Khám phá những bí ẩn của con người thông qua bộ gen từ lâu đã là một đề tài được giới khoa học quan tâm nghiên cứu. Cho đến nay, người ta đã có thể căn cứ vào một thực tại được “nhìn thấy” là bản đồ gen của mỗi người ngay từ khi mới sinh ra để đoán định tương lai, chẳng hạn: bệnh tật nào có thể mắc phải, nghề nghiệp nào là phù hợp, sự thành công, thất bại sẽ gặp trong đời... với độ chính xác cao.
Chuỗi xoắn kép ADN có thể cho biết tương lai của chủ nhân. |
Từ bản đồ gen cá nhân đến lá số tử vi đời người
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới đã bầu chọn việc tìm ra ADN là một trong 25 phát minh quan trọng nhất trong 25 năm qua. Và cũng hoàn toàn không có chút gì gọi là ưu ái khi đã có tới 3 giải thưởng Nobel danh giá nhất hành tinh được trao cho các phát minh liên quan tới ADN kể từ năm 1953 đến nay. Cùng với đó là việc giải mã thành công gần như toàn bộ bộ gen người và hàng trăm ứng dụng thực tiễn khác bắt nguồn từ những khám phá về hệ gen... đã đưa những thành tựu này lên tầm đánh giá quan trọng tương đương với việc nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Amstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng, ngang bằng với kết quả tìm ra thuốc kháng sinh, cứu sống nhân loại.
Nhưng thành công chưa dừng lại ở đó. Mục tiêu hiện nay của các nhà khoa học là khám phá toàn bộ mối liên hệ giữa bản đồ gen của mỗi người với sự biểu hiện ra bên ngoài của nó để từ đó có được những thông tin mang tính “tiên đoán” về những gì sẽ xảy ra trong cuộc sống của mỗi con người. Khi ấy, tấm bản đồ gen sẽ giống như một “lá số tử vi”, cho phép đoán định tương lai mọi mặt của một cá nhân ngay từ khi mới sinh ra. Song song với đó, các viện nghiên cứu, các khoa học gia cũng lao vào một cuộc đua mới mà đích đến là giảm thiểu chi phí và thời gian giải mã bộ gen người, nhằm giúp mỗi cá nhân đều có khả năng có được tấm “lá số tử vi” của cuộc đời mình với những dự báo tương lai có độ chính xác cao. Cách đây vài năm, để giải mã được một bộ gen người thì chi phí của nó tốn khoảng 3 tỷ UDS. Nhưng giờ đây chi phí đó chỉ khoảng 1.000 USD và trong tương lai, chi phí này sẽ còn giảm hơn nhiều.
Như chúng ta đã biết, từ rất lâu, khoa học về dự đoán luôn được nhân loại tiến bộ quan tâm và coi trọng. Các môn về tử vi, Kinh Dịch, chiêm tinh... dùng để đoán định tương lai của con người cũng đã ngày càng phát triển rộng rãi tuy khoa học chưa giải thích được cặn kẽ nguyên lý của chúng. Tại nhiều nước tiên tiến trong đó có một số nơi ở Mỹ, khi đứa trẻ vừa ra đời ngay tại bệnh viện, bố mẹ sẽ được tặng tận taymột lá số tử vi truyền thống để dựa vào đó có thể đoán biết tương lai sau này của trẻ. Tuy nhiên, sự “xem bói” này chỉ đúng với một số trường hợp và nền tảng cơ sở của nó không được vững chắc lắm. Với những gì mà khoa học đã khám phá được từ bản đồ gen thì việc lập một “lá số tử vi” ADN cho từng cá nhân cụ thể và dựa vào đó để khám phá những bí ẩn sinh học của cơ thể, đoán định tương lai là hoàn toàn có cơ sở khoa học xác đáng. Theo tuyên bố của các nhà khoa học Trung Quốc tại “Hội nghị quốc tế về hệ gen học” diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2006, trong năm 2008 này, những “lá số tử vi” ADN đầu tiên sẽ ra đời.
Chuỗi xoắn kép ADN có thể tiên tri những gì?
ADN là phân tử mang thông tin di truyền, nằm trong tất cả các tế bào của mỗi chúng ta. Những phân tử ADN, với cách sắp xếp các gốc axit A-T-G-C khác nhau sẽ tạo nên những đặc điểm sinh học đa dạng: từ màu da, nước tóc đến nhóm máu... Đồng thời nó cũng chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi (một cách gián tiếp) của mỗi con người. Tấm bản đồ ADN - cũng giống như tấm phim chụp tim, phổi, xương... là hình ảnh những đoạn gen quan trọng. Chỉ cần nhìn vào bản phim này là các bác sĩ, các nhà khoa học chuyên về sinh học phân tử có thể dự báo những bệnh tật mà một người có thể mắc phải trong cuộc đời và khuyến nghị cách phòng, chống. Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra hàng nghìn gen là thủ phạm gây ra hơn 5.000 bệnh khác nhau. Ví dụ: gen E2F3 gây ung thư bàng quang; gen Aurora 2 gây ung thư vú,... Đồng thời, họ cũng xác định được gen áp chế ung thư (P53). Nếu trên bản đồ ADN cho biết gen P53 hoạt động yếu và gen E2F3 hay Aurora2... hoạt động mạnh trong khi cá nhân này lại bị tiền sử béo phì, quen ăn uống không hợp vệ sinh thì chắc chắn người đó sẽ bị một trong các loại ung thư tương ứng.
Qua phân tích bản đồ gen, các nhà khoa học y sinh cũng sẽ tiên đoán được những năng khiếu, triển vọng năng lực tư duy và hành động của một đứa trẻ. Thậm chí họ có thể biết chính xác đứa trẻ đó có khả năng phát triển trí tuệ đến đâu, có thể học giỏi ngoại ngữ hay không, có năng khiếu làm việc gì tốt nhất, từ đó nên lựa chọn nghề nghiệp gì trong tương lai...
Kết quả những nghiên cứu mới đây nhất về bản đồ gen còn khẳng định rằng, không chỉ có một số bệnh tật, mà cả hiện tượng “trăng gió”, đa thê, đa phu... dường như cũng được “lập trình từ trước” trong gen. Ngay cả khả năng dễ mắc một số bệnh tâm thần như trầm cảm, cũng như thiên hướng nát rượu và ma túy cũng lệ thuộc vào ADN. “Ảnh hưởng của ADN đối với lối sống của chúng ta lớn tới mức: Thậm chí cuộc sống vợ chồng hạnh phúc hay tồi tệ – trong chừng mực đáng kể, cũng lệ thuộc vào ADN” – các nhà nghiên cứu thuộc đại học Boston ở Massachusetts cho biết. Họ đã thực hiện công trình nghiên cứu với 8.000 anh em sinh đôi cùng trứng và khác trứng cùng giới. Chương trình bắt đầu triển khai năm 1987, sau 15 năm kết quả cho thấy: với các cặp anh em sinh đôi cùng trứng (có hệ thống gen như nhau) thì nếu người này ly dị, người kia cũng ly dị. Hiện tượng trùng lặp như thế không diễn ra với đối tượng anh em sinh đôi khác trứng. Đây là chứng cứ khiến nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng, cấu tạo gen chính là nguyên nhân.
“Điều kỳ lạ là, gen can thiệp tới cả những mối quan hệ xã hội phức tạp như thế” - TS. Michael Lyons của nhóm nghiên cứu thừa nhận trên tạp chí chuyên ngành New Science - Chúng ta kế thừa một số thiên hướng của bố mẹ. Một trong số đó là năng lực tạo lập mối quan hệ bền vững với đối tượng khác giới. Nó có thể được lập trình trong gen giống như thiên hướng bẩm sinh mắc một số bệnh như nhồi máu cơ tim hay các bệnh ung thư”. Ông cũng cho biết thêm: tuy bản đồ gen không mách bảo chúng ta quyết định lấy vợ, cưới chồng song nó có thể gợi ý nên chọn đối tượng nào là thích hợp cho việc này. Bởi mùi vị chưa từng gặp cũng như những tín hiệu hóa học không mùi vị do mỗi cơ thể tiết ra cũng có thể đóng vai trò thiết bị nhận dạng di truyền phục vụ cho công việc tuyển chọn có hiệu quả hơn.
Đương nhiên, không phải khi mỗi người đều có một “lá số tử vi” ADN trong tay là đãcó thể rũ bỏ mọi lo lắng về bệnh tật cũng như tránh được mọi điều không hay trong cuộc sống. Bởi, ngoài gen ra, các yếu tố khác như điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, sự phấn đấu của bản thân... cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống và sự thành đạt của con người.
Liên Phương (Theo Focus)