Sự dị thường của cơn bão số 3
Tối ngày 8/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có báo cáo tổng kết về diễn biến của cơn bão số 3 gây thiệt hại rất lớn cho nước ta.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 3/9 sau khi vào Biển Đông bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, đến ngày 05/9 bão tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão).
Bão số 3 duy trì cấp siêu bão hơn 24 giờ trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quôc) và tối ngày 6/9. Đêm 6/9, bão số 3 đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17.
Chiều ngày 7/9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15. 4 giờ sáng nay (8/9) bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía tây bắc bộ, dự báo trong 12-24 giờ tới áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu thành vùng thấp và tan dần. 11h ngày 8/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát tin cuối về áp thấp nhiệt đới
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, bão số 3 có nhiều điểm dị thường. Đây là cơn bão có cường độ tăng nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão. Là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông.
Mức độ giảm cấp trên đường đi của bão số 3 không theo quy luật thông thường. Thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).
Dự báo chính xác về cơn bão
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, khi còn ở khu vực Bắc Biển Đông bão số 3 có cường độ rất mạnh, cấu trúc hệ thống đối xứng, hoàn lưu bão rộng được duy trì và phát triển trong môi trường rất thuận lợi (nhiệt độ bề mặt nước biển rất cao là trên 31độ C; hội tụ ẩm mực thấp rất lớn) - là những điều kiện để bão duy trì cường độ mạnh. Vì vậy, từ thời điểm trước 48 giờ khi bão số 3 đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) các cơ quan dự báo của quốc tế và Việt Nam đều có chung nhận định bão sẽ không giảm nhiều về cường độ khi đi vào vịnh Bắc Bộ cũng như khi tiến sát đất liền Việt Nam.
Các cơ quan dự báo của quốc tế đều có chung nhận định rằng bão sẽ duy trì cường độ rất mạnh khi di chuyển trên vịnh Bắc Bộ (cấp 13-14) và khi đổ bộ vào đất liền Việt Nam (cấp 12, trên cấp 12).
"Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về cường độ cũng như hướng di chuyển của bão số 3 sát với hướng di chuyển và cường độ thực tế của bão trên Vịnh Bắc Bộ cũng như khi đi vào đất liền, và có sự tương đồng với dự báo của các cơ quan dự quốc tế.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia có 2 lần thảo luận với Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản; 2 cuộc thảo luận với cơ quan Khí tượng Trung Quốc trong đợt dự báo bão số 3 để chia sẽ thông tin dự báo, kinh nghiệm chuyên gia và số liệu quan trắc bão", ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.
Về tình hình mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất thời gian sắp tới, ngày mai (9/9), hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24h có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương trong các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các đơn vị dự báo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến mưa, lũ tại các khu vực nêu trên và cung cấp thông tin chi tiết, kịp thời cho các cơ quan phòng chống thiên tai của Trung ương và các địa phương để có biện pháp chỉ đạo, điều hành, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 8/9: Clip tài xế xe đầu kéo chặn đầu xe con để hành hung với lý do người này “chạy xe bố láo”