
Cách phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là làm giảm các yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tim. Trong trường hợp đã có bệnh tim, bạn nên theo dõi và điều trị một cách tốt nhất để ngăn chặn biến chứng về sau.
Phòng ngừa bệnh tim mạch, tập thể dục đầy đủ, chế độ ăn uống tốt và thích hợp. Duy trì cân nặng hợp lý. Kiểm soát huyết áp và mỡ máu trong giới hạn bình thường. Không hút thuốc lá và sử dụng những chất gây nghiện. Tránh căng thẳng, stress. Khám kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Đối với người đã có bệnh hoặc biến chứng trên tim: uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tập luyện hợp lý. Tái khám và kiểm tra đúng kỳ. Hiểu và biết cách theo dõi bệnh, báo ngay cho bác sĩ khi bạn có bất kỳ thay đổi gì.