Một năm trước, các đợt tiêm vaccine chống lại COVID-19 chỉ mới bắt đầu. Hiện nay, hơn 4,4 tỷ người đã được tiêm một hoặc nhiều hơn một liều vaccine ngừa COVID-19, chiếm khoảng 56% dân số thế giới. Việc tiêm chủng cho rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, ngay sau sự phát triển nhanh chóng vô song của vaccine, đã cứu sống rất nhiều người và là một thắng lợi cho khoa học và nghiên cứu.
Mặc dù vậy do một số yếu tố vaccine ngừa COVID-19 đã không được chia sẻ hoặc sử dụng một cách công bằng trên toàn thế giới, thậm chí, trong một số quốc gia. Nhưng sự ra đời phi thường của rất nhiều vaccine COVID-19, hoặc việc thiếu vaccine ngừa COVID-19, đã là một động lực lớn định hình chính trị, khoa học và trải nghiệm hàng ngày của con người vào năm 2021.
Xin được điểm lại những thành công, những thất bại và tác động của vaccine COVID-19 trong năm 2021.
Chiến thắng trong cuộc đua vaccine
Hơn tám tỷ liều vaccine, chủ yếu là 8 loại vaccine dẫn đầu, hiện đã được sử dụng trên khắp thế giới, phần lớn vào năm 2021. Nhà virus học Gagandeep Kang thuộc Đại học Y khoa Christian ở Vellore, Ấn Độ, khẳng định: "Chỉ cần tạo ra nhiều vaccine như vậy đã là thành công nổi bật".
Nhà khoa học Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Các loại vaccine ngừa COVID-19 đã có tác động rất lớn trong việc ngăn chặn tử vong và giúp các nền kinh tế đất nước trở lại bình thường. Ở các quốc gia có mức độ tiêm vaccine bao phủ cao, ngay cả khi có những đợt lây nhiễm mới, tử vong vẫn ở mức thấp."
Trong lịch sử, không có loại vaccine nào được phát triển nhanh như vậy. Thế nhưng, 23 loại vaccine khác nhau chống lại SARS-CoV-2 đã được chấp thuận sử dụng trên khắp thế giới trong vòng 2 năm qua - và hàng trăm loại vaccine ngừa COVID-19 khác đang được phát triển.
Ước tính rằng sự phát triển và triển khai các vaccine ngừa COVID-19 một cách nhanh chóng đáng kinh ngạc này đã cứu được ít nhất 750 nghìn sinh mạng chỉ tính riêng ở Mỹ và Châu Âu - và có thể nhiều hơn nữa trên toàn cầu, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn về các số liệu.
Một nghiên cứu từ WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu ở Solna, Thụy Điển, được công bố vào tháng trước, ước tính rằng 470 nghìn ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ vaccine ngừa COVID-19 trên 33 quốc gia Châu Âu, chỉ tính riêng khu vực đối tượng là những người từ 60 tuổi trở lên.
Một nghiên cứu khác của các nhà dịch tễ học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut (Mỹ) ước tính rằng 279 nghìn sinh mạng tại Mỹ đã được cứu vào cuối tháng 6.2021 nhờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Sự bất bình đẳng vaccine ngừa COVID-19
Bất chấp sự thành công đáng kinh ngạc của vaccine, thế giới tồn tại sự bất bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 một cách sâu sắc.
Tại các quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Chile và Cuba, hơn 200 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên 100 người. Nhưng ở cuối tháng đo ngược lại, ở những nơi như Tanzania, Afghanistan và Papua New Guinea, dưới 20/100 người nhận được ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.
Nhà khoa học Swaminathan nhận định: "Sự bất bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19 là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của đại dịch".
Trung bình, ở các quốc gia có thu nhập cao, 83% dân số đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một lần, nhưng ở các quốc gia thu nhập thấp, con số này giảm xuống còn 21%. Nhà dịch tễ học Andrew Azman thuộc tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland (Mỹ) - đồng tác giả của một phân tích về sự bất bình đẳng trong liều lượng vaccine ngừa COVID-19, thốt lên rằng: "Những con số về sự bất bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 chưa bao giờ ngừng gây kinh ngạc".
Người ta mong đợi rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ nhận được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 tăng lên khi nhu cầu bắt đầu giảm ở các quốc gia giàu có. Thế nhưng, các quốc gia giàu có lại đang tích trữ những liều vaccine tang cường, do đó tiếp tục gây khó khăn cho khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 của những người thực sự cần chúng.
Sự chênh lệch không chỉ tồn tại giữa các quốc gia mà còn tồn tại bên trong từng quốc gia. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp hơn ở những khu vực có nhiều người có thu nhập thấp hoặc cha mẹ đơn thân hoặc người khuyết tật. Các nghiên cứu khác cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng theo chủng tộc hoặc dân tộc.
Cuộc chiến giữa vaccine ngừa COVID-19 và các biến thể
Năm 2021 là năm của vaccine ngừa COVID-19, nhưng cũng là năm của các biến thể. Các nhà nghiên cứu đã xác định được bộ ba "các biến thể SARS-CoV-2 cần quan tâm" vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, hiện được gọi là Alpha, Beta và Gamma. Chúng dường như lây lan nhanh hơn các dòng virus lưu hành trước đó và các nhà khoa học lo ngại rằng những biến thể này cũng có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và dịch tễ học trong thế giới thực xác nhận rằng vaccine ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả cao đối với ba loại virus phổ biến nhất, Alpha - được xác định lần đầu tiên ở Vương quốc Anh. Nhưng Beta và Gamma - lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và Brazil - có liên quan đến việc giảm hiệu quả của một số vaccine, đặc biệt là những vaccine dựa trên vectơ virus hoặc trên vi rút bất hoạt.
Biến thể Delta, được nhận định là biến thể cần quan tâm vào tháng 5/2021, hiện đang là biến thế "thống trị" hầu hết các ca bệnh mắc mới trên toàn cầu và bị coi là thách thức hơn nữa đối với vaccine ngừa COVID-19.
Hiện các nhà nghiên cứu đang chạy đua để xác định làm thế nào các loại vaccine khác nhau sẽ chống lại biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.
Một nghiên cứu sơ bộ từ Vương quốc Anh cho thấy rằng hai liều vaccine không cung cấp khả năng bảo vệ chống lại việc bị nhiễm Omicron (liều nhắc lại thứ ba đã khôi phục hiệu quả vaccine lên trên 70%).
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng vaccine sẽ tiếp tục ngăn ngừa bệnh nặng do biến thể gây ra - nhưng mức độ nào thì vẫn chưa rõ ràng.
Nhà dịch tễ học Laith Jamal Abu-Raddad, tại Weill Cornell Medicine – Qatar ở Doha, khẳng định bất chấp những thách thức trên, vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang làm tốt công việc bảo vệ chống lại các dạng nghiêm trọng nhất của COVID-19.
"Hiện chúng tôi có rất nhiều dữ liệu chứng minh rõ ràng rằng vaccine ngừa COVID-19 đang hoạt động rất tốt trong việc chống lại mức độ nghiêm trọng của bệnh" – ông Raddad nói.
Tiếp tục ra mắt những vaccine ngừa COVID-19 mới
Trong khi chưa đến một nửa dân số thế giới vẫn đang chờ liều vaccine COVID-19 đầu tiên, các nhà nghiên cứu đang phát triển hơn 300 lựa chọn mới. Trong số này, gần 200 loại vẫn đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật, chưa trên người, còn 40 loại khác đang trong các thử nghiệm lâm sàng quốc tế lớn.
Một số loại vaccine thế hệ tiếp theo này được cho rằng có thể sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn với những loại vaccine hiện có. Ví dụ, vaccine protein sử dụng protein SARS-CoV-2 để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus, hứa hẹn sẽ dễ sản xuất và vận chuyển hơn so với một số loại vaccine hiện có.
Đặc biệt, hai loại vaccine protein được sản xuất bởi Novavax, ở Gaithersburg, Maryland và Clover Biopharmaceuticals ở Thành Đô, Trung Quốc, được kỳ vọng có thể đóng vai trò then chốt để đạt được mục tiêu của sáng kiến Tiếp cận toàn cầu về vaccine COVID-19 (COVAX) là phân phối hai tỷ liều cho các quốc gia có thu nhập thấp vào năm tới – ông Nicholas Jackson, lãnh đạo của COVAX, thông báo.
Các loại vaccine COVID-19 khác đang được bào chế để có thể sử dụng bằng miệng hoặc hít qua mũi, chẳng hạn như vaccine đường mũi đang được phát triển bởi CanSino và AstraZeneca.
Một số vaccine ngừa COVID-19 lại đang được phát triển để đối phó với các biến thể SARS-CoV-2 cụ thể - chẳng hạn như Omicron - hoặc thậm chí nhiều loại coronavirus.
Chủng ngừa vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em
Trong năm 2021, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao đã gây ra sự gia tăng mạnh mẽ các ca bệnh nhi trên toàn thế giới.
Andrew Pavia, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nhi tại Đại học Y tế Utah ở Thành phố Salt Lake (Mỹ) cho biết: "Mặc dù chỉ có một tỷ lệ tương đối nhỏ trẻ em mắc bệnh nặng, nhưng điều đó vẫn dẫn đến một số lượng lớn các trường hợp nghiêm trọng trên toàn cầu. Vì vậy, việc tiêm phòng rộng rãi cho trẻ em sẽ hạn chế các ca bệnh nặng ở lứa tuổi đó và giúp kiểm soát sự lây lan của virus".
Tại Mỹ - nơi trẻ em chiếm số lượng lớn nhất các trường hợp mắc COVID-19 ở mọi lứa tuổi kể từ cuối tháng 10 - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt tiêm vaccine Pfizer – BioNTech cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5 - 11 tuổi trên toàn quốc, vào đầu tháng 11/2021.
Các cơ quan quản lý ở Canada, Israel và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, đều tạm thời phê duyệt tiêm vacccine Pfizer cho trẻ em vào cuối tháng 11/2021, tiếp theo là Australia vào đầu tháng 12/2021. Colombia, Chile, Argentina và Venezuela hiện đang cung cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho trẻ em.
Những kỳ vọng mới
"Nhân loại cùng nhau phát triển và triển khai vaccine ngừa COVID-19 và hiểu được chúng là gì, cách chúng hoạt động và tại sao chúng ta có thể muốn sử dụng chúng trong tương lai" - nhà dịch tễ học Azman phân tích. Vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiếp tục cứu sống và giúp một số người quay trở lại cuộc sống bình thường.
Nhưng mức độ thế giới ngăn chặn đại dịch vào năm 2022 và hơn thế nữa sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine phát triển đến đâu, vaccine được cung cấp như thế nào ở các quốc gia có thu nhập thấp, công tác sử dụng thuốc tăng cường ở những nhóm dân số có khả năng miễn dịch suy yếu và cung cấp liều lượng cho trẻ em - cũng như bản chất và mức độ của các biến thể mới, chẳng hạn như Omicron.
WHO phê duyệt vaccine COVID-19 thứ 9