Mắc sỏi túi mật do thói quen nhịn ăn gián đoạn
Nhiều người thường áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn vào quá trình giảm cân. Tuy nhiên phương pháp này lại có khả năng khiến bạn mắc sỏi túi mật.
Cơ chế hoạt động của gan là gan tiết ra mật và đưa mật vào trong túi mật. Dịch mật sẽ được cô đặc và khi cơ thể tiêu thụ thức ăn, dịch mật sẽ giúp tiêu hóa phần thức ăn này. Trong trường hợp bạn nhịn ăn một thời gian dài, không nạp thức ăn vào cơ thể đồng nghĩa với việc dịch mật trong túi mật không được đẩy xuống. Thay vào đó dịch mật sẽ tiếp tục cô đặc gây ra các buồng sỏi, lâu ngày tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
Với những người nhịn ăn nói chung và nhịn ăn gián đoạn nói riêng, ăn không đúng bữa, nhịn ăn sáng… sẽ có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn bình thường. Để giảm cân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phác đồ phù hợp, không nên tự ý nhịn ăn tùy tiện gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Bên cạnh thói quen nhịn ăn, một số yếu tố nguy cơ gây sỏi túi mật có thể gặp là:
- Người thừa cân béo phì hoặc có chế độ ăn nhiều dầu mỡ gây ra tình trạng lắng đọng cholesterol
- Với phụ nữ có các yếu tố như: trên 40 tuổi, sinh con nhiều lần, phụ nữ mang thai, phụ nữ dùng thuốc tránh thai…
- Tiền sử trong gia đình có người mắc sỏi túi mật
- Người mắc bệnh lý tan máu bẩm sinh, đây là bệnh lý khiến lượng bilirubin trong máu tăng, bệnh lý Crohn.
Sỏi túi mật là gì, có nguy hiểm không?
Sỏi túi mật phát triển và hình thành ở trong túi mật hoặc ống mật. Thông thường, sỏi túi mật không thể tự biến mất, tự khỏi. Theo thời gian, sỏi trong túi mật sẽ tăng dần kích thước. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh sỏi túi mật có thể tan nhờ uống thuốc. Thậm chí có nhiều trường hợp sử dụng thuốc bừa bãi, không có chỉ định của bác sĩ còn có thể làm lưu lượng dịch mật tăng lên, đưa viên sỏi đi các bộ phận khác của cơ thể gây ra biến chứng.
Trường hợp người bệnh không thấy sỏi/sỏi biến mất không phải là sỏi tự hết mà do sỏi di chuyển tới các vị trí khác trong túi mật như ống mật hay ống mật chủ. Tình trạng này hay gặp ở các viên sỏi có kích thước nhỏ và dễ gây biến chứng tắc mật, viêm tụy cấp.
Triệu chứng sỏi túi mật
Biểu hiện thường gặp nhất khi bị sỏi túi mật là đau. Khi bị sỏi túi mật thường sẽ xuất hiện cơn đau phía hạ sườn phải, đau ra sau lưng và lan lên vai. Cơn đau do sỏi túi mật gây ra có thể gây ra nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Trong nhiều trường hợp sỏi túi mật gây biến chứng, người bệnh thường có biểu hiện sốt, vàng da.
Khi có những cơn đau không rõ nguyên nhân hay bất thường ở cơ thể, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám tìm nguyên nhân.
Sỏi túi mật có nguy hiểm không? Nếu sỏi túi mật không được điều trị có thể gây mất khả năng lao động hay những biến chứng nặng nề cho sức khỏe. Trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc sỏi túi mật nhưng không có triệu chứng có thể sẽ không cần phải cắt túi mật. Với các loại sỏi bé dưới 3mm hoặc sỏi kích thước lớn trên 2cm, người mắc đái tháo đường, người sắp ghép tạng… sẽ được chỉ định cắt sỏi túi mật dự phòng.
Xem thêm video được quan tâm:
6 thói quen gây sỏi mật | SKĐS