Hành trình cuộc đời dành cho nghệ thuật là ý nguyện của ông nội tôi, đặt hy vọng vào đứa cháu cả, cháu đầu lòng. Cuộc sống đủ loại áp lực, tham vọng, bon chen, giành đoạt... ngổn ngang khiến chất thơ mất, vắng. Tôi hiểu chính chất thơ, cách nhìn đời bằng con mắt thơ khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn về thế giới.
Bằng con mắt thơ, tôi trở về thời gian 35 năm trước bên ông nội, họa sĩ Vi Kiến Minh (1926-1981). Tin thế, dù tôi phải chống lại Heraclius không tắm trên dòng sông hoài niệm lần hai mà tắm chiêm bao về thời ấu nhi biết bao lần. Tôi đang cầm trên tay một kỷ vật của ông nội để lại, báu vật của gia đình. Bức tranh bằng gỗ sơn mài mà ông mang về từ Mông Cổ. Sinh thời ông tôi đã từ chối làm lãnh đạo Vụ Mỹ thuật, nhường nhà được phân cho người khác. Khí chất Trùng Khánh trong ông nửa đời ở Hà Nội chưa một lần phai khác, không bao giờ tham lam, luồn cúi, mưu toan. Ông muốn sống là một họa sĩ chân chính. Cuối đời, là chuyên viên bậc cao, Chủ nhiệm NXB Văn hóa Dân tộc, ông vẫn đi làm từ Cầu Giấy lên NXB ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng bằng xe đạp cũ, lốp buộc chằng chịt. Họa phẩm thiếu, ông chỉ vẽ được tranh nhỏ, vừa làm quản lý, vừa giảng dạy, họa sĩ, cán bộ lãnh đạo liêm khiết thời bao cấp như ông chỉ biết dồn hết tiền nuôi bốn con ăn học, còn mình ăn cơm trong chiếc nồi bé xíu và tranh thủ lúc nấu cơm để tự vá áo quần khi bà nội tôi ở TP. Thái Nguyên chưa chuyển được về Hà Nội đoàn tụ. Ông tôi, người trí thức đầu đàn của Việt Bắc đã dành tâm hồn và nhân cách đẹp đẽ của mình cho nghề nghiệp, cho con.
Bức tranh sơn mài do họa sĩ Vi Kiến Minh mang về từ Mông Cổ.
Ca dao có câu: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/Tôi đây ngậm ngùi vì đứng tuổi Thân”. Có một số dị bản ở câu thứ hai, song câu nào cũng có từ “ngậm ngùi”. Việc gì phải ngậm ngùi. Làm nghệ sĩ sá chi vất vả. Họa - Phúc, cười, khóc, khổ đau hay hoan lạc của cuộc đời này, một kiếp sống ai mà chẳng từng trải qua, nên nếm trải. Tôi tự hào mang tuổi thân. Khỉ là loài vật thuộc bộ linh trưởng, được coi là thông minh, nhanh nhẹn nhất trong các con vật. Khi đặt tên cho tôi, chắc hẳn ông nội còn muốn nhắc đến cội nguồn. Linh là một trong những từ hiếm không bị biến âm khi phát âm ở mọi nơi trên thế giới, kể cả với tiếng Trung Quốc phổ thông lẫn tiếng Quảng Tây vốn là ngôn ngữ khó học. Tiếng Tày Nùng, “tu lình” là con khỉ. Ông đặt tên cháu nội vừa là nhắc đến con giáp, vừa gửi gắm kỳ vọng. Thân là con khỉ đứng thứ 9 trong số 12 con giáp trong Thập Nhị Địa Chi. 12 con này tương ứng Thiên Can (Thập Can): Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý phối hợp âm dương và ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vận hành nên trời đất, vũ trụ này. Có 12 chi (Địa chi, Thập nhị chi) tương ứng 12 từ chỉ 12 con vật của Hoàng Đạo Trung Hoa dùng để chỉ phương hướng, mùa, ngày tháng năm, giờ. Mỗi canh giờ (2 tiếng) đều tương ứng một con vật theo hệ thống trên. Các yếu tố liên kết này liên quan mật thiết đến đời sống con người ngàn năm nay ở Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) và Đông Nam Á (nhất là Việt Nam).
Muốn nhìn thấy khỉ bây giờ chỉ có cách vào vườn bách thú hoặc mua khỉ về nuôi. Dân số Việt Nam đã đến 93 triệu, tỷ lệ nghịch diện tích rừng, đồng ruộng, vườn, núi đồi hẹp dần cho người ở, thú đâu có chỗ sinh tồn! Khỉ không phải là vật nuôi trong nhà như chó mèo, lại được biết đến nhiều bởi những thành ngữ, tục ngữ sử dụng thường xuyên; bởi phim ảnh, rộng rãi khắp thế giới. Với châu Á, trẻ con Việt Nam, Trung Quốc hầu hết đều biết nhân vật Tôn Ngộ Không bởi bộ phim Tây du ký (sản xuất 1966, đạo diễn Dương Khiết) năm nào cũng phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Tôn Ngộ Không là vai diễn gia truyền của Lục Tiểu Linh Đồng, vai xuất chúng để đời của ông, một diễn viên đẹp trai, diễn xuất và võ thuật tốt lại được giao vai là nhân vật chính của tác phẩm thuộc tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Hoa thì sức sống của nghệ sĩ này sẽ lâu bền. Khi viết tác phẩm này, nhà văn Ngô Thừa Ân chắc cũng không lường ở thế kỷ 21 sức sống của Tôn Ngộ Không lại thần kỳ như thế! Một vua khỉ khác được tôn vinh, thờ ở Ấn Độ, Nepal và một số nước Đông Nam Á là Hanuman, nhân vật của sử thi cổ đại nổi tiếng nhất Ấn Độ: Ramayana. Mối tình của Rama và nàng Sita xinh đẹp, thánh thiện sinh ra từ luống cày rồi trở về với mẹ đất khi bị chồng ghen tuông ngờ vực, trở nên bất tử cũng nhờ sự giúp sức của Hanuman. Hanuman cùng đội quân khỉ đã nối đuôi làm cầu, cứu Sita từ hòn đảo bị quỷ vương Ravana nhốt trở về kinh thành Ayodhya.
Khỉ được nuôi để cống hiến cho thí nghiệm tìm ra các loại thuốc cứu người; thật tội nghiệp khi đến giờ vẫn còn rất đông kẻ tin vào sự linh diệu như “thần dược” từ các loài thú quý hiếm: sừng tê giác, mật gấu, nhung hươu, xương ngựa, hổ, khỉ đều bị nấu cao. Những mê tín tàn ác này đều ở châu Á, hoàn toàn trái ngược với các quốc gia phát triển tốn rất nhiều tiền để bảo vệ rừng, các loài động thực vật.
Ở Việt Nam, đảo khỉ ở các tỉnh có biển. Quảng Ninh có đảo khỉ trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; đảo khỉ ở Nha Trang. Miền Nam đã và đang tồn tại rất nhiều cầu khỉ là những thân cây dừa, tre bắc qua kênh, rạch. Dù đã có những đợt vận động vốn để “xóa cầu khỉ” thì kiểu cầu cheo leo này đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ mấy trăm năm nay.
Không chỉ dùng để ví mặt nhăn, để mắng (đồ khỉ gió, khỉ mốc, trò khỉ), bởi tính can đảm, khéo léo, tháo vát, loài khỉ, vượn cũng được coi là con vật tiêu biểu của núi rừng mà không dễ bị đe dọa, dù có bị “Rung cây nhát khỉ”, “Giết gà dọa khỉ”. Khỉ chuyền cành, hú gọi bạn, gọi bầy, gọi con. Khỉ thủy chung với đồng loại, với tình chồng vợ, mẫu tử. Khỉ là hình ảnh để nhân loại hình dung về thời con người chưa tiến hóa, là người vượn. Nhờ những đặc trưng này, người cầm tinh khỉ đặc biệt thành đạt khi làm nghệ thuật hoặc chính khách. Chẳng vòng kim cô và bài niệm chú nào khống chế được sự sáng tạo của người tuổi Thân tài năng. Ngay cả khi vườn bách thú ít dần thậm chí biến mất, khỉ vẫn là loài vật bất tử bởi được yêu mến hàng đầu. Và chính khỉ là nguồn cảm hứng sáng tác trong điện ảnh như Tarzan, nhân vật sống với khỉ; khỉ thành con vật mang sức mạnh vô song như trong phim King Kong. Không thể liệt kê hết trí thức, nghệ sĩ, tên tuổi mang tuổi Thân, tôi muốn ưu ái nhắc đến người sinh năm Bính Thân (1956), năm nay tròn một vòng hoa Giáp (60 năm = 5 Giáp): đạo diễn điện ảnh Lưu Trọng Ninh, NSND Kịch nói Hoàng Cúc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Ngô Hà Thái, các nhà văn Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Võ Thị Hảo...
Cộng hòa Pháp, một trong các nền văn hóa lớn của loài người, lịch sử giao thoa gần gũi, ảnh hưởng đến Việt Nam có nhiều nhân vật nổi tiếng mang tuổi Bính Thân. Kể từ sau khi Pháp - Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam làm nghiên cứu và nhận bằng tiến sĩ. Văn học là Trần Thu Dung, định cư tại Paris từ 1988 đồng niên Bính Thân với bà có nhà văn: Michel Houellebecq (nhà văn nổi tiếng nhiều giải, Goncourt 2010); Brigitte Aubert (chuyên tiểu thuyết trinh thám, giải thưởng về truyện trinh thám Cái chết trong rừng 1997); Nhà toán học Pierre-Louis Lions; Catherine Colonna - nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao châu Âu, Đại sứ Pháp tại UNESCO; Diễn viên kịch Dominique Blanc (Giải thưởng Festival de Venise en 2008, Giải Liên đoàn Phê bình về diễn viên xuất sắc 1994, 1997); Đạo diễn điện ảnh Marc Caro (Giải César 1980, 1991). Ca sĩ Sylvie Vartan (vợ cũ của ca sĩ rock nổi tiếng John Halliday) Giáp Thân 1944. Cùng tuổi Nhâm Thân 1932 với dịch giả Dương Tường, là nhà văn, nhà sử học, nhà chính trị gia nổi tiếng Max Gallo... Với danh sách lừng lẫy như thế, tôi thấy những gì mình làm được quá ít ỏi.