Nhìn từ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2014

28-12-2014 2:00 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Vừa kết thúc tại Nam Định, sự kiện quốc nội mang tiếng đỉnh cao nhất 4 năm mới có một lần tốn kém tới vài nghìn tỷ đồng mà đa số người dân chẳng biết...

Câu chuyện của mấy nghìn tỷ và vài thành tích châu lục 

Vừa kết thúc tại Nam Định, sự kiện quốc nội mang tiếng đỉnh cao nhất 4 năm mới có một lần tốn kém tới vài nghìn tỷ đồng mà đa số người dân chẳng biết, khán giả không có và mặt bằng thành tích thậm chí còn kém cả giải VĐQG hàng năm. Giới chuyên môn cùng người hâm mộ đã lên tiếng gay gắt về việc phải đối mặt quyết liệt mô hình và phương thức tổ chức Đại hội mà lần thứ 8 năm 2018 sẽ diễn ra tại An Giang.

Lèo tèo vài thông số châu lục

Muốn biết thành quả của cuộc đấu này  thấp cỡ nào chỉ cần lấy một chuẩn ở tầm quốc gia là các kỷ lục, cả Đại hội chỉ có đúng 57 cột mốc được phá. Trong đó, chiếm đa số lại là ở lặn (17 kỷ lục quốc gia) và bắn cung (12) - một môn họa hoằn lắm mới xuất hiện tại các giải quốc tế, môn còn lại đang ở nhóm trung bình khá ngay ở khu vực. Điền kinh chỉ tạo ra 2 thông số mới, còn bơi chỉ là 2. Từ những thống kê cũng đủ thấy danh mục kỷ lục quốc gia qua Đại hội ít ỏi và kém giá như thế nào.

​Kình ngư Ánh Viên giành tới 18 HCV tại Đại hội lần này.

Càng đáng buồn hơn bởi so lên tầm châu lục, sân chơi vài nghìn tỷ ấy chỉ “neo” lại vỏn vẹn được vài trường hợp. Đó là xạ thủ Xuân Vinh bất ngờ bắn vượt kỷ lục thế giới 10m súng ngắn hơi, cùng hai đồng đội Quốc Cường, Minh Thành cũng đạt tới mức huy chương châu Á nội dung “tủ” của mình. Cả môn điền kinh, duy nhất Nguyễn Thị Huyền chạy vượt HCĐ châu lục ở 400m chạy rào. Và nếu “chiếu cố” hết mức, có thể kể thêm chính Huyền với 400m hay Quách Thị Lan ở 400m và 400m rào. Đô cử vô địch thế giới Kim Tuấn vẫn giữ được tầm châu lục với mức tổng cử 283kg nhưng anh đã làm tụt của chính mình cả chục kg.

Khán giả  lưa thưa

Dù BTC sớm thông báo mở cửa tự do mời khán giả vào theo dõi Đại hội tại những công trình được xây mới, nâng cấp hoành tráng, song từ Nam Định sang Thái Bình, Hà Nam, qua Hải Dương, Hải Phòng lên Hà Nội đều là những khán đài trống vắng. Thậm chí, nhiều môn như bắn súng, thể dục dụng cụ, bóng ném, cầu mây, đua thuyền coi như không có khán giả. Ngoài lễ khai và bế mạc, chỉ các trận đấu quan trọng ở môn bóng chuyền thu hút được người xem ở mức tương đối, tuy nhiên, hãy còn kém xa chính giải VĐQG môn này.

Thua ngay ở địa điểm tổ chức, Đại hội gần như chỉ còn là chuyện của riêng ngành thể thao trong sự thờ ơ của người dân cả nước, kể cả những đối tượng yêu thích thể thao. Như ví von đầy hài hước của một chuyên gia, đa số người dân ở phía Nam chỉ biết láng máng có một sự kiện thể thao do Nam Định đăng cai, còn nhiều người ở chính các tỉnh phía Bắc lại ngỡ Đại hội đang diễn ra ở… An Giang.

Ngoài sức hút tự thân kém cỏi của các giải đấu gắn với chất lượng tranh tài thấp, Đại hội gần như còn bị “đóng băng” bởi thời điểm tổ chức không phù hợp, mảng thông tin quảng bá quá chậm trễ và hời hợt.

Tất nhiên, một Đại hội cứ cho rằng siêu đặc thù của thể thao Việt Nam hướng tới đa mục tiêu, song những người có trách nhiệm nghĩ như thế nào trước mặt bằng chung thành tích quá yếu kém của các giải đấu Đại hội. Lẽ nào một cuộc đấu vẫn được gắn với mĩ từ như kết tinh hay đỉnh cao cho cả một chu trì 4 năm mà chất lượng thậm chí còn kém hơn cả giải VĐQG hàng năm với một số kỷ lục lèo tèo cùng vài ba thành tích tiệm cận tầm châu lục?

Hà Nội nhất nhưng không cần bóng, chẳng thèm bơi… Kể từ kỳ Đại hội 2002 khi lần đầu soán ngôi TP.HCM, thể thao Thủ đô đã có tới 4 lần liên tiếp thống trị tuyệt đối Đại hội. Tuy nhiên, phía sau đó vẫn có điểm yếu rất lớn và căn bản của sự phát triển thiên lệch, phần nào đó chạy theo số lượng đầu môn và thành tích trước mắt. Thực tế lâu nay, vô đối ở quốc nội nhưng Hà Nội chưa thể gánh vác vai trụ cột cho thể thao Việt Nam tại các đấu trường cao như ASIAD hay Olympic.

Thế nên, xét trên một góc độ nào đó, nhất hay nhì Đại hội nhiều khi cũng đơn giản  chỉ là… nhất nhì ở ao làng.

An Giang - vinh dự đăng cai cùng nỗi lo 2.000 tỷ

Vinh dự trở thành địa phương thứ 5 trong cả nước và đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giành quyền đăng cai sự kiện thể thao quốc nội lớn nhất 4 năm mới có một lần, song An Giang nói riêng và cả ngành thể thao nói chung sẽ phải đối mặt với một thử thách cực lớn khi cơ sở vật chất của đơn vị chủ nhà gần như chưa có gì.

Thậm chí còn khó hơn cả Nam Định, An Giang phải đầu tư xây mới hoàn toàn hàng chục công trình mới theo tiêu chuẩn ở TP. Long Xuyên và một số huyện. Theo đề án, An Giang dự kiến xây mới một SVĐ 25.000 chỗ ngồi, một Nhà thi đấu đa năng 3.000 chỗ, một bể bơi 1.000 chỗ, một sân đua xe đạp lòng chảo 5.000 chỗ, một Nhà thi đấu tại trường Đại học An Giang 1.500 chỗ, một Trung tâm điều hành và báo chí trong khu Liên hợp thể thao tỉnh, một Khu tập luyện và thi đấu dưới nước Bùng Bình Thiên.

Dự toán, tổng kinh phí đầu tư xây mới các công trình lên tới 2.010 tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý nguồn từ ngân sách trung ương lên tới 1.590 tỷ đồng. Hiện tại, Chính phủ cũng đã tạm ghi vốn cho An Giang 500 tỷ đồng để tổ chức Đại hội theo quyết định phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030”.

Lưu ý rằng khoản 2.010 tỷ đồng mới chỉ là tính riêng ở An Giang - địa điểm đăng cai chính. Nếu theo mô hình tổ chức còn có một số địa điểm vệ tinh khác cũng đảm trách một phần chương trình thi đấu, đồng nghĩa với việc phải xây mới, nâng cấp thêm và như vậy, tổng chi phí cho cơ sở vật chất của Đại hội sẽ còn cao thêm nhiều. Nhiều khả năng, số tiền lên tới 3.000 tỷ đồng, có nghĩa là ngang hoặc hơn kỳ Đại hội tại Nam Định vừa qua do xuất phát điểm về hạ tầng thể thao của An Giang cùng các địa phương lân cận đều ở mức thấp.

Có thể thấy, Đại hội TDTT toàn quốc 2018 tại An Giang sẽ tiếp tục tạo ra một gánh nặng lớn cho ngân sách Nhà nước, cũng như địa phương, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện tại.

Bên cạnh nguồn kinh phí khổng lồ, kỳ Đại hội lần thứ 8 còn đứng trước nguy cơ lớn của sự chậm tiến độ. Theo đề án, Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 8/2018, có nghĩa là quỹ thời gian chuẩn bị chỉ còn đúng 44 tháng, trong khi ngành thể thao cùng An Giang mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động và chuẩn bị.

Nếu căn cứ vào thực tế của Đà Nẵng hay Nam Định khi các công trình đều hoàn thành không đúng lịch trình khiến cho thời điểm tổ chức Đại hội phải hoãn đi hoãn lại vài lần, rồi đẩy tới cuối năm thì kỳ Đại hội do An Giang đăng cai cũng rất đáng lo ngại.          

Xuyến Chi

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH