Tuần lễ cấp cao APEC trong đó điểm nhấn là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, cho thấy APEC không chỉ là một diễn đàn hợp tác kinh tế, mà đã trở thành một động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu và một vị thế chính trị mới.
Tại Hội nghị các nhà lãnh kinh tế APEC lần thứ 25 đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị các nhà lãnh kinh tế APEC lần thứ 25 cũng như của Năm APEC 2017.
Tuyên bố Đà Nẵng khẳng định thông điệp mạnh mẽ, kịp thời về quyết tâm thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, tăng trưởng bao trùm, bền vững. Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết trong APEC trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi. APEC nhất trí tăng cường thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư ở khu vực ; hoàn tất thực hiện các mục tiêu Borgo ; đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng, chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên. Để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ 4 và thực hiện hoàn tất các mục tiêu Borgo, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí sự cần thiết để duy trì sự hợp tác mới cho APEC sau năm 2020. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới và Bộ kinh nghiệm điển hình APEC về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đánh giá chung, Tuyên bố Đà Nẵng đã thể hiện một tầm nhìn mới cho APEC, định ra những định hướng mới tạo động lực tăng trưởng cho khu vực và vạch ra những hướng đi mới cho các nền kinh tế APEC trong tương lai. Bởi trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, liên kết kinh tế ở khu vực đang gặp nhiều trở ngại bởi những thách thức toàn cầu về thương mại tự do và mở cửa, tất cả các nhà lãnh đạo APEC đều nhất trí khẳng định APEC phải phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng thương mại, đầu tư, kết nối cũng như cách thức để người dân được thụ hưởng lợi ích đồng đều từ quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế.
Những “dấu son” quan trọng
Một điểm nhấn khác Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đó là những cam kết, ý tưởng sáng tạo mới. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) với 15 phiên họp đã thành công tốt đẹp khi các bài phát biểu của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trumph, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu thế giới và Việt Nam cùng đại diện của các định chế kinh tế quốc tế lớn đã đưa ra những ý tưởng mới, cam kết mới cho tăng trưởng. Những bài phát biểu của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế, của các CEO toàn cầu, những vấn đề được thảo luận tại CEO Summit đều là những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến mỗi nền kinh tế không chỉ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Nhìn laị một Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, giới phân tích cho rằng: APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế, và thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xử lý các thách thức cấp bách toàn cầu. Các Mục tiêu Bogor về mở cửa và tự do hóa về thương mại và đầu tư, việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, các chiến lược, chương trình về tăng trưởng, kết nối đã trở thành định hướng dài hạn cho hoạt động của APEC, mở ra hàng trăm lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới, đã và đang đáp ứng kịp thời những nhu cầu mới đặt ra trong kỷ nguyên số.
25 năm qua, thế giới và khu vực có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế, quan hệ quốc tế và tương quan lực lượng. Song với định hướng chiến lược là lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng, xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư làm trọng tâm, APEC đang tạo ra những động lực mới, thúc đẩy tăng trưỏng bền vững.
Một nội dung nổi bật khác tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là Bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Cụ thể, các nước TPP đã thống nhất các nhân tố cốt lõi của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) thay thế cho TPP. Theo đó, giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình. Các Bộ trưởng nhất trí rằng hiệp định CPTTP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước. “Trong bối cảnh mới khi có một quốc gia rút khỏi TPP 12, nhưng tất cả các quốc gia còn lại đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này. Chính vì vậy tính chất và chất lượng của hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung “toàn diện” và “tiến bộ”, là điều mà tất cả các Bộ trưởng của TPP 11 thống nhất và muốn nhấn mạnh, coi đây là mục tiêu chung có tính bao trùm của hiệp định. Do đó, tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhận được sự đồng thuận rất cao”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Có thể nói kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới. Hy vọng rằng với bước tiến quan trọng trong cuộc họp lần này, 11 nước thành viên tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán, thống nhất để đi đến ký kết, đưa Hiệp định vào thực thi mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Vai trò tích cực, năng động của chủ nhà Việt nam
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã kết thúc tốt đẹp sau 6 ngày làm việc bận rộn của các đại biểu 21 nền kinh tế APEC. Những kết quả quan trọng của Hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy các nước thành viên đạt được mục tiêu Bogor vào năm 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai APEC. Lần thứ nhất Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội năm 2006. Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC, 18 nước đã đăng cai Hội nghị và chỉ có 8 nước đăng cai hai lần sự kiện quan trọng này. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị lần thứ hai năm nay không chỉ thể hiện sự tín nhiệm của APEC đối với uy tín và vị thế của Việt Nam.
Trong suốt năm APEC 2017, các bộ trưởng, quan chức cao cấp APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Những cuộc họp, sáng kiến, ý tưởng thành công không chỉ thúc đẩy việc hoàn tất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà APEC đề ra, mà còn thể hiện vai trò chủ động, tích cực của nước chủ nhà Việt nam.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN. Hoạt động này nhằm phát huy vai trò của APEC là cơ chế khởi xướng và điều phối các các ý tưởng liên kết và kết nối khu vực, được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương với Nguyên thủ, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Lãnh đạo các nền kinh tế, các tập đoàn đều đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các hoạt động tiếp xúc song phương này vừa góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, vừa mang lại những lợi ích hết sức cụ thể, thiết thực đối với đất nước, người dân và doanh nghiệp.
Đánh giá về vai trò của Việt nam trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái bình Dương, nhiều học giả quốc tế nhận định: Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực. Theo chuyên gia Maria Zelenkova (Nga) trong những năm gần đây Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý trong số những quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, chuyên gia Maria Zelenkova nhận định “Việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 sẽ củng cố hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”.
Tiến sĩ Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nhận định Việt Nam đang trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ. Ông cho rằng việc Tổng thống Donald Trump chọn Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tới thăm là một dấu hiệu rất tích cực, cho thấy Việt Nam đang trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ.
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là nền kinh tế mở, đang hội nhập sâu rộng và có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.