Nhịp sống chậm

31-03-2020 13:06 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Cơn bão mang tên COVID -19 tràn đến ngay sau mùa lễ Tết. Những ngày lễ hoành tráng buộc phải oằn mình co nhỏ lại.

Ngày lễ Tình nhân, Ngày Thầy thuốc Việt Nam rồi Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Một chút buồn, tủi thân nữa nhưng rồi nghĩ đến đại cục... người ta buộc phải để nó trôi đi trong tĩnh lặng.

Kinh tế của đất nước rồi kinh tế toàn cầu đang trên đà giương buồm ra khơi cũng đành phải thong thả lại. Con virus hay lớn hơn là mẹ thiên nhiên vĩ đại đã chứng tỏ quyền năng của mình. Khoa học, công nghệ, tài chính, năng lượng... đương đại của chúng ta buộc phải nhìn lại mình. Có gì không ổn? Nhưng đó là gì, ai giải quyết được bài toán cho tương lai... Đầu óc, trí tưởng tượng của tôi chưa thể vươn tới được.

Từ ngày có dịch, tôi chưa có được một giấc ngủ thật ngon. Làm việc trong cơ quan y tế, tin tức về dịch cứ ầm ầm tấn công vào bộ nhớ. Mọi thứ đều sốt xình xịch như nồi cháo nóng mở vung. Lo lắng vì nó như cơn bão không thể cản lại được, nước giàu cũng như nước nghèo, khắp châu lục. Ai đó đưa thông tin về tỷ lệ tử vong so với bệnh tim mạch hay ung thư, thậm chí số người chết do rắn cắn hàng ngày cũng xấp xỉ bằng số lượng người mất mạng do COVID-19... cũng không làm tôi lạc quan hơn.

Cả nước gồng mình chống dịch.

Cả nước gồng mình chống dịch.

Tuổi đời của tôi chả có ký ức nào đen đúa như giai đoạn này. Có chăng là ngày chiếc loa phường sang sảng đọc lệnh tổng động viên cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Trẻ con ngơ ngác, người lớn thẫn thờ, bố tôi thở dài: Lại chiến tranh, lại khổ rồi con ạ. May sao chiến tranh đã chấm dứt sau đó khá nhanh.

Mỗi sáng ngủ dậy, tôi mở cửa phòng nhìn đám con còn vùi đầu trong chăn do nghỉ học phòng dịch. Thầm nghĩ là khi về có thể đem tin mừng về cho chúng: Dịch đã hết, đã có thuốc, các con có thể đi học... thế nhưng ngày đó vẫn chưa đến.

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của chúng vẫn chưa kết thúc. Cho chú chó miếng xương, rắc ít thức ăn cho đàn cá đang quẫy chào ồm ộp. Lặng lẽ dắt chiếc xe ra khỏi nhà, ai cũng đeo khẩu trang, nét mặt căng thẳng. Ta sẽ đến cơ quan rất nhanh vì chợ vắng vẻ nối ra những đường phố thoáng đãng, độ ồn ào chỉ như ngày mồng 1 Tết.

Bệnh viện vắng, tràn ngập không khí chống dịch. Nhiều bệnh viện tư phải đóng cửa. Không có chuyện gì nhiều ngoài dịch bệnh và thiệt hại của nó. Khi về, thằng con lớn sẽ chờ tôi dạy nấu ăn. “Cảm ơn dịch!” về khía cạnh tích cực này. Tôi đã dạy nó thành thục nấu ăn thông thường trong chuỗi ngày nghỉ không ai muốn này. Mấy bố con đã có hơn 1 tháng ngồi quây quần bên mâm cơm, chuyện gẫu, hiểu thêm về các con. Đứa bé ra vẻ hiểu biết: Trái đất như con mèo còn chúng ta như con bọ mèo...  phải chịu thôi. Ý nó là ta không thể làm gì để xoay chuyển tình hình. Thằng lớn cứ lặng thinh tận hưởng thức ăn do chính tay cậu nấu nướng. Tôi tôn trọng cả hai. Buổi tối, cả nhà sẽ chọn một phim hay để xem chung. Giá có thể làm được gì cho chúng hạnh phúc hơn?

Nếu vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúng ta nên đầu tư cho y tế hay rộng hơn là khoa học nhiều hơn. Bài học đã quá rõ ràng! Bởi lẽ tăng trưởng, chiến tranh, xung đột, văn hóa, du lịch, thể thao... đều đã phải dậm chân tại chỗ chờ COVID đi qua. Cuộc sống ồn ào nhiều ganh ghét, quá nặng hưởng thụ cũng vậy. Tôi muốn nói với các con hãy trân quý sức khỏe, nuôi dưỡng tâm hồn, có đủ bản lĩnh để vượt qua thử thách. Sống chậm lại nhưng đừng để thời gian trôi qua vô ích là lời nhắn nhủ cho bản thân. Viết với tôi có nghĩa là đang sống.


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn