Lễ hội văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam mang tên Lễ hội Hoa anh đào vừa kết thúc “trót lọt” lần thứ ba tại Nhà thi đấu Quần Ngựa khiến những nhà tổ chức thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ấn tượng mà những cánh hoa anh đào để lại trong tâm khảm của công chúng lại quá nặng nề, đặt ra nhiều câu hỏi về văn hóa lễ hội nói riêng và cách chúng ta ứng xử với những vật thể văn hóa nói chung.
Lễ hội Văn hóa Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam có nhiều nội dung, bao gồm cả âm nhạc, cây cảnh và ẩm thực, nhưng lâu nay người ta vẫn quen gọi tên là Lễ hội Hoa anh đào nên trong suy nghĩ của nhiều người đến xem lễ hội này chỉ là đến ngắm hoa. Những bông hoa anh đào được chú ý nhiều hơn sau khi bị những người hâm mộ vặt trụi trong lễ hội trước, nên lần này mọi quan tâm tổ chức và quản lý được dồn cho việc bảo vệ hoa. Một con số giật gân làm nhiều người choáng: 500 cảnh sát được tung ra để bảo vệ 4 cây hoa gồm 400 cành hoa ghép lại. Xung quanh những cây hoa là những biển chữ kêu gọi mọi người đi dự hội hãy thương hoa! Không khí lễ hội trở nên căng thẳng vì hoa, có người khiếm thị giơ tay sờ hoa đã bị trấn áp ngay, kéo đi xềnh xệch khỏi khu vực hoa anh đào khoe sắc. Người kéo đến nườm nượp để xem hoa và xem cách bảo vệ hoa, hầu như chẳng chú ý mấy đến những hoạt động văn hóa khác trong phạm vi lễ hội. Không khí chung hết sức xô bồ, chen chúc và láo nháo, hàng ngàn người chen lấn mướt mồ hôi, lách mãi mới vào được khu vực lễ hội, nhưng vào đến nơi chỉ thấy mấy cây hoa lèo tèo với nườm nượp cảnh sát và các biển cảnh báo nhìn chằm chằm vào mình nên chán ngán quay ra ngay sau vài phút. Rốt cục, hoa anh đào thu hút người đến rồi cũng chính hoa anh đào lại đuổi người đi!
Nhiều biển đề nghị “thương hoa” được gắn khắp nơi để kêu gọi ý thức người tham gia lễ hội. |
Thực ra, những người đến xem lễ hội chủ yếu là ham vui, muốn tham dự một hoạt động văn hóa của xứ sở hoa anh đào mà họ đã biết qua phim ảnh, âm nhạc, văn chương và báo chí, chứ không phải chỉ háo hức ngắm hoa. Ngay cả những người thiếu văn hóa vặt hoa trong lễ hội lần trước cũng chẳng phải họ quá yêu hoa, mà nhiều khi chỉ xuất phát từ thú vui hồn nhiên của tuổi trẻ, hoặc muốn có chứng tích phục vụ cho sở thích khoe khoang với bạn bè. Thế nhưng, những người tổ chức lễ hội nói riêng và dư luận xã hội nói chung lại chỉ nhìn vào những khía cạnh bề nổi của việc vặt hoa để lên án và có những biện pháp đối phó mang tính quyền lực, khiến cho những cây hoa anh đào giả, những cành hoa anh đào thật thu hút hết sự quan tâm của xã hội, che khuất hết mọi hoạt động văn hóa khác trong lễ hội. Nếu công tác tuyên truyền và công tác tổ chức không quá căng thẳng tập trung vào bảo vệ mấy cành hoa thì không đến nỗi hàng ngàn người chỉ ghé qua ngó mấy cây hoa vài phút rồi lại bỏ về ngay với tâm trạng thất vọng bực bội như thể bị lừa vì chỉ thấy chen chúc, rác bẩn, cảnh sát và lèo tèo mấy cây hoa. Lẽ ra, với hiểu biết nhất định về lễ hội, với tình yêu văn hóa Nhật Bản, họ có thể đi qua khu vực hoa anh đào để xem các khu vực khác, chỉ cho trẻ em xem cách làm các món ăn mà chúng có thể đã được ăn trong các quán ăn Nhật Bản ở Việt Nam. Dù muốn hay không, công tác giáo dục tuyên truyền trước và sau lễ hội còn nhiều phiến diện và bất cập, nặng tính chất lên án và đối phó nên đã không những không khơi dậy lòng tự trọng của người đến xem, mà còn gây tò mò, thậm chí xúc phạm khán giả bằng sự huy động một lực lượng quá lớn cảnh sát canh giữ hoa nghiêm ngặt như canh giữ các nguyên thủ quốc gia.
Lễ hội xong rồi, những cánh hoa anh đào được ra về nguyên vẹn, nhưng tâm hồn người dân Việt Nam không khỏi bị tổn thương. Trên đất nước chúng ta đã có những vườn đào truyền thống hàng ngàn năm tuổi đã và đang bị phá đi như đào Nhật Tân, có nhiều công viên, di tích văn hóa quý báu có một không hai bị xâm hại và phá hủy nghiêm trọng nhân danh phát triển hay trùng tu... mà công luận xã hội nói chung và các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành văn hóa nói riêng đã lên tiếng mạnh mẽ từ lâu nay, nhưng chưa bao giờ thấy những người có trách nhiệm quan tâm nhanh nhạy và đúng mức để bảo vệ những cây hoa đó, những di tích văn hóa đó một cách rầm rộ, quyết liệt như cách bảo vệ những bông hoa anh đào trong lễ hội văn hóa Nhật Bản vừa qua. Chưa bao giờ ta thấy một biển treo, dù chỉ là tượng trưng, nhắc nhở các nhà đầu tư và các nhà quản lý hãy thương hoa đào, hãy thương di tích, hãy thương lấy Hà Nội ngàn năm tuổi mà đừng vẽ ra những dự án hủy hoại di tích vì những bài toán lý tài thiển cận, hãy thương những người dân lao động nghèo khổ mà đừng lấn đất công viên xây khách sạn một cách trắng trợn hay bất minh.
Vẫn biết rằng việc bảo vệ hoa anh đào cũng gắn liền với uy tín văn hóa của Việt Nam, và biết đâu khi những cánh hoa anh đào được nguyên vẹn, ta cũng dễ vay tiền hơn của người Nhật để xây dựng nước nhà. Nhưng nếu không xem xét cẩn trọng và quản lý tốt các dự án phát triển đó, thì việc bảo vệ hoa anh đào hôm nay có khi cũng lại trở thành tiền đề cho việc phá hủy những vườn đào và những công viên, những di sản văn hóa trong nước mai sau.
Diệu Yến