Ngay cả một chút danh dự có thể được vớt vát bằng một chiến thắng trong trận tranh hạng 3 với Hà Lan, thầy trò Scolari cũng không làm nổi. Thậm chí, họ còn để thua đối thủ tới 3 bàn không gỡ với một màn trình diễn bạc nhược và đẩy nền bóng đá lớn nhất thế giới xuống tận cùng của bi kịch - một bi kịch lịch sử.
Không chỉ đội bóng, hay người Brazil mà người hâm mộ trên khắp thế giới đều mong muốn chủ nhà sẽ có một thắng lợi để cứu vãn đôi chút thể diện mang tính an ủi. Quan trọng hơn, nó sẽ tránh cho vết thương quá lớn từ sau thảm họa thua Đức 1-7 ở vòng bán kết không bị đào sâu thêm. Thế nhưng, rốt cuộc mục tiêu khả dĩ ấy với họ cũng vỡ tan. Số phận của cuộc đấu đã sớm được định đoạt chỉ sau 16 phút, khi Brazil phải nhận 2 bàn thua. Dù đầy quyết tâm và cố gắng, song dường như họ vẫn chưa vượt qua nổi sự hoảng loạn để có thể trở lại mặt đất. Các cầu thủ thi đấu như thể mơ ngủ, hoàn toàn thiếu tính tổ chức và gắn kết, liên tiếp mắc sai lầm. Đơn cử cả 2 pha ghi điểm của Hà Lan đều xuất phát từ lỗi “chết người” của cặp trung vệ Silva và Louis. Càng đau hơn vì trong hai tình huống đó, thầy trò Scolari còn phần nào đó chịu oan ức từ sự yếu kém của ông trọng tài Algeria, nhất là việc không thổi lỗi việt vị rõ ràng ở bàn thứ 2. Có lẽ đây cũng là cái giá mà Brazil phải trả cho những thời điểm được các ông vua áo đen bắt thiên vị hay nương tay, chỉ có điều nó rơi vào đúng lúc này quả thật quá nghiệt ngã. So với thảm bại 1-7 trước người Đức, hàng tấn công của Brazil trận này còn tệ hại hơn vì chẳng thế phá lưới nổi một lần.
Xét trên thành tích thuần túy, việc lọt vào tới bán kết, đứng hạng 4 World Cup thực ra chưa phải là một kết quả quá tồi. Tuy nhiên, nhìn lại cả hành trình, cụ thể là hai trận cuối, đặc biệt trận bán kết đại bại 1-7 trước người Đức, có thể coi Brazil chính là đội bóng gây thất vọng và chán nản bậc nhất trong lịch sử 20 giải đấu. Đơn giản, bởi một cường quốc từng 5 lần vô địch thế giới, luôn sản sinh ra các tài năng xuất chúng, lại với tư cách chủ nhà, Brazil không thể và không được phép để xảy ra những thảm họa như vậy. Điều cốt yếu là qua đó cũng bộc lộ hàng loạt lỗ hổng to tướng từ “thượng tầng kiến trúc” của nền bóng đá giàu truyền thống số 1. Điểm rõ nhất, đó là sự tự hào, tự tôn một cách quá thái, đến mức ảo tưởng, dẫn đến cách làm thiếu tính chiến lược và khoa học, để rồi chỉ có thể trông chờ vào các tài năng xuất hiện theo kiểu tự phát, may rủi. Chuyện kỳ vọng quá nhiều vào một ngôi sao đang lên như Neymar, rồi “chết” đau khi anh vắng mặt vì chấn thương cũng là một minh chứng Brazil đang khan hiếm tài năng như thế nào. Thứ hai, căn bệnh thành tích trước sức ép vô cùng lớn của người dân xứ sở Sampa, lại ở một World Cup trên sân nhà đã làm hại Brazil. Chính nỗi ám ảnh của chiếc cúp vàng đã khiến cả một nền bóng đá rơi vào tình trạng đánh mất bản sắc, thế mạnh của mình, để gây dựng nên một đội tuyển chơi thực dụng, toan tính và bạo lực còn hơn cả các đội “đặc trưng” nhất của châu Âu. Đúng là Brazil chẳng còn gì để biện hộ sau hai thất bại liên tiếp ở bán kết và tranh hạng 3, đỉnh điểm là thảm bại thế kỷ 1-7 trước người Đức, sau các con số thống kê mà trước đó chẳng ai dám tin: kỷ lục để thua 14 bàn, kỷ lục về số pha phạm lỗi, ngã vờ, nằm sân nhiều nhất... Điểm tích cực duy nhất, Brazil từ đây sẽ phải và có cơ hội thay đổi để tìm lại vị thế, sức mạnh vốn có, hay nói chính xác hơn là tìm lại chính mình. Trên lý thuyết, với một nền tảng, điều kiện độc nhất vô nhị của mình, họ sẽ trở lại mạnh mẽ, song thực tế hoàn toàn khác. Cực khó để Brazil có thể nhìn thẳng và vượt lên cho một cuộc “lột xác” toàn diện khi mà như thường lệ đã lại thấy những người có trách nhiệm lên tiếng đổ lỗi cho nhau và cho đủ thứ. Chẳng thế mà, ngay cả HLV Scolari - “tội đồ” chính và trực tiếp đến giờ vẫn khăng khăng chưa chịu từ chức, với đủ các lý lẽ được đưa ra cho thất bại mà ở đó chẳng thấy “phần” của ông đâu.
Tường Nhi