Cuộc gặp do Hội Hữu nghị Việt Mỹ và Nhà xuất bản Thế giới tổ chức tại trụ sở Hội ngày 20/5/2016 nhân chuẩn bị đón Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam; Cũng là nhân dịp ra mắt cuốn Việt Nam – Tradition and Change (Việt Nam: Truyền thống và Đổi thay) do NXB Ohio University Press và Nhà xuất bản Thế giới cùng thực hiện ở Mỹ và Việt Nam đồng thời việc tái bản lần 3 cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ (NXB Thông tin - truyền thông), tôi gặp bác Hữu Ngọc ở ngoài hành lang sau cuộc họp mặt, sau khi bác phát biểu cảm tưởng về hai cuốn sách nói trên mà nhiều người còn tiếc rẻ chưa được nghe rõ, chưa được thỏa ý nguyện biết sâu hơn về những điều bác định nói, mà phải cắt bớt nhường giờ cho một số tác giả khác trình bày hoạt động của ngành mình như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói về nhịp cầu nối văn học Việt - Mỹ, nghệ sĩ Trương Nhuận (Nhà hát Tuổi trẻ) đưa Múa rối nước lần đầu sang Mỹ biểu diễn, rồi năm 1995 là 10 năm kỷ niệm trao đổi văn nghệ văn hóa Việt - Mỹ…(tôi nghe nói bác Hữu Ngọc được mời trình bày một buổi riêng về hai cuốn sách mới in xong, nhưng nhân dịp Tổng thống Mỹ sang Việt Nam đúng dịp này nên dồn mấy cuộc vào một chương trình thì nhịp cầu nối hai nước được tô đậm thành của cả ngành văn hóa…).
Đặc biệt, trong hơn 20 năm qua, nhà văn hóa Hữu Ngọc là một cộng tác viên thân thiết – người giữ chuyên mục “Sổ tay văn hóa” trên báo Sức khỏe&Đời sống, cung cấp cho bạn đọc những bài học, góc nhìn văn hóa của các nhà văn hóa lớn trên thế giới. Các bài viết trong “Sổ tay văn hóa” trên báo Sức khỏe&Đời sống đã được tác giả Hữu Ngọc tổng hợp, kết hợp với nhiều bài viết khác để in thành cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam. Đến nay, Lãng du trong văn hóa Việt Nam đã hơn 10 lần tái bản trong nước và mới đây, hai tác giả Lady Borton và Elizabeth Collins đã biên tập từ 1.200 trang cuốn sách này còn 300 trang để xuất bản cuốn sách Việt Nam: Truyền thống và Đổi thay (NXB Mỹ Ohio University Press và NXB Thế giới của Việt Nam thực hiện) phát hành tại Mỹ và Việt Nam.
Bác Hữu Ngọc là một nhân vật thật hiếm có: Chỉ còn hai năm nữa bác đã tròn 100 tuổi, mà bác nhớ rất rõ những tư liệu quan trọng của lịch sử đất nước ta và cả những đất nước bác từng qua, bác có sách về đất nước ấy. Tôi hỏi về cách ghi nhớ trong đầu của bác với những điểm cần nhớ. Bác trả lời:
- Đó là cách tôi hình tượng hóa chúng. Thí dụ với lịch sử Việt Nam, tôi đang muốn tìm một hình tượng gì để so sánh với nó thì gặp bức tranh của cụ Nam Sơn, bác vẽ cây đa với 4 cành nhánh lớn, tôi nghĩ ngay: có thể dùng hình ảnh này để gợi cấu trúc, các đặc điểm và diễn biến văn hóa Việt Nam, qua các chặng đường lịch sử 3.000 năm… Bác liên hệ ngay đến một chi tiết có thể nhầm lẫn của lịch sử, trước đây khi xác định 4.000 năm, mà không xác định trên cơ sở khoa học: Thời kỳ các vua Hùng dựng nước tương ứng với thời kỳ văn minh Đông Sơn, thời đại đồ đồng (từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên). Đại Việt sử lược cũng xác định thế kỷ thứ 7. Con số 3.000 năm có đủ chứng cớ đáng tin với hai tiêu chí lịch sử: sự xuất hiện của sơ kỳ thời đại kim khí và chứng cứ bằng văn bản. Văn hóa gốc của Việt Nam thuộc nền văn minh sông Hồng, là một bộ phận của văn minh lúa nước Đông Nam Á. Gốc đó được bảo tồn, được làm phong phú thêm qua tiếp biến với các nền văn hóa khác.
Tôi hỏi thêm: Xin bác cho biết cụ thể những lần tiếp biến văn hóa?-
- Lần thứ nhất, với Trung Quốc trong 2.000 năm, với hai giai đoạn: thời Bắc thuộc (179 trước Công nguyên đến 938), thời các vương quyền Độc lập của ta (938-1858). Lần tiếp biến thứ hai là với Pháp (phương Tây) thời Pháp thuộc (1858-1945). Tiếp biến văn hóa lần thứ ba là thời quốc tế hóa vấn đề Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chủ yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ cho đến 1975. Thời kỳ này, miền Bắc tiếp biến với văn hóa các nước XHCN; miền Nam với văn hóa phương Tây. Lần tiếp biến thứ tư thì đang trước mắt ta đây: Thời kỳ Đổi mới từ giữa những năm 80 với hai yếu tố kinh tế thị trường và chính sách mở cửa, đánh dấu bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa (ASEAN).
Tôi hỏi tiếp: Thưa bác, đó là bìa sách được trang trí biểu hiện cho lịch sử văn hóa Việt 3000 năm của cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam, thế còn cuốn Hồ sơ Văn Hóa Mỹ cụ cho vẽ tượng Nữ thần Tự Do choán cả quốc kỳ nước Mỹ và ngồi trên đỉnh quốc kỳ lại là hình chú chuột Mickey?
Hữu Ngọc: À! Thần Tự Do của nước Mỹ là vị thần lý tưởng, còn Mickey là chú chuột biểu hiện tính thực dụng. Điều này nói lên sự đối lập và điều hòa trong văn hóa và lịch sử Mỹ giữa lý tưởng và thực dụng. Phải nhận thức khách quan là văn hóa Mỹ có phần lý tưởng. Sự thành lập Hoa Kỳ là do người Anh đi tìm tự do tôn giáo và một số người châu Âu ở Hà Lan muốn đi tìm tự do chính trị. Tuyên ngôn độc lập Mỹ phản ánh lý tưởng tự do. Mặt khác, tư tưởng thực dụng Mỹ đề cao văn hóa vật chất, không chú ý đến lý tưởng, do đó có những sự kiện xấu kéo dài như: kỳ thị chủng tộc, bạo lực, cạnh tranh kinh doanh ác liệt, khoảng cách giàu nghèo rất rõ… Phải nói là dù có tượng thần Tự Do khổng lồ làm biểu tượng ở cửa ngõ Hoa Kỳ, nhưng cũng phải mất hàng trăm năm tự do và dân chủ mới tiến được một số bước khả quan như: Xóa dần nạn phân biệt chủng tộc đến mức bầu một người da đen lên làm Tổng thống (vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ).
Cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (Wandering through Vietnamese Culture (bên trái) và “Vietnam: Tradition and Change” (Việt Nam: Truyền thống và Đổi thay) - công trình của hai tác giả người Mỹ Lady Borton và E.Collinz vừa được ra mắt độc giả tại Mỹ và Việt Nam. Ảnh: H.Quỳnh
Bác Hữu Ngọc nghỉ ngắn giữa chừng câu chuyện như để lấy lại sự công bằng khách quan mỗi khi phê phán, nhận xét về ai…
“Hoa Kỳ có ưu điểm rất lớn là những thành tựu khoa học về vũ trụ, y học, kinh tế… thể hiện qua những giải thưởng Nobel khoa học. Phải kể đến thành tựu về điện ảnh có ảnh hưởng khắp thế giới. Nhạc jazz Mỹ rất độc đáo, văn học Mỹ rất trẻ trung, thoát ly khỏi tất cả những ràng buộc của thế giới cũ. Năm 1930, mới có một người Mỹ được giải thưởng Nobel văn chương, nhưng đến nay đã có đến 9 người Mỹ nhận giải đó…Tôi nhớ đến sau thời chống Pháp, tôi đã viết Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, sau chiến tranh Mỹ - Việt, tôi viết Hồ sơ văn hóa Mỹ do cùng một động cơ. Chỉ có điều nước Mỹ là một hợp chủng quốc, mỗi người từng sống ở đấy có thể nhìn vấn đề một khía cạnh khác… Vậy nếu đặt ra một câu hỏi thì sẽ có hàng chục câu trả lời ở nhiều khía cạnh khác nhau…
Tôi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong một bức thư cho tù binh Pháp (sau cuộc chiến Pháp-Việt), coi họ cũng là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, coi hai dân tộc Pháp Việt chẳng có lý do gì thù địch mà phải là bạn của nhau. Trường hợp Mỹ, Việt cũng vậy…
Phóng viên tôi gặp bác Ngọc hôm nay cũng là tái xuất giang hồ… khi đã gần hai chục năm trò chuyện với bác về mọi vấn đề trong cuộc sống…
- Thưa bác, bác có thể cho biết cơn gió nào đầu tiên đã cuốn bác vào vòng xoáy của những vấn đề văn hóa?
Để trả lời ông có đầu có cuối, tôi phải nhớ lại từ buổi đầu tôi học ngoại ngữ, qua một vài cuộc thi ngoại ngữ Anh văn, Pháp văn tôi đều được điểm cao so với các thí sinh các trường khác...
Môn ngoại ngữ trở thành một sở thích tôi đam mê. Nhưng sở thích đó cũng giống như con dao trong tay mình, không phải cứ mài càng sắc thì càng thích thú, đến một độ tuổi nào đấy, mình phải tự tìm ra mục đích để sử dụng nó. Nếu tình hình xã hội không có biến chuyển gì lớn, làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn vấn đề của mình thì không thể có ngày hôm nay. Chính nhờ có cuộc Cách mạng Tháng Tám, rồi quân đội Pháp quay lại, hòng lập lại trật tự cũ, chính quyền cũ, mở đầu bằng những cảnh đàn áp người dân, đàm phán không xong thì phải dùng tiếng súng mà đòi lại từng góc phố, từng mảnh vườn, thửa ruộng… Đến đoạn ta phải rút khỏi nội đô của nhiều thành phố, phải đóng quân ở những vùng ven với các đội du kích, rồi phải tuyên truyền địch vận… Những tờ báo bướm phải bay đến tận sào huyệt của đồn bốt chúng. Chính chúng tôi đã làm báo kiểu này ở Liên khu III, rồi đến lúc chúng ta thắng những trận lớn hơn. Tù binh bị bắt kể hàng vài trăm… thì một vấn đề được đặt ra: Ta phải giáo dục chúng, chúng phải hiểu Việt Nam là đất nước như thế nào. Khi được điều lên làm trưởng trại tù hàng binh, tôi mới thấy ngôn ngữ bất đồng thể hiện ngay trong trại, đã hạn chế tiếp xúc của người coi tù chỉ có thể trao đổi với tù nhân những câu đơn giản trong sinh hoạt. Cả đến tôi, giữ trách nhiệm ấy mới biết tù nhân trong đội quân lê dương có đến trên dưới 20 chủng tộc. Đó là những tù binh từ Thế chiến thứ II trong trại tù của quân đội Pháp, người Đức đông hơn cả. Chúng được hứa hẹn “tự do” nếu tình nguyện xung vào đội quân lê dương sang chiến đấu ở Việt Nam.
Tôi phải soạn thảo những bài học đơn giản vừa phù hợp với trình độ từng trại trưởng Việt biết ít nhiều tiếng Pháp lẫn trình độ tiếp thu có giới hạn của tù nhân.
Nhưng những tù nhân không chỉ được giáo dục về những buổi học có bài bản, chúng được giác ngộ ngay trong sinh hoạt, đối xử giữa kẻ thắng trận với kẻ thua trận: Kẻ thắng trận thì mức ăn loàng xoàng, nhiều khi cơm độn ngô, kẻ bại trận thì bữa nào cũng có thịt thú rừng, thịt tự nhà bếp tăng gia, không bữa nào bị đói. Người chỉ huy đơn vị ăn cùng mâm với lính, không đeo quân hàm để biết cấp trên cấp dưới. Bộ đội nhường cả thuốc men cho tù nhân. Trại giam mà không có dây thép gai với khu riêng biệt. Tù nhân chỉ không được đi giày, điều kiện cảnh giác tối thiểu với tù nhân. Họ thừa hiểu loại lính công tử này không thể chịu được một ngày đi xuyên rừng mà không có giày. Ở trại Cao Bằng có cả hai đại tá Charton và Lepage, sau về Pháp, Charton đã viết bài báo Nhà tù không có chấn song sắt kể về những điều như trên. Họ hiểu ra: Đúng là một cuộc chiến tranh của nhân dân, của toàn dân nước Việt, nước Pháp không thắng được vì thế!
Thực thi chính sách khoan hồng với tù binh của cụ Hồ, họ ứng dụng sách lược “tâm công” với tù nhân của bậc tiền nhân Nguyễn Trãi, không có đánh đập, quát mắng gì. Hình như không nước nào xử sự như thế với tù nhân! Bác Hữu Ngọc hơn một lần đã nói với tôi: Có thể làm một luận án tiến sĩ về vấn đề này!
Họ được thử thách một thời gian rồi chọn người thành từng toán, đưa lên ôtô tải, thả họ ra ở gần một đồn bốt của họ để họ đỡ phải đi xa…Theo tin tình báo của ta: Những con người này phần lớn đã về đến trại mà không cầm lại súng, rất ít người miễn cưỡng cầm súng thì không bắn, bắn thì không trúng…
Sau đó, thật lạ là rất nhiều người đã về quê hương mình, học hành tử tế, phần lớn đã đỗ đạt và phần lớn lại quay về du lịch ở Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa và không ai không nhớ đến ông Hữu Ngọc, họ hỏi thăm, cố gặp ông một lần để nhắc lại chuyện cũ. Mọi người càng thương mến ông hơn khi biết ông đang làm chủ tịch cả hai Quỹ văn hóa Thụy Điển và Đan Mạch. Họ về nước rồi mà thư từ đi lại vẫn giao lưu đều đặn. Cho nên khi biên soạn cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ, ông đã nghĩ đến lớp bạn chân tình và vô tư này, họ đều trở thành những người trí thức, nhất là với những người bạn đã hoặc đang làm việc tại nước Mỹ. Họ đều trả lời bác một cách nhiệt tình và thấu đáo câu hỏi: “Theo bạn, nước Mỹ là thế nào?”. Những lá thư đáp lại câu hỏi của bác gửi đi, trong số những “bạn” tù binh, ai nhận được đều cảm kích, đều thấy cần phải cảm ơn một cách nhiệt tình bằng cách trả lời câu hỏi với những dẫn chứng cụ thể…
Là người tiếp xúc rộng rãi với những bạn nước ngoài, bác Hữu Ngọc là người được nghe họ tán thưởng chiếc áo dài của Việt Nam đã làm người con gái Việt càng duyên dáng hơn. Họ còn bình thêm, đó là kiểu đẹp như dành riêng cho các cô gái Việt, một phụ nữ châu Âu đến một độ tuổi nào đấy, vóc người sẽ mất cân đối, cho mặc sẽ không dám mặc kiểu áo ấy… Áo dài là chữ mới có trong từ điển Pháp (Dictionnaire universel, 1994), bên cạnh những nem, phở, nước mắm… Áo dài có gốc gác từ chiếc áo tứ thân của các bà mẹ Việt, cần nhiều mảnh để che bớt những đường cong của thân thể, sự gợi cảm của những đường cong đó dường như làm mất sự đứng đắn của các mẹ. Khi phụ nữ Việt hấp thụ được quan niệm thẩm mỹ của phương Tây, họ muốn làm ngược lại: những đường cong cần được phô ra và bảo vệ chúng… Bác Hữu Ngọc nhận được cuốn sách tặng Nghệ thuật dân gian Thụy Điển bằng tiếng Anh của tác giả N.H.Abrams. Lời và ảnh màu giới thiệu quá trình biến diễn của nghệ thuật dân gian trong 200 năm gần đây. Tác giả chứng minh rằng “dĩ vãng nông dân” là một thực tế được phản ánh rõ rệt trong hiện tại công nghiệp hóa của Thụy Điển. “Dĩ vãng ấy là một nguồn sáng tạo sôi động đối với nghệ thuật và vẽ mẫu hiện đại” để kết luận là: Tất cả mọi truyền thống đều là thay đổi. Ở Việt Nam, từ nhiều thập niên, chúng ta đã thảo luận nhiều về những vấn đề tương tự. Về mối quan hệ giữa truyền thống và cách mạng, tiếp thu dĩ vãng và xây dựng hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và mở cửa ra thế giới. Tất cả mọi truyền thống đều là thay đổi không phải chỉ riêng một số nước đã thay đổi mà đã trở thành phổ biến trên thế giới. Bác Hữu Ngọc tán thành nhận định này: “Đây quả là một nhận định sâu sắc và đúng đắn rất biện chứng” (trang 766 Lãng du trong văn hóa Việt Nam). Ông đơn cử trường hợp ông Xuân ngoài 50 tuổi người làng Mai Lâm gần Cầu Đuống, trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông sang làm công nhân ở Tiệp Khắc. Xa nhà, tối nào ông cũng xem trên tivi cảnh Mỹ ném bom trên quê hương ông. Ông tự hào thấy cây tre Việt Nam sau những trận mưa bom lại đứng thẳng dậy mà vươn lên. Phải chăng đó là hình ảnh nhân dân Việt Nam bất khuất? Ta phải làm thế nào để cây tre Việt Nam có một vị trí văn hóa cao, xứng với tầm vóc cao cả của nó. Ông nghĩ rất lung quanh vị trí của cây tre, có thể dùng tre như một chất liệu cho sản phẩm mỹ thuật công nghiệp được không? Có nhiều nước họ sử dụng cả khảm ốc, khảm trai thì tre với độ bền của vỏ sao lại không khảm mỹ thuật được? Nói thì dễ nhưng đi vào thực tiễn, trăm thứ phải thí nghiệm mới ra được đáp số. Có hàng nghìn giống tre, giống nào có màu hợp nhất? Làm thế nào để chế biến màu da tre như ý muốn mà ít phải dùng chất hóa học. Phải mày mò bằng những phương tiện thô sơ: phơi tre dưới nắng to, rồi đưa vào buồng tối và ẩm, rồi đem phơi lại…
Tưởng dễ, chỉ cần kiên trì thí nghiệm mọi cách, phải đến 6 năm làm việc say mê, Nguyễn Kim Xuân mới đưa thử tranh khảm tre ra thị trường. Khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao bước cải tiến thành công một loại sản phẩm mỹ thuật thủ công cổ truyền. Nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến tham quan Công ty Xuân Lâm ở Đông Anh…
Giai đoạn kề cận tuổi trời tròn 100, ông viết đã khó khăn do mắt kém dần và như một sự đền bù: Ngành du lịch Việt Nam đang đông khách. Khách du lịch lại nghe đồn ông Hữu Ngọc là người giới thiệu rất hay về đất nước Việt Nam và những chuyện về lịch sử dân tộc. Thế là ông lại bận công việc mới: lịch tiếp du khách cứ đầy dần trong sổ tay, ai cũng mong muốn được ông nhận lời ngay… Có những cuộc nói chuyện về văn hóa Việt của ông với người nghe là đối tượng quý tộc một triều đình thu nhỏ gồm vua và hoàng hậu cùng thân tộc, quần thần của một nước Bắc Âu. Có những đoàn khách gồm các tướng lĩnh của một trường quân sự cao cấp phương Tây đăng ký được nghe Hữu Ngọc nói chuyện, để chất vấn thêm về những điều được nghe ở nhà trường về chiến tranh ở Việt Nam thời chống Pháp, nhất là những điều thực sự đã xảy ra ở chiến dịch Điện Biên Phủ… Với cách nhìn chiến tranh rộng rãi, hợp lý, ông Hữu Ngọc đã nhanh chóng đổi thù ra bạn, phù hợp với nhận định của những người lái con tàu Việt Nam thoát khỏi thù hận, để con tàu sẽ đi vào một con đường quang đãng ít chông gai...