Hà Nội

Nhịp cầu nối đôi miền biên giới

21-09-2013 13:08 | Xã hội
google news

Đoạn biên giới giữa hai nước Việt Nam, Campuchia thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam và huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm, Campuchia ngày này thắm xanh những hàng thốt nốt.

Đoạn biên giới giữa hai nước Việt Nam, Campuchia thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam và huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm, Campuchia ngày này thắm xanh những hàng thốt nốt. Sức sống mới của một vùng biên hiện hữu trên bao cánh đồng đang rộ chín dưới nắng trưa hay trảng rừng cao su bát ngát phía hoàng hôn. Thành quả ấy được dệt nên bằng đôi tay chai sần không ngại cầm cuốc xẻng, bằng ý chí biến sỏi đá, bom đạn thành lương thực, hoa màu của những người nông dân hiền hòa, lặng lẽ góp đời mình cho đất như ông Bùi Văn Nghĩa ở ấp Tân Cường, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Từ lúc nào không ai nhớ rõ, bà con Khmer hai bên biên giới này đã gọi ông bằng cái tên thân thương đầy kính trọng: Tà Nghĩa!

Thời gian luôn là chứng nhân cho mọi lời nói, việc làm. Trong gió thu se sẽ, thân mạ mong manh bén rễ vào bùn đất… Rồi cây mạ ấy sẽ mạnh mẽ vươn xanh, khiến đất nâu phải đổi màu... Qua một vài đợt nắng, lúa sẽ làm đòng, ấp ủ niềm vui, niềm hy vọng của người nông dân về một vụ mùa no ấm... Thoắt cái, cả một biển vàng mênh mông áp sát hai bên đường biên giới, màu của bình yên và phồn thịnh... Niềm tin của chính quyền và bà con nhân dân xã Ruông vào ông Bùi Văn Nghĩa dường như cũng lớn dần theo vòng sinh trưởng của cây lúa...

Xây dựng tổ liên kết sản xuất vùng biên
13 năm trước đây, vào mùa mưa năm 2000, do bị kẻ xấu xúi giục, một số bà con Khmer sinh sống tại địa bàn xã Ruông, huyện Mi Mốt phía đối diện đã tập trung hàng trăm người, dùng trâu bò, đồng loạt sang cày, bừa, xạ lúa ngay trên đất của các hộ dân Việt Nam đang canh tác. Bức xúc trước hành động ngang nhiên phá hoại tài sản hoa màu của mình, bà con nông dân Việt Nam tay cuốc, tay gậy đứng ra quyết giành lại đất.
 
Hai bên giằng co nhau gần cả tuần với nhiều xung đột gay gắt. Chính quyền các cấp và lực lượng quân đội của hai bên phải đứng ra can thiệp tình hình mới tạm ổn. Sau vụ việc ấy, nhân dân hai bên biên giới cắt đứt quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa của nước đối diện.
Nhịp cầu nối đôi miền biên giới 1

Ngày ấy, nhìn thấy tình đoàn kết bấy lâu nay trong phút chốc bị rạn nứt chỉ vì vài thửa ruộng, Tà Nghĩa đau lòng lắm! Bởi ông luôn nhớ rằng, trong những năm tháng chiến tranh liên miên, bà con Khmer vùng biên giới của hai đất nước đã chung lưng đấu cật để giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn, cùng nhau che giấu, góp gạo, góp mì tiếp tế cho các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, bà con tin tưởng, sẵn lòng ủng hộ quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn vượt qua thảm họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Nghĩa tình tuy hai mà một ấy đã trải qua bao thử thách, giờ chỉ vì một chút ruộng đất mà quay lưng, trở mặt với nhau sao? Là người giàu nghị lực, biết tư duy những vấn đề sâu sắc, ông nhận ra rằng: Giúp bạn là giúp mình, biên giới hòa bình thì mình mới yên ổn làm ăn. Được sự hỗ trợ của Đội công tác vận động quần chúng Đồn biên phòng Tân Hà, cộng với lợi thế có nhiều kinh nghiệm về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán của phía bạn, ông Nghĩa quyết tâm hàn gắn tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới theo cách riêng của mình.

Đầu tiên ông mời bạn sang nhà chơi, tổ chức tiếp đón thịnh tình. Rồi ông lại sang nhà bạn để thăm hỏi và tìm hiểu gia cảnh nhà bạn với một sự quan tâm, sẻ chia chân thành. Tiếp cận với các hộ mà trước đây có con em, người thân sang xâm canh lấn đất, ông nhẹ nhàng phân tích, chỉ ra cái đúng, cái sai của việc xâm lấn đất đai, chỉ ra cái lợi, cái hại của việc chia cắt tình thân, không đoàn kết giúp nhau tiến bộ. Ông cũng nói rõ cho nhân dân xã bạn biết bà con và chính quyền phía Việt Nam đều mong muốn nhân dân hai bên có thể hàn gắn, vun đắp lại tình cảm tốt đẹp như xưa, hàng ngày cùng nhau ra đồng, cùng nhau mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản, qua lại thăm thân, điều trị bệnh. Và ông đã biết bao hy vọng khi biết rằng những điều ông nói cũng là mong mỏi cháy lòng của bà con nông dân xã Ruông trong suốt thời gian vừa qua.

Từ những hiệu quả ban đầu của ông Nghĩa, Đồn biên phòng Tân Hà nảy ra ý tưởng liên kết bà con nông dân lại cùng nhau sản xuất, cùng nhau bảo vệ đất đai hoa màu, đường biên mốc giới. Được bà con nông dân tán thành, đầu mùa mưa năm 2011, Tổ liên kết sản xuất vùng biên Tân Hà do ông Nghĩa làm tổ trưởng được ra đời từ đó. Những ngày đầu trở lại đồng, tuy bà con hai bên có hơi dè dặt, ngại ngùng, nhưng rồi ông Nghĩa đã phá tan cái không khí thờ ơ lạnh nhạt đó bằng những kinh nghiệm sản xuất của mình như xịt thuốc, bón phân sao cho hợp lý, cấy cày ra sao để kịp thời vụ...

Vào vụ cấy trồng, hễ ông Nghĩa cùng bà con nông dân Việt Nam trồng cây gì, chăm sóc ra sao thì đều chia sẻ, hướng dẫn bà con nông dân Campuchia làm y như thế. Những trường hợp bà con phía bạn gặp khó khăn về vốn giống, nông cụ sản xuất, ông Nghĩa và bà con nông dân Việt Nam đều vui lòng chia sẻ. Lúc thì cho bạn mượn trâu bò cày đất, khi thì giúp máy gặt, máy kéo vận chuyển hàng nông sản không tính công. Thậm chí nhiều lần ông Nghĩa còn đến các cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu tại xã Tân Hà để bảo lãnh cho bà con nông dân Campuchia được mua phân, mua thuốc đến cuối vụ mới thanh toán tiền.

Đến cuối vụ thu hoạch nông sản, ông vận động bà con nông dân Việt Nam giúp bạn sân phơi. Rồi ông tiếp tục giới thiệu những thương lái có uy tín thu mua hàng nông sản cho bạn, nhằm tránh tình trạng bị ép giá. Trúng mùa, được giá, hết vụ này qua vụ khác, rồi hết năm này sang năm khác, từ chuyện sản xuất đến việc qua lại trao đổi hàng hóa, mua bán, thăm thân đã khiến cho bà con nông dân Campuchia nhận ra rằng không gì tốt bằng khi biên giới luôn được hòa bình, hữu nghị.

Biên cương thắm tình hữu nghị

Với phương châm "yêu nhau thì rào dậu cho kín", những năm qua, hai đất nước, hai dân tộc đã cùng nhau bàn thảo về vấn đề hoạch định biên giới, tiến hành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Nhân dân và chính quyền hai bên đã cùng thống nhất về vị trí đặt cột mốc, xác định đường biên. Cột mốc mang số hiệu 100 được xây dựng giữa cánh đồng trở thành chứng nhân cho tình nghĩa thủy chung giữa nhân dân hai dân tộc. Người Khmer ở đây nói rằng, con số 100 sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi cho việc canh nông của họ. Và sau mỗi lần làm đồng đuối sức, không kể người Việt hay người Miên, dân tộc Kinh hay dân tộc Khmer, những người nông dân thuần phác này lại tới ngồi bên cột mốc, chia cho nhau điếu thuốc rê, trao đổi dăm ba câu chuyện về ruộng đồng mùa vụ.

Nhịp cầu nối đôi miền biên giới 2
 Ông Bùi Văn Nghĩa hướng dẫn bà con Campuchia trồng lúa. Ảnh: PV

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang dự kiến thí điểm hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới theo chủ trương của Chính phủ giữa hai cặp xã này. Rồi đây, hai miền đất sẽ chính thức kết đôi, nhân dân hai xã sẽ như "anh em một nhà", cùng nhau tự giác tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Sự kết nghĩa ấy thể hiện nguyện vọng của nhân dân là được thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết dân tộc, thân tộc giữa nhân dân hai bên biên giới, cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Hơn nửa đời người gắn bó với Tân Hà, đã có nhiều bạn bè khuyên ông: Cuộc sống kinh tế gia đình không đến nỗi nào, bán hết đất cát, ruộng vườn đi, tìm chốn thị thành mà buôn bán, hưởng thụ, cho con cái ăn học đàng hoàng, tội gì phải chật vật nơi biên giới xa xôi hẻo lánh này. Ông nghe rồi gạt bỏ ngoài tai bởi quan niệm: Nông dân vùng biên mà bỏ ruộng, bỏ vườn, bỏ trách nhiệm với đường biên, mốc giới là có tội với quốc gia, dân tộc, có tội với con với cháu sau này. Hơn nữa bỏ sao đành khi mà chính mảnh đất này đã gắn bó với ông từ thời tay trắng, chính nhờ nó mà giờ này ông có của ăn của để, nhờ nó mà ông mới có điều kiện để giúp đỡ nhân dân sống hai bên biên giới. Và cái lý do đặc biệt nhất khiến ông không nỡ bỏ đất mà đi chính là trách nhiệm của một công dân biên giới gắn liền với cái tên Tà Nghĩa mà ông đã thực hiện mấy chục năm qua.

Ngồi cùng Tà Nghĩa dưới chân cột mốc 100, nhìn gương mặt sạm đen vì dạn dày mưa gió vì những tháng ngày cần lao, vất vả của ông, mới cảm nhận hết ý nghĩa của hai từ Tà Nghĩa, mới thấy biết bao trân trọng những nghĩa cử đơn sơ nhưng mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng người Khmer nơi đây của một lão nông. Và cũng chính ông đã làm nên một vẻ đẹp Việt đầy nhân ái, khoan dung trong lòng người dân nước bạn. Vòng đời của cây lúa vẫn giản dị qua tháng ngày góp nhặt tinh hoa của đất trời, mang lại cho con người nguồn sống. Tà Nghĩa của cư dân biên giới vẫn chỉ là một người nông dân chân chất, hiền lành, nhưng tầm suy nghĩ, ý thức trách nhiệm với đất nước, với bà con chòm xóm của ông không phải ai cũng có được. Mong sao trên khắp nẻo biên cương đất Việt xuất hiện ngày càng nhiều những ông Tà bằng xương, bằng thịt như ông Bùi Văn Nghĩa.

TUỆ LÂM - TRUNG QUÂN


Ý kiến của bạn